KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ÐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930 - 3.2.2024)
Giữ mạch nguồn cách mạng chảy mãi
Sự ra đời của các chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh là kết quả tất yếu của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước của nhân dân Bình Ðịnh. Ðó còn là các mốc đánh dấu thắng lợi của chặng đường đấu tranh gian khổ, đầy những trăn trở của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng trên hành trình “đi tìm con đường sống” cho quê hương, đất nước.
Đặt nền móng cho sự nghiệp cách mạng
Giai đoạn 1928 - 1929, phong trào cách mạng trong tỉnh có những chuyển biến tích cực, cổ vũ và lãnh đạo các cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng từ nhà máy, phân xưởng, trường học đến nhiều vùng nông thôn. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3.2.1930), các chi bộ cộng sản ở một số địa phương trong tỉnh lần lượt được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Đầu tháng 3.1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư phân cục Trung Kỳ (sau tháng 10.1930, đổi là Xứ ủy Trung kỳ) cử đồng chí Phan Thái Ất, cán bộ của Xứ ủy đang công tác tại Đà Nẵng vào đặc trách phong trào cách mạng ở Quy Nhơn.
Đồng chí Phan Thái Ất chọn một số đảng viên ở Quy Nhơn, Phù Mỹ... lập ra chi bộ cộng sản tại Nhà máy đèn Quy Nhơn. Lúc mới thành lập, chi bộ gồm 5 đảng viên, do đồng chí Lê Xuân Trữ (Lê Xuân Trứ) là công nhân kỹ thuật Nhà máy đèn làm Bí thư. Cuối tháng 4.1930, đồng chí Lê Xuân Trữ được điều về Ban điều hành tại Đà Nẵng thuộc Xứ ủy Trung kỳ, Phân ban Xứ ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Hoàng, công nhân Nhà máy đèn làm Bí thư.
Trong những năm 1930 -1931, Chi bộ Nhà máy đèn làm nhiệm vụ của một tổ chức Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng toàn thành phố và các huyện lân cận. Không chỉ là một cơ sở đảng đầu tiên, Chi bộ Nhà máy đèn còn là tổ chức Đảng ở địa phương đầu tiên bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu tháng 8.1930, được sự giúp đỡ của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TP Sài Gòn, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được thành lập tại thôn Cửu Lợi (nay là khu phố Cửu Lợi Tây, phường Tam Quan Nam) gồm 5 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Từ một chi bộ với 5 đảng viên, sau một thời gian ngắn đã phát triển lên hơn 60 đảng viên, hình thành 6 chi bộ đảng và thành lập Đảng bộ huyện đầu tiên của tỉnh Bình Định.
Tháng 6.1931, Huyện ủy Hoài Nhơn phân công đồng chí Đoàn Tính - Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ Nam Hoài Nhơn, về Hoài Ân xây dựng lực lượng hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Đầu tháng 7.1931, tại vườn nhà ông Nguyễn Châu, ở thôn Vạn Đức (nay là thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín) đồng chí Đoàn Tính tổ chức cuộc họp thành lập Chi bộ Vạn Đức.
Tại TP Quy Nhơn, Chi bộ Đảng Trường Collège de Quinhon (nay là Trường Quốc học Quy Nhơn) được thành lập vào tháng 10.1930. Được sự giúp đỡ tích cực của Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, Chi bộ Trường Quốc học Quy Nhơn được thành lập với 5 đảng viên là những học sinh tuổi 16, 17 nhưng giàu lòng yêu nước; đồng chí Lê Văn Bảo làm Bí thư Chi bộ đầu tiên. Nghị quyết của chi bộ là tập trung học tập tốt và khéo léo vận động tinh thần yêu nước trong học sinh.
Chi bộ Trà Quang (Phù Mỹ) được thành lập vào khoảng cuối tháng 6.1931, do đồng chí Nguyễn Năng làm Bí thư. Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh chống lại chính quyền thực dân Pháp. Từ các cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ, giành chính quyền, Đảng bộ và nhân dân Phù Mỹ đã phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường đấu tranh, góp phần cùng nhân dân Bình Định và cả nước giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chi bộ Hồng Lĩnh được đồng chí Huỳnh Đăng Thơ chính thức thành lập vào ngày 20.10.1936 tại thôn Đại An (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Lúc đầu, Chi bộ có 7 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Mân làm Bí thư; đến năm 1938 đã có trên 30 đảng viên. Chi bộ Hồng Lĩnh là tổ chức đảng tiền thân của Đảng bộ TX An Nhơn, Đảng bộ huyện Tây Sơn và Đảng bộ huyện Phù Cát.
Các chi bộ được thành lập là mốc đánh dấu thắng lợi của chặng đường đấu tranh gian khổ, đầy trăn trở, mò mẫm và vấp váp của nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước Bình Định. Hoạt động của các chi bộ đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của quê hương.
Cán bộ, đảng viên về nguồn, tham quan Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn). Ảnh: H.P
Giữ mạch nguồn cách mạng
Những năm gần đây, nhà truyền thống các tổ chức Ðảng đầu tiên của tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang, xứng tầm, để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.
Ở xứ Dừa, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi là nơi ghi tạc truyền thống đấu tranh cách mạng của quân, dân nơi đây. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 12.1991; sau đó được nâng cấp vào năm 2000 và 2010. Hiện nay, Nhà lưu niệm đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng trên diện tích khoảng 1,4 ha. Bên cạnh tu bổ, bảo quản di tích Cây Cừa, cải tạo Nhà lưu niệm, công trình sẽ có thêm nhiều hạng mục mới như nhà đón tiếp, trưng bày; tuyến đường đi bộ dọc sông Kho Dầu...
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương chia sẻ: “Đầu tư cho di tích lịch sử luôn là mối quan tâm lớn của chính quyền địa phương. Hơn nữa, việc quy hoạch và sau đó là triển khai xây dựng nâng cấp, mở rộng di tích nơi thành lập Chi bộ Cửu Lợi - chi bộ Đảng đầu tiên của TX Hoài Nhơn, là cần thiết. Di tích là niềm tự hào và động lực để dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước”.
Đầu tư xây dựng di tích chỉ là bước đi đầu tiên. Để di tích lịch sử sống mãi trong lòng người dân mới là vấn đề quan trọng trước mắt lẫn lâu dài. Với vai trò và diện mạo mới, các nhà lưu niệm chi bộ đảng đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tổ chức đảng ở địa phương. Đây là nơi trao Huy hiệu Đảng, kết nạp đảng viên mới của nhiều chi bộ, là địa chỉ về nguồn của ĐVTN, hay là nơi tuyên dương đảng viên trẻ, học sinh, sinh viên tiêu biểu...
“Vinh dự là đảng viên trẻ được Tỉnh đoàn tuyên dương tại Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh khiến tôi thêm phần trân trọng sự đóng góp, hy sinh của các bác, các anh. Từ đó, tích cực rèn luyện, phấn đấu để góp sức xây dựng quê hương”, Bí thư Đoàn phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) Võ Thanh Cường chia sẻ.
Để xứng đáng với truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn, tất cả đảng viên của Đảng bộ Điện lực Bình Định phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển đảng viên, xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Từ tổ chức tiền thân với 5 đảng viên đầu tiên, đến nay, Đảng bộ đã có 245 đảng viên với 16 chi bộ trực thuộc.
Ông Nguyễn Thế Bình, Bí thư Đảng ủy Công ty Điện lực Bình Định, bày tỏ: “Năm 2023, Đảng ủy Công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động gắn với đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, sản lượng điện thương phẩm toàn Công ty thực hiện đạt hơn 2.550 tỷ kWh, đạt 105,43% kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Trung giao, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu bán điện đạt gần 5.000 tỷ đồng, cao hơn 9,68% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước 47,5 tỷ đồng, cao hơn 31,24% so với cùng kỳ”.
HỒNG PHÚC