Gửi yêu thương trong những món “ngày xưa”
Dù có thể không thực sự khéo nấu nướng, nhiều bạn trẻ vẫn hào hứng mày mò làm mứt, kiệu cùng những món ăn đặc trưng ngày Tết, để dùng trong gia đình và tặng những người thân yêu dịp năm mới.
Người trẻ xem việc tự tay làm món ăn truyền thống ngày Tết là món quà ý nghĩa dịp đầu năm, đặc biệt là với các bạn sống xa gia đình.
Nghĩ mãi về việc “đón Tết sớm” cùng người thân, bạn Nguyễn Thị Thanh Phụng (SN 2000, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) tâm sự, bạn và chị gái quê ở tỉnh Bình Thuận, vào TP Quy Nhơn sống cùng họ hàng và học tập suốt 12 năm phổ thông. Vào đại học, Phụng học tại TP Hồ Chí Minh, chị gái tiếp tục gắn bó với thành phố biển. Sống xa nhau nên mỗi khi có dịp đoàn tụ, cả hai rất trân trọng và thường lên kế hoạch để cùng về quê với bố mẹ.
Nhưng năm nay, Phụng quyết định làm thêm mùa Tết để phụ gia đình trang trải chi phí. Bởi vậy, ngay từ đầu tháng Chạp, cô tranh thủ trở về Quy Nhơn thăm chị và ngỏ ý làm dưa món, mắm củ kiệu. Thành phẩm sẽ được chị gái mang về gửi bố mẹ thưởng thức như món quà tết giản dị, chứa đựng tình cảm của cả hai.
“Chúng tôi thường vào bếp nấu các món ăn thông thường chứ chưa từng làm kiệu, dưa món. Lên mạng tìm thông tin thì nhận ra món này có rất nhiều cách làm, tùy theo khẩu vị từng vùng. Thế là hai chị em quyết định “liều” chọn công thức phù hợp. Mẻ đầu tiên, kiệu bị quá chua và mặn. Đến mẻ thứ hai, chúng tôi mới ưng ý và tự tin làm quà gửi tặng bố mẹ”, Phụng chia sẻ.
Nguyễn Thị Thanh Phụng (trái) và chị gái cùng làm củ kiệu, dưa món tại nhà. Ảnh: D.L
Khác với Phụng, Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 2005, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) có sở thích tìm hiểu, chế biến các món truyền thống ngày Tết. Mỗi năm, Trang một mình vào bếp chuẩn bị từ giữa tháng Chạp. Riêng năm nay, cô cùng hai người bạn thân quyết định làm món khoái khẩu: Mứt dừa.
Cẩn thận ghi chú các nguyên liệu mà Trang hướng dẫn, Phạm Trần Đại (SN 2000, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) “bật mí”, nếu cô bạn vô cùng tự tin thì Đại lại hồi hộp, bởi cậu bạn chủ yếu biết nấu những món đơn giản chứ chưa bao giờ làm món truyền thống ngày Tết. Thế nhưng, được sự động viên của Trang, cả hai hào hứng vào bếp.
Đại chia sẻ: “Hai người cùng làm sẽ vui hơn một chứ! Hơn nữa, thay vì làm mứt ở nhà, chúng tôi cùng một số đồng nghiệp dùng bếp ở chỗ làm để nấu nướng. Người làm mứt, người làm kẹo nougat (hay còn gọi là kẹo hạnh phúc), số khác thì túm tụm làm khô bò… rất rộn ràng. Với tôi, đây là trải nghiệm đáng nhớ, vừa giúp kỹ năng nấu nướng tốt lên, vừa giúp ngày Tết thêm ý nghĩa”.
Tương tự, mang hy vọng lan tỏa không khí rộn ràng ngày Tết, một số hội, đoàn thể đã quan tâm và tạo điều kiện để người trẻ có dịp tìm hiểu văn hóa truyền thống ngày Tết của dân tộc. Cuối tháng 1 vừa qua, Đoàn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tổ chức chương trình Mừng Đảng - mừng Xuân. Trong đó, hoạt động nấu bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả và thi viết thư pháp được đông đảo sinh viên thích thú và nhiệt tình tham gia.
Từ 7 giờ sáng đến cuối giờ chiều cùng ngày, sinh viên chia thành từng nhóm nhỏ, người lo gói bánh, người lại chọn từng trái cây tươi ngon, đẹp mắt để trình bày. Không khí Tết như tràn ngập trên khoảng sân trường dịp cuối năm.
Tỉ mỉ khắc chữ lên trái dưa hấu nhỏ trên tay, bạn Nguyễn Thanh Lệ (lớp TCK16 Kỹ thuật chế biến món ăn, khoa Thủ công Mỹ nghệ) cho hay, đây là khâu khó nhất khi làm mâm ngũ quả. Bởi nếu không cẩn thận, đường nét trên lớp vỏ sẽ đứt quãng, ảnh hưởng đến chất lượng của quả. Thế nhưng, vì đây là ngày hội nên cô bạn không áp lực mà rất vui vẻ, hết mình.
“Thay vì làm giống hệt các mẫu trên mạng, sinh viên từ các khoa có dịp “team work”, bàn bạc và sáng tạo theo sở thích, tạo nên những thành phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng. Điều này giúp mọi người thoải mái và hào hứng với bữa tất niên “cây nhà lá vườn” hơn”, Lệ bày tỏ.
DƯƠNG LINH