Tết này sẽ bỏ rượu bia?
Việc dùng rượu, bia trong những ngày xuân đã thành phong tục của người Việt Nam. Rượu đã thành rượu lễ, rượu nghĩa… Nhưng mỗi người chúng ta hãy biết “Vui có chừng, dừng đúng lúc”, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán, đừng vì cạn ly mà để cạn mất sức khỏe của bản thân.
Văn hóa rượu bia
Bia, rượu là thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Chất lượng sống sẽ “thăng hoa” hơn nhờ có bia, có rượu. Đặc biệt trong các dịp liên hoan, lễ hội, cưới hỏi, khai trương… đều không thể thiếu món “xúc tác” quan trọng này. Và trong những ngày Tết, bia rượu càng là món không thể thiếu: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”. Nói đến bia rượu, người Việt Nam chúng ta có những câu ví von thú vị: “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu lễ nghi sẽ không thành) hay “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông thiếu rượu như cờ không gió).
Tất niên là dịp mọi người gặp mặt giao lưu, trò chuyện chia sẻ với nhau về công việc sau một năm đã qua
Liên quan vấn đề này, còn nhớ cách đây vài năm, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bàn về chủ đề “Xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh” nhằm tìm ra gốc rễ vấn đề nhức nhối do lạm dụng đồ uống có cồn. Tại đây, nhà sử học Dương Trung Quốc từng phân tích rằng, văn hóa uống rượu ở nước ta có từ lâu đời, hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” đã đi vào các tác phẩm văn chương, âm nhạc. Do vậy, không thể nhìn rượu như thức uống thông thường mà cần hiểu nó chứa đựng trong đó là bề dày văn hóa, lễ nghĩa trong cuộc sống và giao tiếp. Mỗi độ “Tết đến Xuân về”, nhà nhà quây quần sau một năm bôn ba, làm việc vất vả, đây chính là thời điểm mà mọi người thoải mái nhất để cùng nhau nâng chén rượu, cốc bia chúc mừng nhau. Nhưng uống thế nào để trọn niềm vui mà vẫn đảm bảo sức khỏe, tránh nguy cơ quá chén, ngộ độc rượu; Uống như thế nào để thành văn hóa đẹp thì không phải ai cũng biết và nó vẫn là đề tài gây tranh cãi khó có hồi kết.
Chiều 27 tháng Chạp, tôi gặp một anh bạn trên sân bóng đá Tiên Sơn. Sau giao lưu trận bóng đá xong, khi được “gợi ý”: Tết này chắc lại say bí tỉ nhỉ? Anh trả lời: Tết này em cố gắng sẽ không bia rượu, biết là khó nhưng chắc phải thực hiện cho được anh ạ. Bởi vì năm qua em dính hai “phốt” cũng chỉ vì rượu bia đó là bị phạt nồng độ cồn và ngã xe máy phải phẫu thuật dây chằng đầu gối. Nhiều khi vui vài phút với bạn bè đồng nghiệp mà nó ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và kinh tế gia đình.
Tương tự, anh Nguyễn Cao Thành (thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam) cũng cho hay, mọi năm Tết nhất khách đến nhà mình mời bia, ngược lại đi chúc Tết người thân, bạn bè họ cũng mời ly bia, cốc rượu. Nhưng năm nay gia đình tôi sẽ có chút thay đổi khi không “tích trữ” rượu bia trong nhà, khách tới nhà sẽ chỉ “ly trà xuân” kèm phong bao lì xì lấy lộc.
Anh Nguyễn Cao Thành (Quảng Nam) cho hay, năm nay khách tới nhà sẽ chỉ “ly trà xuân” kèm phong bao lì xì lấy lộc
Trong một buổi tiệc tất niên của cơ quan, chị T.L chia sẻ: “Tất niên nhưng mọi người quán triệt không bia rượu gì cả. Đây là dịp để mọi người gặp mặt giao lưu, trò chuyện chia sẻ với nhau về công việc sau một năm đã qua để mọi người gắn kết hơn thôi. Riêng với gia đình chị, Tết này cũng không bia rượu khi tiếp khách tại nhà”.
Dưới góc nhìn chuyên gia, trong một buổi gặp mặt cuối năm cùng TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, khi đề cập vấn đề bia rượu ngày Tết, ông cho rằng: “Việc dùng rượu, bia trong những ngày xuân đã thành phong tục của người Việt Nam. Rượu đã thành rượu lễ, rượu nghĩa. Tức là uống rượu phải có nghi thức, có phép tắc và uống rượu chỉ trong chừng mực. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy biết “Vui có chừng, dừng đúng lúc”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, đừng vì cạn ly mà để cạn mất sức khỏe của bản thân.
“Bia rượu là một thức uống đặc biệt, cần thiết. Nhưng uống bia rượu phải có một “văn hóa” ẩm thực đặc thù: Uống đúng - “tiên tửu” bia rượu là món “thăng hoa cuộc sống”; Uống sai - “phàm tửu”, lạm dụng thì bia rượu sẽ là con “quỷ dữ” phá hại bản thân, gia đình và xã hội”, TS.BS Trần Bá Thoại nói.
TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam
Có thể ví von rằng, con dao nào cũng làm từ mảnh thép. Nhưng, dao là công cụ lao động của bà nội trợ, là vũ khí tự vệ của người đi rừng và là hung khí gây án của kẻ cướp giật. Cũng như con dao, bia rượu tốt hay xấu là do cách sử dụng của chúng ta. Nếu uống đúng, bia rượu sẽ là “tiên tửu”, là món thức làm “thăng hoa cuộc sống”. Còn nếu uống sai sẽ là “phàm tửu”, lạm dụng thì bia rượu ắt là con “quỷ dữ” phá hại bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, cần kiểm soát, phòng chống tác hại, tránh lạm dụng, hơn là ngăn cấm.
Đừng quên Nghị định 100
Tết Giáp Thìn 2024 này, bên cạnh niềm vui chào đón năm mới là nỗi lo thường trực về tai nạn giao thông (TNGT). Theo một thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% người chết có liên quan đến rượu, bia và còn có xu hướng gia tăng. Một thống kê khác của Tổ chức Y tế thế giới cũng khiến cho nhiều người “ớn lạnh”: Trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu, bia, có tới gần 60% người từ độ tuổi 15-29; Nam giới chiếm trên 90% tổng số nạn nhân. Trong số đó, 36% là người lái xe máy, gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép mỗi khi lái xe trên đường.
Tết là dịp để sum vầy, Xuân là dịp để chia sẻ yêu thương. Do đó, mọi người đừng quên Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, cả hai dự luật đều đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Quan trọng hơn, nó đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, chuyển biến tích cực trong nhận thức mỗi người dân.
Theo Sông Hàn (VOV)