Cơ sở y tế dồn lực phục vụ Tết
Ðến cuối tháng 1.2024, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất chuẩn bị nhân lực, bố trí kíp trực 4 cấp, rà soát toàn bộ thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ điều trị, cấp cứu dịp giáp Tết và trong tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Lượng bệnh nhân cấp cứu gấp rưỡi, gấp đôi
Từ cuối tháng 1, bác sĩ CKII Trần Thượng Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu (BVĐK tỉnh) đã lên danh sách kíp trực Tết cụ thể, sau khi “chốt” số lượng trực từ hơn 1 tuần trước. 51 cán bộ, nhân viên của khoa, chỉ 1 - 2 trường hợp đặc biệt được nghỉ trực. Khoa bố trí mỗi ngày có 2 kíp trực (mỗi kíp có 1 bác sĩ, 7 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên tiểu phẫu, 2 hộ lý). Khoa cũng rà soát toàn bộ thuốc, vật tư, máy móc phục vụ cấp cứu phải sẵn sàng. Khâu hậu cần cũng chuẩn bị thức ăn nhanh, bánh trái… để Tết ăn nhanh, gọn.
Dịp Tết, khoa Khám bệnh - Cấp cứu (BVĐK tỉnh) tiếp nhận lượng bệnh cấp cứu gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường.- Trong ảnh: Cấp cứu bệnh nhân sáng 30.1. Ảnh: M.H
Ở nơi “đầu sóng ngọn gió” này, lượng bệnh nhân cấp cứu dịp Tết gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường, khoảng 250 - 300 bệnh nhân/ngày; đa số bị TNGT, các đợt cấp của bệnh mạn tính và bệnh mới phát sinh, ngộ độc thức ăn và bia rượu… Trong câu chuyện liên tục ngắt quãng vì xử lý ca cấp cứu, điện thoại liên tục, bác sĩ Trần Thượng Dũng chia sẻ: Ngoài bệnh cấp cứu vào trực tiếp, khoa còn tiếp nhận bệnh chuyển tuyến từ các cơ sở y tế trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi. Những ca cấp cứu đều nặng, cộng với tâm lý ngày Tết ai cũng muốn làm nhanh nên chúng tôi phải xử lý khẩn trương, chính xác. Dù anh em hầu hết đều có “kinh nghiệm chiến trường” nhưng mỗi bận vào Tết đều căng thẳng. Đặc biệt, chúng tôi xác định dù có Tết thì bệnh viện… cũng là nhà!
Các TTYT tuyến huyện đến giờ cũng sẵn sàng nhân lực và phân công thường trực 4 cấp (trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ), niêm yết danh sách cán bộ trực tại các khoa, phòng, trạm y tế. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị y tế, oxy y tế…; bố trí giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác cấp cứu, thu dung, điều trị, đặc biệt cấp cứu TNGT, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho hay: Bệnh viện xây dựng phương án vận chuyển, chuyển tuyến an toàn lên tuyến trên khi cần thiết; đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời. Chúng tôi quán triệt các khoa lâm sàng và bộ phận liên quan không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ các ca điều trị cấp cứu, chuyển viện.
Còn Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu khẳng định không chỉ lo khám chữa bệnh dịp Tết, trung tâm còn tăng cường mạnh lực lượng triển khai phòng, chống dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết.
Chú trọng chăm lo bệnh nhân ở lại trong Tết
Từ ngày 8 - 14.2 (29 tháng Chạp - mùng 5 Tết), BVĐK tỉnh đảm bảo nhân lực trực từ 200 - 260 người/ngày. Đến chiều 30 tháng Chạp, dự kiến bệnh viện chỉ còn khoảng 1/2- 1/3 số bệnh nhân ở lại, trong số khoảng 1.600 bệnh nhân nội trú/ngày như hiện nay. Bệnh viện cũng cấp thuốc điều trị ngoại trú 1 tháng cho các bệnh nhân bệnh mạn tính.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng thông tin, áp lực bệnh nhân không chỉ có ở khoa Khám bệnh - Cấp cứu, các khoa Gây mê - Hồi sức, Ngoại, Nội… cũng phải căng sức. Để giảm áp lực cho các khoa này, bệnh viện tính toán nhân lực hỗ trợ từ các khoa, phòng khác, song cũng không thể nhiều được. Đẩy lịch mổ toàn bộ bệnh nhân diện mổ chương trình lên mổ cấp cứu ngay trước Tết để giải phóng phòng mổ phục vụ trong Tết.
Cùng với các quy định, vấn đề chuyên môn đã trở thành thường quy, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh, phải thăm hỏi, tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại cơ sở y tế trong dịp Tết chu đáo; chú ý người bệnh nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Riêng nhân viên y tế phải quán triệt đảm bảo an toàn giao thông.
Đặc thù điều trị bệnh nhân phong, những ngày này, ngoài việc tất bật chuẩn bị nhân lực, thuốc men, vật tư, phương tiện đảm bảo cấp cứu trong và ngoài viện, bố trí lực lượng trực bảo vệ, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn trong những ngày Tết, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa còn tìm nguồn chăm lo cho bệnh nhân. Bệnh viện có gần 400 bệnh nhân phong, nhiều người chọn Quy Hòa là quê hương thứ hai gắn bó hết quãng đời còn lại. “Tổ công tác xã hội của bệnh viện và hội đồng người bệnh đã kêu gọi tìm nguồn quyên góp giúp đỡ bệnh nhân từng cân gạo, chai mắm, hũ dưa…; tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, bữa cơm tươi tươm tất vào ngày cuối năm chia sẻ với bệnh nhân nghèo, mong mang lại những ấm áp yêu thương trong ngày Tết. Bệnh viện cũng kêu gọi và được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ cải thiện phần nào cuộc sống còn thiếu thốn của họ”, Giám đốc Bệnh viện Vũ Tuấn Anh bày tỏ.
MAI HOÀNG