Công bố hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Ngày 7.2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có công văn gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 96 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm 7.2, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các cơ quan thông tấn, báo, đài đăng tải hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
1. Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 ngày 5.2.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về tên gọi, đối tượng, tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2. Tên gọi kỷ niệm chương
Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tên gọi là Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” (sau đây gọi là Kỷ niệm chương), được tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương
Điều 4. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
2. Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Đại biểu Quốc hội.
5. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
6. Công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
8. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.
Điều 5. Đối tượng chưa hoặc không xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối tượng chưa xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
a) Cá nhân trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực đang được xác minh làm rõ;
b) Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian thi hành kỷ luật.
2. Đối tượng không xét tặng Kỷ niệm chương bao gồm:
a) Đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm; công chức, viên chức bị buộc thôi việc; người lao động quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này bị xử lý kỷ luật sa thải;
b) Cá nhân đã bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
2. Cá nhân quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thời gian tham gia làm đại biểu Quốc hội trọn 01 nhiệm kỳ trở lên;
b) Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian giữ chức vụ từ đủ 05 năm trở lên, không kể thời gian thi hành kỷ luật.
3. Cá nhân quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đã được tặng kỷ niệm chương của Văn phòng Quốc hội;
b) Có ít nhất là 05 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên kể từ ngày được Văn phòng Quốc hội tặng Kỷ niệm chương.
4. Cá nhân quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam;
b) Có sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc nghiệm thu và có giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam.
5. Cá nhân quy định tại khoản 8 Điều 4 của Nghị quyết này chấp hành tốt chính sách, pháp luật Việt Nam và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam;
b) Có đóng góp trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với Quốc hội Việt Nam.
6. Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Điều 7. Thẩm quyền đề nghị, trình xét tặng Kỷ niệm chương, cấp đổi Kỷ niệm chương
1. Ban Công tác đại biểu đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và nguyên Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương;
b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang công tác tại cơ quan mình;
c) Công dân Việt Nam quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài.
3. Văn phòng Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Văn phòng Quốc hội.
4. Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.
5. Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với:
a) Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
c) Công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;
d) Công dân Việt Nam quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết này.
6. Ban Công tác đại biểu tiếp nhận đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương của các cơ quan, tổ chức quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này bằng bản giấy (bản chính) và các tệp tin điện tử (file word và file pdf) qua hộp thư điện tử của Ban Công tác đại biểu trước ngày 01 tháng 12 hằng năm, trường hợp khác thực hiện theo hướng dẫn của Ban Công tác đại biểu.
7. Ban Công tác đại biểu tổng hợp, thẩm định đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
8. Trường hợp Kỷ niệm chương bị hư hỏng, bị mất thì cá nhân gửi đơn đề nghị cấp đổi Kỷ niệm chương đến Ban Công tác đại biểu để xem xét cấp đổi.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2024.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Mẫu Kỷ niệm chương, mẫu Bằng Kỷ niệm chương, mẫu văn bản đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, mẫu Đơn đề nghị cấp đổi Kỷ niệm chương quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam (ngày 06 tháng 01), trao tặng đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu vào kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội. Trường hợp trao tặng Kỷ niệm chương vào thời gian khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2024.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Vương Đình Huệ
2. Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 5.2.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị quyết này quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2. Kinh phí phục vụ công tác thi đua, khen thưởng
Kinh phí phục vụ công tác thi đua, khen thưởng được bảo đảm từ Quỹ thi đua, khen thưởng của Văn phòng Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Chương II: TỔ CHỨC THI ĐUA, DANH HIỆU THI ĐUA VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA
Điều 4. Phạm vi tổ chức thi đua
1. Quốc hội.
2. Khối thi đua các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 5. Thẩm quyền phát động, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động, chỉ đạo phong trào thi đua ở Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai phong trào thi đua ở cơ quan mình.
Điều 6. Thi đua đối với đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thi đua đối với Viện Nghiên cứu lập pháp
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan công tác và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
2. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
3. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan, đơn vị công tác và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
4. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và cán bộ, công chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
5. Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
Điều 7. Các danh hiệu thi đua
1. Danh hiệu thi đua đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm:
a) “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
b) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) “Lao động tiên tiến”.
2. Danh hiệu thi đua đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm:
a) “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
b) “Tập thể lao động xuất sắc”;
c) “Tập thể lao động tiên tiến”.
Điều 8. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 03 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
2. Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 9. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu.
Điều 10. Danh hiệu “Lao động tiên tiến”
Danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
2. Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
Điều 11. Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”
1. Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của khối thi đua và đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc;
b) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.
2. Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong trào.
Điều 12. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” để tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;
2. Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
3. Có 100% cá nhân trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
4. Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
5. Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 13. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”
Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” để tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
2. Tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
3. Có ít nhất là 70% cá nhân trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
4. Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chương III: HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
Điều 14. Các hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”.
2. Bằng khen.
Điều 15. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”
Việc xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 16. Bằng khen
1. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
3. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
b) Lập thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
d) Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Chương IV: THẨM QUYỀN ĐỀ NGHỊ TẶNG, HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT TẶNG, QUYẾT ĐỊNH TẶNG DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 17. Thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng:
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
2. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
3. Bằng khen.
Điều 18. Thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở, Hội đồng sáng kiến cơ sở xem xét, quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
3. Ban Công tác đại biểu thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bình xét thi đua, xét khen thưởng. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng các danh hiệu thi đua quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 7 và hình thức khen thưởng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết này hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xét tặng thưởng Huân chương, Huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước; đề nghị Chính phủ xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Ban Công tác đại biểu tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị khen thưởng đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được giao phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội khi có yêu cầu.
Điều 19. Thủ tục xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Thủ tục xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể; gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Ban Công tác đại biểu);
b) Ban Công tác đại biểu thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
c) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp bình xét thi đua, xét khen thưởng;
d) Ban Công tác đại biểu lập hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 20 của Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;
đ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền.
2. Thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể, gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Ban Công tác đại biểu);
d) Ban Công tác đại biểu lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng.
3. Việc khen thưởng quá trình cống hiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện như sau:
a) Sau khi có thông báo nghỉ hưu, cá nhân gửi Báo cáo tóm tắt thành tích đến Ban Công tác đại biểu để thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng;
b) Ban Công tác đại biểu lập hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng.
4. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội bình xét hình thức khen thưởng đối với Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cán bộ, công chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách ở cơ quan mình khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu).
Ban Công tác đại biểu tổng hợp, thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng. Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tặng theo thẩm quyền hoặc giao Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
5. Việc công khai kết quả xét tặng hình thức khen thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 20. Hồ sơ xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân, tập thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
a) Tờ trình của Ban Công tác đại biểu;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản bình xét thi đua và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị xét tặng của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
đ) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, áp dụng hiệu quả trong phạm vi các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
c) Biên bản xét khen thưởng và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị khen thưởng của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội;
đ) Trường hợp cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng Bằng khen do lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo thì phải có chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thành tích đề nghị khen thưởng;
4. Hồ sơ khen thưởng đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” gồm:
a) Báo cáo thành tích của cá nhân;
b) Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 21. Thời hạn gửi hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua cấp Nhà nước
1. Hồ sơ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được gửi đến Ban Công tác đại biểu chậm nhất vào ngày 30 tháng 10 của năm liền kề.
2. Hồ sơ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được gửi đến Ban Công tác đại biểu chậm nhất vào ngày 30 tháng 4 hằng năm.
Điều 22. Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước đối với cá nhân, tập thể do Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ trao tặng.
Điều 23. Quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng
1. Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan mình theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Chương V: HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG, HỘI ĐỒNG SÁNG KIẾN
Điều 24. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng là cơ quan do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập (trong Nghị quyết này gọi là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng), có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng.
2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công;
b) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có không quá 04 Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Trưởng Ban Công tác đại biểu là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động phong trào thi đua theo thẩm quyền;
b) Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua; tổ chức thi đua theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;
c) Tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra phong trào thi đua và việc thực hiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;
d) Tham mưu, tư vấn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tặng, truy tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét tặng;
đ) Thành lập khối thi đua theo đề nghị của Trưởng Ban Công tác đại biểu.
4. Ban Công tác đại biểu là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng làm việc theo Quy chế hoạt động do Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ban hành.
Điều 25. Hội đồng sáng kiến
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đồng thời là Hội đồng sáng kiến có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến. Hội đồng sáng kiến làm việc theo quy chế hoạt động do Chủ tịch Hội đồng sáng kiến ban hành.
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2024.
Điều 27. Điều khoản thi hành
1. Mẫu Bằng chứng nhận “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”, mẫu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” và mẫu “Bằng khen” quy định tại Nghị quyết này thực hiện tương ứng theo mẫu danh hiệu thi đua, bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Mẫu huy hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ban Công tác đại biểu. Mẫu huy hiệu gồm:
a) Cuống huy hiệu: kích thước 25 mm x 13 mm; nền màu đỏ cờ, ở giữa có ngôi sao màu vàng;
b) Thân huy hiệu: Hình sao vàng năm cánh dập nổi, đường kính đường tròn ngoại tiếp năm đỉnh sao bằng 40 mm, phía trong có logo Nhà Quốc hội, xung quanh có dòng chữ “CHIẾN SĨ THI ĐUA” và “CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI” màu đỏ, giữa hai dòng chữ là hai ngôi sao.
3. Danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”, “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” và “Bằng khen” quy định tại Nghị quyết này được công nhận như danh hiệu thi đua, bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh khi xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước. Việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được thực hiện như đối với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, ban, ngành, tỉnh.
4. Việc xác định tính liên tục của các danh hiệu thi đua đã được tặng trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành để làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn đối với đại biểu Quốc hội khóa XV hoạt động chuyên trách ở trung ương trúng cử lần đầu thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập thể, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
6. Ban Công tác đại biểu là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cá nhân, tập thể thực hiện Nghị quyết này.