Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ
(BĐ) - Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ tại địa phương.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 quy định cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ hoặc có sử dụng sản phẩm tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa.
Cụ thể là dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc can thiệp xâm lấn khác) nhằm làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể); khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người. Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Như vậy, kể từ năm 2024, các cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ nêu trên phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với hình thức tổ chức phù hợp.
HOÀNG ANH