Xuân vui trên khắp mọi miền
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt đón giao thừa, các huyện, thị xã, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ nhân dân, du khách vui xuân, đón tết.
TP QUY NHƠN
Chương trình âm nhạc đường phố diễn ra từ 17 - 19 giờ ngày 7 - 8.2 (tức 28 - 29 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Quảng trường Chiến Thắng và xã Nhơn Hải, với các tiết mục hòa tấu tác phẩm âm nhạc về quê hương, đất nước, mùa xuân sôi động.
Cụm biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón chào xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Sắc xuân Bình Định” có thời lượng 255 phút, sẽ diễn ra từ 20 giờ 15 phút đến 24 giờ ngày 9.2 (đêm giao thừa) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, gồm 2 phần: Mừng Đảng, mừng Xuân và hoạt náo đón chào năm mới Giáp Thìn 2024. Đến thời khắc giao thừa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong 15 phút.
Chương trình nghệ thuật chào năm mới, xuân Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Chiến Thắng diễn ra vào tối 10.2 (mùng 1 Tết). Hội đánh bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành từ ngày 11 - 24.2 (mùng 2 Tết đến rằm tháng Giêng). Giải cờ tướng mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn tại Trung tâm VH-TT&TT thành phố diễn ra lúc 14 giờ ngày 12.2 (mùng 3 Tết); biểu diễn cờ người vào tối 14.2 (mùng 5 Tết) tại Quảng trường Chiến Thắng...
HUYỆN TUY PHƯỚC
Hội xuân chợ Gò diễn ra từ 7 giờ sáng ngày 10.2 (mùng 1 Tết) tại chợ Gò, khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Đi chợ xuân, ngoài việc mua chút trầu cau, xin chữ ông đồ lấy may đầu năm, khách chơi hội chợ Gò còn được thưởng thức chương trình hát múa, bài chòi tổng hợp, múa lân và tham gia các trò chơi dân gian, như: Nhảy bao bố chuyền bóng, cướp cờ, u quạ, bắt chạch trong chum, đập ấm; “thượng chòi” tại Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian.
Giải đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa vào 13 giờ 30 phút ngày 11.2 (mùng 2 Tết), với 4 đơn vị tham gia: Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn. Nội dung đua tài gồm: Sõng câu bơi dầm nam, nữ (cự ly 400 m) và đua thuyền tập thể nam (cự ly 1.600 m), đua thuyền tập thể nữ (cự ly 800 m). Hội bài chòi dân gian từ 14 - 22 giờ ngày 11 - 12.2 (mùng 2 - 3 Tết) tại chợ mới Gò Bồi, xã Phước Hòa.
TX AN NHƠN
Trò chơi dân gian xổ cổ nhơn diễn ra từ ngày 7 - 14.2 (tức 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 Tết) tại Nhà văn hóa Trung tâm TX An Nhơn. Ngoài ra, tại Quảng trường Trung tâm TX An Nhơn sẽ diễn ra chuỗi hoạt động, gồm: Biểu diễn hát bội từ ngày 10 - 11.2 (mùng 1 - 2 Tết); thi đấu cờ người ngày 12 - 13.2 (mùng 3 - 4 Tết); Hội thi chọi gà dân gian từ ngày 11 - 13.2 (mùng 2 - 4 Tết); Hội đánh bài chòi dân gian từ ngày 14 - 15.2 (mùng 5 - 6 Tết); giao lưu biểu diễn võ cổ truyền từ ngày 16 - 17.2 (mùng 7 - 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
HUYỆN TÂY SƠN
Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) tổ chức ngày 13.2 (mùng 4 Tết). Ngoài phần lễ theo nghi thức cổ truyền, phần hội sẽ diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung và một số địa điểm khác trên địa bàn huyện Tây Sơn với nhiều hoạt động, như: Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định, biểu diễn hát bội, dân ca bài chòi; múa lân, sư, rồng; diễn tấu cồng chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh năm 2024…, phục vụ nhân dân, du khách từ ngày 13 - 15.2 (mùng 4 - 6 Tết).
Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) được tổ chức ngày 13 - 15.2 (mùng 4 - 6 Tết) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT hứa hẹn hấp dẫn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ diễn ra từ 20 - 22 giờ ngày 13.2 (mùng 4 Tết) tại Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung với chủ đề “Hào khí Tây Sơn”, gồm 3 phần: Tây Sơn tụ nghĩa; Ngọc Hồi - Đống Đa, bản hùng ca bất tử; Viết tiếp bản hùng ca. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ hội, đón xuân Giáp Thìn 2024.
Ngoài ra, còn có Triển lãm sinh vật cảnh diễn ra từ ngày 9 - 15.2 (tức 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 6 Tết) tại ngã tư đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong).
TX HOÀI NHƠN
Chợ hoa xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 30.1 - 9.2 (tức 20 - 30 tháng Chạp). Địa phương tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp đón năm mới tối 9.2 (đêm giao thừa).
Trong những ngày Tết sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, như: Đọc báo Xuân tại Thư viện thị xã; Hội đánh bài chòi dân gian từ ngày 11 - 14.2 (mùng 2 - 5 Tết); Đêm võ đài mừng Đảng, mừng xuân từ 12 - 13.2 (mùng 3 - 4 Tết); trò chơi dân gian xổ cổ nhơn từ ngày 9 - 17.2 (30 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng); Hội chợ xuân Giáp Thìn 2024 và các trò chơi dân gian từ ngày 10 - 19.2 (mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng).
Các hoạt động kỷ niệm 59 năm chiến thắng đồi Mười (1965 - 2024) tại Di tích quốc gia đồi Mười (xã Hoài Châu Bắc) vào ngày 13 - 14.2 (mùng 4 - 5 Tết) với lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT như: Đêm văn nghệ, giải chạy việt dã vượt đồi Mười... Ngoài ra, còn có các hoạt động du xuân làng chiếu, làng hoa Hoài Châu Bắc với Lễ giỗ tổ nghề chiếu từ ngày 17 - 18.2 (mùng 8 - 9 tháng Giêng); Giải cờ vua, cờ tướng mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn…
HUYỆN PHÙ CÁT
Hội đánh bài chòi dân gian diễn ra tối 11 - 12.2 (mùng 2 - 3 Tết). Thi đấu giao hữu võ cổ truyền vào tối 14 - 15.2 (mùng 5 - 6 Tết).
HUYỆN PHÙ MỸ
Giải đua thuyền truyền thống huyện Phù Mỹ tại đầm Trà Ổ (xã Mỹ Châu) sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 14.2 (mùng 5 Tết) với 4 xã tham gia: Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Châu. Mỗi đơn vị sẽ tham gia thi đấu 2 đội thuyền nam và nữ.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Phù Mỹ tại đầm Trà Ổ (xã Mỹ Châu) tổ chức hằng năm thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến xem, cổ vũ. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Lễ hội kỷ niệm 59 năm (1965 - 2024) chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu vào sáng 14.2 (mùng 5 Tết). Ngoài phần lễ, còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian, biểu diễn võ cổ truyền, triển lãm ảnh về đất và người Phù Mỹ…
HUYỆN HOÀI ÂN
Điểm vui xuân tại Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Ân với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và trò chơi dân gian từ ngày 8 - 15.2 (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 6 Tết). Giải cờ tướng truyền thống diễn ra từ ngày 19 - 21.2 (mùng 10 - 12 tháng Giêng).
HUYỆN AN LÃO
Đêm Âm vang cồng chiêng và hương vị rượu cần từ ngày 10 - 15.2 (mùng 1 - 6 Tết) tại nhà văn hóa các thôn, khu phố đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Giải bóng chuyền nam diễn ra từ ngày 15 - 19.2 (mùng 6 Tết đến mùng 10 tháng Giêng) tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng huyện An Lão.
ĐOAN NGỌC