Ðón tết trên những dặm dài
Tết là quãng thời gian nghỉ dài nhất trong năm và du lịch Tết đang trở thành một trong những cách nghỉ - ăn - chơi tết được lựa chọn. Thêm nữa, đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi cách nghĩ, cách sống của nhiều người.
Khác với những người… không còn trẻ, giới trẻ hiện nay có xu hướng coi kỳ nghỉ Tết là dịp để đi chơi, nghỉ ngơi, tận hưởng sau một năm làm việc vất vả chứ không phải để tất bật lo toan. Đi, để hòa mình vào không khí lễ hội xuân hoặc ẩn mình tìm kiếm sự bình yên ở nơi mình yêu thích.
Thế nên, du lịch Tết năm nay của cô gái Trường Linh (26 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) là đến Nha Trang. Linh vui vẻ cho biết: “Bố mẹ mình suy nghĩ thoáng, khuyến khích con trải nghiệm những vùng đất mới. Điểm đến của nhóm bạn mình tết này là Tháp Bà Ponagar và đảo Hòn Chồng, qua đó sẽ hiểu hơn về văn hóa Champa và hy vọng là sẽ có thêm nhiều bức ảnh đẹp về biển đảo quê hương Việt Nam”.
Còn anh Dũng (43 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) thì chia sẻ kế hoạch đón Tết ở Đà Lạt: “Tôi quanh năm tất bật với công việc kinh doanh, chưa có nhiều thời gian dành cho vợ con nên du lịch Tết để tránh mệt mỏi cho bản thân, gia đình vì tiệc tùng”. Anh Dũng dựa vào các bài review du lịch của người đi trước, rồi quyết định chọn phương án tự đi, đặt phòng khách sạn từ sớm. “Việc du lịch tự túc không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn chủ động được về thời gian, tăng yêu thương, gắn kết gia đình, tạo nên những kỷ niệm đẹp và đều đặn mỗi năm”, anh lý giải.
Người viết cũng có một cô bạn có thói quen cùng gia đình vui xuân trên những dặm dài đất nước. Xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, có năm họ đón giao thừa ở Nha Trang, chơi tết ở quê nhà Quy Nhơn, rong chơi mấy tỉnh nữa, rồi “hạ nêu” ở Hà Nội. Có năm thì tiêu hết quãng nghỉ tết trên miền Tây Bắc. Để đi được như thế, ngoài việc chuẩn bị tài chính, gia đình họ phải sắp xếp mọi thứ, vẹn tròn lễ nghĩa trong ngoài trước tết.
Nhưng cũng có những người không lựa chọn như vậy. Với họ, nỗi niềm mong ngóng trở về nhà mỗi dịp Tết đến lại trở nên da diết, khắc khoải hơn. Khoảnh khắc đoàn tụ quây quần bên gia đình thân yêu luôn khắc sâu trong tâm trí họ, nhất là với người xa xứ. Kim Yến (23 tuổi, du học sinh Nhật, ở phường Hải Cảng, Quy Nhơn) vui mừng: “Tết này, em ăn Tết với gia đình sau hơn bốn năm đón Tết xa quê. Bữa cơm chiều 30 Tết cùng gia đình luôn mang đến cho em cảm giác thật ấm áp, nên cứ nôn nao chờ đón”.
Với nhiều người không thể và không muốn thay đổi nếp xưa, Tết là để trở về, với các phong tục mừng tuổi, đi lễ nhà thờ tộc họ, về từ đường, hoặc đi chùa hái lộc cầu xin năm mới an lành. Niềm vui lớn nhất của họ là sắm sửa Tết cùng gia đình và đón Tết truyền thống tại chính ngôi nhà của mình, với những người ruột thịt.
Người trẻ sống hướng tới tương lai, người lớn tuổi hay nhớ về quá khứ. Ông bà thường cảm thấy cô quạnh khi lớp trẻ đi du lịch hết trong dịp Tết. Song, đón tết ở một nơi khác nhà mình, bằng một cách thức khác, xê dịch chứ không tĩnh tại, suy cho cùng cũng là một cách thực hành quan niệm sống. Chính vì vậy, lựa chọn nào cũng cần vẹn đôi đường, khi mỗi người thật sự đón Tết trong tâm thế tự do, vui vẻ, còn ông bà, cha mẹ thì thường yên tâm nhất khi cảm nhận con cháu vui vẻ, hạnh phúc.
LÊ THÀNH NAM