Ðội múa rồng Xóm Ðậu
*Truyện ngắn của LÂM KHOA
Đó, đó đúng rồi… Con xoãi chân phải ra… Nghiêng, nghiêng người sang trái, đưa cái đầu rồng sang luôn… Đúng rồi. Giỏi. Giờ thu lại ở vị trí ban đầu rồi bung thẳng lên cao coi! Giỏi, thằng này giỏi, làm có vài lần mà thạo luôn, mậy!
Chú Nghiệp ngồi trước hè. Một tay cầm thanh tre già, gõ cạch cạch ra hiệu, miệng liên tục hướng dẫn. Trước đó chú dồn cả đám ngồi thành hình vòng cung trên sân trước giao việc cho từng đứa, mô tả cặn kẽ chi tiết nên đứa nào cũng hình dung được. Rồi mỗi đứa một góc tự tập phần việc của mình, giữa buổi mới ráp. Là chú Nghiệp dạy bọn nhóc Xóm Đậu múa rồng. Oách chưa kìa. Oách nhất là đứa lãnh đầu rồng, ban đầu đứa nào cũng nghĩ Trạng “lợn” với Tám “cò” - hai cầu thủ sáng giá của giải ngoại hạng Xóm Đậu - sẽ giữ vai này. Bọn này giỏi nhảy loi choi cả trận mà. Té ra Châu “chân gỗ” mới là đứa múa tốt nhất. Cái đoạn khen ngợi trên là chú Nghiệp khen nó. Nhưng không sao, hai thằng kia sẽ giữ vị trí số 2 số 3, vì múa nhiều ắt phải có dự bị thay chớ. Cả thằng Châu cũng phải tập những vai khác.
Tập múa rồng chưa biết thành cái trò gì, mới có vài tuần mà, nhưng đứa nào cũng hào hứng. Người lớn trong Xóm Đậu biết chuyện kéo tới động viên, mua nước cho uống cứ gọi là ê hề, có người móc bóp cho tiền nhưng chú Nghiệp cảm ơn, ngăn lại, bỏ nhỏ - Cứ từ từ! Đâu còn có đó… Không biết chú nói cái gì mà ai cũng hớn hở cười tươi rói, chịu cất tiền dô bóp trở lại.
Kể dầy ai mà hiểu cho được, phải trở lại với nguồn cơn sự việc. Đó là một buổi chiều tầm đầu tháng 11 âm lịch.
***
Chiều đó trận thư hùng giữa hai đội Chòm Trên và Chòm Dưới trên sân Gò Đáo diễn ra gay cấn ngay từ đầu. Nhưng không phải banh bóng mà là do trợ lý trọng tài - con Lành với con Yến - đòi làm cầu thủ. Trọng tài chính Tiến “dương tiễn” lần đầu tiên trong đời phải làm thuyết khách. Hai con này tưng tưng đòi đổi áo ra sân đá mới ác chớ. Bọn này kêu như vậy mới công bằng, bởi tụi nó chạy cờ cũng đã hai tháng, phải có đứa thay. Bọn khán giả dở hơi cũng ủng hộ, bảo chia mỗi đội một con. Bọn cầu thủ xúm vào năn nỉ miết hai đứa nó mới chịu. Chẳng gì thì hai đứa nó cũng được tiếng khách quan, chòm nào cũng tin.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Thằng Trung “ba ti gôn” đề xuất, hồi giờ chung độ bằng xô nước đá, nhưng chiều nay tao đề nghị, đội nào thua phải bỏ thêm tiền mua cho nữ trợ lý trọng tài hai bịch kẹo me, tụi bay thấy được hông? Tụi nó vỗ tay như pháo đồng ý.
Trận derby kết thúc với tỷ số hòa. Đến đoạn uống nước cả đám xúm vào vừa phân tích chiến thuật, vừa quay ra quở thằng Châu “chân gỗ”. Thằng này lóng rày khá, bớt cái tật ta đây, tự ái vớ vẩn, chịu khó nghe lắm nhưng “chân gỗ” vẫn hoàn “chân gỗ”. Được cái chê kiểu gì thì nay nó cũng chỉ cười hề hề, lại còn bảo, hôm bữa thấy nó đi banh sát biên, có ông nọ tự xưng là huấn luyện viên đội bóng đá của huyện mời nó đến đá thử việc. Thằng Châu nói chắc nịch, ổng nói tao xuống banh nét như Ryan Giggs. Tụi mày nghe chưa, Ryan Giggs đó! Mà tao làm biếng chưa đi.
Trạng “lợn” cười hề hề, thế mày có kể với ổng chuyện mày đá bể cái mả hôm bữa hông? Thằng Châu rõ ràng có nghe. Nhưng nó lờ tịt, vặc lại, đang nói chuyện đi banh mà mày. Ờ, nó nói cũng có lý, nó đi banh với rót bóng thì số dzách, cái này không ai cãi. Miễn là nó từ bỏ giấc mơ làm tiền đạo đỉnh cao là ổn. Khổ nỗi nó không bỏ.
Thằng Hiếu “cà kheo” tặc lưỡi: Mới mà sắp Tết rồi! Nghe nói Tết này có bắn pháo hoa đó bay… Bắn trên bảo tàng á… Mong mau tới Tết quá, tao chưa được coi pháo hoa bao giờ. Nó chép miệng cứ như thể Tết là miếng bánh, cắn được một miếng ngon lành.
Con Lành nãy giờ loay hoay mút mấy viên kẹo me, bất chợt sực nhớ ra chuyện gì, nó vỗ đùi cái bép: - Ê, để tao kể cái này tụi bay nghe, coi sao nghen!
Cả đám quay sang nó thắc mắc. Sao? Có chuyện gì, nói tụi tao nghe thử!
Con Lành liếm môi: Hôm qua tao ôm sách vở qua nhờ chú Nghiệp chỉ dùm bài toán. Thấy chú rầu rầu, tao theo hỏi miết chú mới tâm sự là sắp tới ngày Hiệp kỵ Tây Sơn Tam kiệt trên điện thờ, chú muốn lên thắp nén nhang để tỏ lòng thành kính mà khó quá. Người đông, ngồi xe lăn, bất tiện.
Cả đám ngồi im, tư lự. Chú Nghiệp là thương binh nhưng đa tài, gần như bọn nhóc Xóm Đậu đứa nào cũng có một đôi lần nhờ vả đến chú. Chưa thấy chú từ chối bao giờ. Nhưng chuyện này khó. Đột nhiên thằng Châu ré lên.
- Ê, tụi mày. Dễ ợt mà có gì đâu. Năm nay giỗ rớt dô thứ bảy, mình được nghỉ học. Cả đám tụi mình tập trung dẫn chú đi thắp nhang chớ có gì mà khó.
Trạng “lợn” nhướng mày: Rầu mình cõng chú dzô na? Hay là lấy roi chận bò quật bá tánh, mậy?
Thằng Châu cười lém lỉnh, nó quơ quơ tay lôi cả bọn chụm đầu lại thì thầm… Mới nghe khúc đầu cả bọn đã ồ lên khen nó thông minh. Cả bọn quay sang nhìn thằng Châu với ánh mắt ngưỡng mộ. Con Yến hào hứng: - Tao phân công như này tụi bay thấy hợp lý hông nghen. Sáng đó tụi mình có mặt hết ở nhà chú Nghiệp. Đám con trai sẽ tập trung hộ tống chú lên Bảo tàng dự Hiệp kỵ, nhớ ăn bận đàng hoàng quần tây áo trắng học sinh nha. Phần tao, con Lành với mấy đứa nữa tụi tao mượn, sẽ ở lại quét dọn, lau chùi nhà cửa cho gọn gàng cho chú. Xong đâu đó, sẽ nấu một nồi bánh canh chả cá nhứt hạng để trưa mình liên hoan.
Đám con nít vỗ tay rần rần hưởng ứng nhiệt liệt. Chô cha đứa nào cũng thông minh sáng láng.
Từ lúc mới lon ton biết cầm roi cày lừa bò ra thả ngoài gò Ông Vành, đám con nít Xóm Đậu nói riêng và cả làng Kiên Mỹ nói chung đã tôn thờ ba anh em Tây Sơn hơn cả thánh thần. Không có chuyện gì về ba Ngài tụi nó không thuộc. Mà thuộc là nhờ nghe kể mới lạ nghen. Toàn túm tụm bên lùm chim chim, dủ dẻ ngồi nghe ông Tám “xe bò” kể những câu chuyện đã đi vào huyền thoại mới là hay chớ. Rảnh lúc nào kể lúc đó. Một hai đứa cũng kể. Ngoắc lại biểu ngồi đây nghe ông Tám kể. Dẫu có nghe ông Tám kể cả chục lần rồi nhưng đứa nào cũng mê. Không mê không được vì trong giọng ông kể bọn nhóc cứ như đang xem phim vậy. Đến những đoạn cao trào thậm chí ông Tám còn đứng lên biểu diễn một vài thế võ, dũng mãnh vô cùng chứ không phải lùi xùi, hiền queo như ngày thường. Cứ thế ngày này qua tháng nọ, trẻ con Xóm Đậu thuộc như cháo chuyện về những người anh hùng áo vải quê hương. Đám chận bò nghịch ngợm, phá phách phải nói kinh thiên động địa luôn. Ấy mà khi chuẩn bị giúp chú Nghiệp dự giỗ Tế hiệp Tây Sơn Tam kiệt sao cho thong thả, tự nhiên đứa nào đứa nấy cũng nghiêm trang hẳn lên.
Cánh đồng Kiên Mỹ đã khoác lên mình tấm áo xanh bát ngát màu mạ non, nắng cuối đông ấm áp nhuộm vàng những ngọn rù rì dọc bến Trường Trầu. Sáng hôm đó, tại giỗ Hiệp kỵ Tây Sơn Tam kiệt, du khách thập phương chứng kiến một hình ảnh vô cùng xúc động, hai hàng nam sinh trật tự, chỉnh tề, ở giữa là một em mặt mũi khôi ngô đẩy chiếc xe lăn đưa người thương binh bận nguyên bộ quân phục bạc màu từ từ tiến vào khu điện thờ. Mọi người không ai bảo ai, tự động nép qua hai bên để nhường đường cho người thương binh. Nghe lao xao phía sau, đích thân giám đốc bảo tàng rảo bước đi ra, thấy chú Nghiệp ngồi xe lăn, ông khom lưng bắt tay chào đón thân mật. Có cả cô Thuận, người nổi tiếng với bài Trống trận Tây Sơn cũng tới bắt chuyện thân tình, hình như họ là bạn cũ. Người thương binh rưng rưng xúc động, nghèn nghẹn cắm nhang vào lư hương trong điện thờ. Các em học sinh cũng thấy khóe mắt mình cay cay, xúc động.
Sáng thứ Hai chào cờ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu tuyên dương hai mươi ba em học sinh Xóm Đậu, kể cả bọn con gái dọn dẹp nhà cửa chú Nghiệp. Giọng thầy hiệu trưởng xúc động, các em đã có một hành động hết sức ý nghĩa. Thầy rất tự hào về các em… Bọn nhóc Xóm Đậu vừa sung sướng, vừa bẽn lẽn nhìn nhau. Đột nhiên cả trường cồn lên một tràng pháo tay tưởng chừng bất tận. Đó là tràng pháo tay vui nhất từ trước đến nay. Cũng phải thôi. Thì đã bao giờ có chuyện Ban giám hiệu tuyên dương một lèo hai mươi ba đứa chớ!
Chú Nghiệp bảo, múa lân ở đâu cũng vậy, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nhưng điệu múa lân ở xứ Huế là đậm chất Việt nhất, nó bắt đầu từ bài trống. Tiếng trống lân của xứ Huế nhẹ nhàng, bao dung hơn. Nên chú sẽ mượn sự khoan hòa ấy và cả bài Trống trận Tây Sơn để làm bài trống cho điệu múa của đội múa rồng Xóm Đậu. Mấy đứa con sẽ múa rồng! Con rồng Xóm Đậu sẽ múa lượn nhanh chậm, dũng mãnh, uyển chuyển, linh hoạt theo bài trống này. Bên Bảo tàng, đặc biệt cô Thuận đã nhận giúp chú. Trống trận Tây Sơn không có hồi lui binh, thu quân. Bài trống múa rồng của mình cũng vậy, nhưng vì rồng múa trong thời bình nên mình sẽ thay đổi một chút - Ra quân - Dựng xây - Vững bền cơ nghiệp. Và thêm một hồi nữa để phục vụ du khách về thăm quê hương người anh hùng áo vải - Hẹn gặp lại đất Tây Sơn… Nếu đội múa rồng biểu diễn đạt yêu cầu, lãnh đạo Bảo tàng sẽ mời biểu diễn phục vụ trong dịp Tết, đặc biệt sẽ chọn làm tiết mục mở màn trong Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; các chú bên ủy ban thị trấn cũng hứa rồi, nếu mấy đứa múa tốt, sẽ bảo đảm để mấy đứa tha hồ trình diễn…
Nghe chú Nghiệp diễn giải đứa nào đứa nấy mê tơi. Là do bên ủy ban biết chuyện chú Nghiệp làm bèn ủng hộ hết cỡ, cả thị trấn với bên bảo tàng cùng xúm vào giúp nên chỉ hơn một tuần đội múa rồng Xóm Đậu đã có đủ quần áo, xe trống, bảng hiệu và tất nhiên là một con rồng tuyệt đẹp màu lửa.
Hôm múa tổng duyệt ở bãi cát ven sông Côn, nghìn nghịt người đến xem, tiếng vỗ tay liên tục rền vang như sấm. Thằng Châu múa không biết mệt, đến nỗi Trạng “lợn” với Tám “cò” thiếu điều phải năn nỉ nó mới chịu thay vai… Đang lên cao xuống thấp, đang vờn ngọc, giỡn với trẻ con, con rồng Xóm Đậu bỗng dang rộng giãn dài phóng lên cao đầy uy vũ như bao quát chở che, bảo vệ xóm làng… Rồi từ bờ sông, con rồng Xóm Đậu tung tăng, hân hoan tiến về phía Bảo tàng… Chỉ là một buổi tổng duyệt mà đội múa rồng khiến xóm làng vui như thể Tết đã về trên quê hương.
Chim én về. Từng đàn chim én chao liệng, lao lên rồi sà vun vút xuống đồng Chùa như có bàn tay ai bốc nắm mè đen vãi lên nền trời xanh thăm thẳm. Tết đã len vào từng bờ tre, ruộng lúa, luống rau. Đám con nít dạo này chẳng những đã quen với sân tập ở nhà chú Nghiệp, mà còn thành thạo từ bãi cát sông Côn lên đến cả vùng nhấp nhô Gò Trận. Ngoài giờ học bọn nó dồn hết vào việc luyện tập múa rồng. Nhành mai đầu hè nhà chú Nghiệp đã cục cựa rướn lên những búp xanh đầu tiên. Tháng Chạp, trời se lạnh nhưng người thương binh thấy trong lòng mình ấm áp vô ngần.
Tội nghiệp bọn nhóc say mê múa rồng, háo hức với viễn cảnh sẽ tập thêm múa lân nhưng do phải tạm dừng giải ngoại hạng Xóm Đậu, đứa nào cũng cuồng chân cuồng cẳng. Ông Nghiệp mim mỉm cười tính đến chuyện mở rộng giải ngoại hạng Xóm Đậu với việc sẽ mời thêm một số đội bóng các thôn lân cận cùng tham gia, phải chính thức hóa sân chơi này, phải sửa sang để sân vận động Gò Đáo ngang tầm đẳng cấp Pờ re mi ơ lít… Ông bất giác cười thành tiếng khi nhận ra mình đã lây nhiễm cách nói năng hài hước, tếu táo của bọn trẻ!
Theo cái cách xưa nay chưa bao giờ rộn ràng hơn thế, Xóm Đậu đang vào Xuân!