Đất Võ rộn ràng đón xuân mới
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang về trên khắp mọi miền, sắc xuân mới các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định hòa trong không khí rộn ràng, chan hòa trong niềm vui đến với mọi người, mọi nhà, mang theo những niềm tin, ước vọng về một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công.
* TP Quy Nhơn
Trong không khí xuân đang về, người dân TP Quy Nhơn đang nô nức ra đường phó, náo nức chờ đón khoảnh khắc giao thừa chào năm mới trong không khí vui tươi, ấm áp. Sắc xuân đang tràn ngập khắp các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố.
Đông vui nhất vẫn là khu vực chợ hoa xuân Quy Nhơn và khu trưng bày linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, dòng người tấp nập du xuân, tham quan chụp ảnh, mua hoa, cây kiểng về chưng Tết…
Chợ hoa dọc đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) càng lúc càng tấp nập, nhộn nhịp người mua hoa để đón xuân. ẢNH: N.DŨNG
Sáng 30 Tết, nhiều chủ hàng tại chợ hoa xuân Quy Nhơn tiếp tục khuyến mãi giảm giá để “xả hàng”. Anh Nguyễn Văn Trung, ở phường Lê Hồng Phong, bán các loại hoa cảnh tại chợ hoa xuân Quy Nhơn, cho biết: “Ngoài số lượng hoa cảnh trồng tại vườn khoảng hơn 1.000 chậu, tôi nhập thêm hơn 1.000 chậu hoa các loại, như dạ yến thảo, hoàng yến, cẩm chướng, trạng nguyên… về bán tại chợ hoa. Sức mua năm nay chậm, đến giờ tôi chỉ bán hơn nửa số hoa hiện có, sáng nay tiếp tục giảm giá từ 50 - 100 nghìn đồng/chậu để thu hút người mua”.
Theo anh chị từ TP Hà Nội vào TP Quy Nhơn buôn bán trong dịp Tết, ngồi bán bong bóng tại vòng xoay Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh, em Nguyễn Văn Thái (SN 2006) thổ lộ: Em đến TP Quy Nhơn từ 26 tháng Chạp. Đây là lần đầu tiên em đón Tết ở một thành phố khác nên có cảm giác rất đặc biệt. Em ngồi bán bong bóng ở ngay tháp đồng hồ nên dễ dàng nhìn thấy mọi thứ đang dần dần nhộn nhịp hơn, rộn ràng hơn rất nhiều. Cũng vị trí này, em dễ dàng theo dõi thời khắc giao thừa và sẽ có thêm kỷ niệm đáng nhớ. ẢNH: N.DŨNG
Đến chợ hoa xuân tham quan, lựa chọn mua thêm hai chậu cúc tứ quý về để chưng Tết, ông Trần Ngọc Sơn, ở phường Hải Cảng, chia sẻ: “Nhà tôi đã sắm sửa mọi thứ, có 1 cây mai, 2 chậu hoa cúc, 1 chậu bông giấy, nhưng giờ tôi mua thêm 2 chậu cúc tứ quý để về chưng thêm tô điểm trong nhà nhiều màu sắc mùa xuân xinh tươi. Chiều nay tôi cúng rước ông bà tổ tiên về đón Tết, cả nhà sum họp quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm rồi ra Quảng trường Nguyễn Tất Thành để đón xem chương trình nghệ thuật đón giao thừa”.
Nhiều người tất bật đi mua hoa, cây kiểng trong ngày 30 Tết. ẢNH: N.DŨNG
Các tuyến đường ở Quy Nhơn trang trí cờ hoa tung bay phấp phới trong gió xuân, nhiều tuyến đường chính lắp đặt pa nô, treo băng rôn mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn được rực rỡ và đẹp mắt, góp phần tô điểm cho bộ mặt thành phố khi Tết đến, xuân về.
Công nhân Công ty CP Môi trường Bình Định làm việc liên tục để thu gom rác, làm sạch đường phố. Trong ảnh: Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác tại đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn. ẢNH: N.DŨNG
Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Phương Nam cho biết: “Cùng với trang trí trực quan tô điểm cho các tuyến đường chính, khu công cộng ở trung tâm thành phố, các phường, xã của thành phố cũng làm tuyến đường cờ hoa tạo điểm nhấn điểm tô thêm sắc màu tươi vui đón xuân mới. Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT để phục vụ nhân dân, du khách vui tết, đón xuân…”
Cụm linh vật năm Giáp Thìn trưng bày tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trở về quê hương sau 1 năm làm việc tại TP Hồ Chí Minh, chị Dương Lệ Hằng (ở huyện Tuy Phước) cùng bạn trai dạo quanh khu trưng bày biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tỏ ra thích thú, hào hứng và ngạc nhiên trước sự thay đổi của thành phố. Chị Hằng chia sẻ: Lúc trước, xem những video giới thiệu về TP Quy Nhơn qua các trang mạng, tôi rất vui vì Quy Nhơn được nhiều người biết đến hơn. Ngay lúc này, khi đứng tại đây tôi cảm thấy tự hào vì thành phố của mình ngày càng phát triển, có nhiều đổi thay từ đường sá đến những công trình xây dựng. Hy vọng rằng, TP Quy Nhơn sẽ tiếp tục phát triển, có thêm nhiều điểm du lịch để thu hút khách du lịch.
CLB lân, sư, rồng Kỳ Hoàn diễu hành, biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành góp thêm không khí náo nhiệt tại phố biển Quy Nhơn chào đón xuân mới. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lần đầu tiên đến TP Quy Nhơn để du lịch cùng bạn thân, bà Chelsey đến từ Canada chia sẻ: Tôi rất ấn tượng và thích thú với những hoạt động đang diễn ra tại đây. Tôi thích tất cả mọi thứ ở đây bao gồm người địa phương dễ mến, hiếu khách và những món ăn đường phố khá hấp dẫn. Chúng tôi rất háo hức và chờ đợi thời khắc đón giao thừa tại thành phố này vào đêm nay.
Thiếu nữ du xuân chụp ảnh tại chợ hoa xuân Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lượng rác vào ngày 30 tết tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, điều này buộc các công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc liên tục ở khắp các con đường, tuyến phố để thu gom, dọn rác góp phần “làm nên mùa xuân” cho thành phố. Hơn 20 năm trong nghề dọn vệ sinh môi trường, cũng từng ấy thời gian chị Hà Thị Bích Phượng (SN 1982, ở phường Ngô Mây) đón giao thừa bên xe rác. Đang dọn vệ sinh ở đường Hoàng Văn Thụ, chị Phượng chia sẻ: Từ hôm qua đến nay, rác nhiều gấp 3 lần so với bình thường. Hôm nay tôi được phân công làm việc từ 12 giờ trưa ngày 30 tháng Chạp đến 1 giờ sáng mùng 1 Tết. Nhiều năm nay, tôi đã quen với việc đón giao thừa ở bên ngoài, tôi không thấy buồn mà còn cảm thấy tự hào, vì mình đã góp phần làm đường phố khang trang, sạch sẽ.
Xin chữ “ông đồ” tại chợ hoa xuân Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chiến sĩ quân đội trực khu vực tập kết pháo hoa bắn trong đêm giao thừa tại TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
NHÓM PHÓNG VIÊN VH-XH
* Tết ấm trên vùng cao Vĩnh Thạnh
Xuân mới là lúc ghi dấu thời khắc đất trời bắt đầu một vòng quay mới, sắc xuân rực rỡ, vui tươi rộn ràng lan tỏa đến bản làng, thổi làn hơi ấm, rạo rực len lỏi vào từng căn bếp nhỏ, sưởi ấm lòng người. Khi mùa xuân đến cũng là lúc khung cảnh núi rừng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Có thể nói, mùa xuân vùng cao luôn mang lại dư vị đặc trưng không dễ hòa lẫn với bất kỳ đâu bởi sự ấm áp, tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc trong tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết cũng như sự ấm no, đủ đầy trong đời sống của người dân.
Người dân chọn mua hoa tết. Ảnh: XUÂN DŨNG
Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt, điện, đường... cùng với việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cuộc sống của người dân huyện Vĩnh Thạnh đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều gia đình mua sắm những phương tiện sinh hoạt đắt tiền; trẻ con được đi học đúng độ tuổi. Các phong trào, cuộc vận động được triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được giữ gìn, phát huy; tệ nạn xã hội được đẩy lùi, hủ tục từng bước được xóa bỏ; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm 2023, có trên 95% hộ đạt gia đình văn hóa.
Sắc xuân ở Vĩnh Thạnh. Ảnh: XUÂN DŨNG
Năm 2023, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Vĩnh Thạnh phát triển, kết quả đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 5,27%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa bàn đạt 135,3% kế hoạch. Năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh đã có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 11,76%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Khu sinh thái Bàu Dum ở trung tâm huyện Vĩnh Thạnh trang trí đón Tết. Ảnh: XUÂN DŨNG
Đón Tết này, người dân huyện Vĩnh Thạnh vui hơn khi có sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm. Đã có gần 10.000 lượt gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận quà Tết trên 4 tỷ đồng.
XUÂN DŨNG
* Hoài Nhơn sẵn sàng trước thời khắc giao thừa
Chỉ còn vài giờ nữa là bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, đến chiều tối 9.2 (30 tháng Chạp năm Quý Mão), mọi công tác chuẩn bị cho đêm giao thừa tại Hoài Nhơn đã hoàn tất.
Tại chợ hoa xuân phường Bồng Sơn, số lượng hoa còn lại khá ít, người dân đã tranh thủ mua từ sớm để chưng tết. Số lượng còn lại các chủ hoa cũng tranh thủ bán để nhanh chóng về đoàn viên với gia đình. Ông Trần Ngọc Mẫn (khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức) cho biết: “Mấy ngày nay công việc nhà cửa bận rộn, giờ tôi tranh thủ đi mua thêm chậu hoa cúc về để chưng tết cầu mong cho một năm mới rực rỡ, sung túc hơn”.
Một góc đường hoa xã Hoài Mỹ chiều 30 Tết. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Nhìn chung, lượng hoa năm nay không nhiều, sức mua thấp hơn các năm do giá các loại hoa cao hơn bình quân từ 10 - 20%, một số người bán mai ở xa đã dọn về từ trưa 30 tháng Chạp. Anh Nguyễn Hưng (ở TX An Nhơn) cho biết: “Năm nay tôi đem ra Hoài Nhơn khoảng 80 chậu mai nhưng lượng người mua ít hơn mọi năm. Từ 21 tháng Chạp đến nay, tôi bán được hơn một nửa, do nhà xa nên tôi dọn về sớm”.
Một góc chợ hoa tại phường Bồng Sơn chiều 30 Tết. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Dọc các tuyến đường trên khắp địa bàn thị xã đã được dọn dẹp sạch sẽ khang trang, pa nô, đường cờ, đường hoa do các hội, đoàn thể ở các xã, phường thực hiện làm cho lòng người trở nên phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Bé (thôn Xuân Khánh, xã Hoài Mỹ) cho hay: “Năm nay Hoài Mỹ có tuyến đường mới được rải nhựa khang trang sạch đẹp, điện sáng từ đầu đường đến cuối đường, các hội đoàn thể lại trồng hoa sao nhái, tôi thấy rất vui mừng với sự thay da đổi thịt của quê hương, mong ước trong năm mới đời sống người dân sẽ no đủ, khấm khá hơn”.
Tập dợt múa rồng trước khi lên sân khấu. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Còn tại Quảng trường TX Hoài Nhơn, các đội văn nghệ biểu diễn trong đêm giao thừa đang tập dợt lại lần cuối trước khi bước vào biểu diễn chính thức. Năm nay, để tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người dân dịp tết đến xuân về, thị xã tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm giao thừa, bắt đầu từ 19 giờ tối 30 tháng Chạp tại Quảng trường Thị xã, với sự tham dự của nhiều ca sĩ hải ngoại và trong nước.
Anh Nguyễn Văn Thế (thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ) cho hay: Được biết đêm giao thừa có tổ chức biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa nên khi chuẩn bị mọi việc ở nhà tươm tất tôi tranh thủ chở vợ con đi xem để giúp cho các con cảm nhận không khí tết quê hương và thêm yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.
Người dân du xuân chụp hình với linh vật rồng. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Trong khuôn khổ các hoạt động mừng đảng mừng xuân trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn, TX Hoài Nhơn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, TDTT hấp dẫn như: Trò chơi cổ nhơn dân gian khai hội từ sáng mùng 1 Tết đến chiều mùng 9 Tết tại Trung tâm VH-TT-TT; Hội đánh bài chòi cổ dân gian từ tối mùng 2 đến tối mùng 5 Tết; “Đêm Võ đài xứ Hoài” tổ chức tại Quảng trường Thị xã trong 2 tối mùng 3 và mùng 4 Tết…
ÁNH NGUYỆT
• Không khí trước giao thừa ở Phù Cát
Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, chính quyền và nhân dân các địa phương huyện Phù Cát đã đầu tư kinh phí chỉnh trang hạ tầng giao thông và các công trình văn hóa xã hội, chuẩn bị đón tết. Những ngày cuối năm, dạo một vòng quanh các xã - thị trấn trong huyện, sắc xuân đã về. Trên các trục đường chính từ huyện đến xã - thôn đều được trang trí cờ, hoa rực rỡ; mọi người đều tất bật dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa để đón chào năm mới.
Khách chọn mua hoa lan về chưng Tết. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, huyện Phù Cát đã thành lập các đoàn đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu, các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện đã nghỉ hưu qua các thời kỳ, các cơ sở tôn giáo, các cơ quan làm nhiệm vụ trọng yếu trong dịp tết, các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn huyện…
Người dân háo hức chụp hình cùng linh vật tại khu sinh hoạt văn hóa huyện. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa - tinh thần cho nhân dân, huyện Phù Cát cũng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Trưng bày biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024 tại khu sinh hoạt văn hóa huyện; chương trình ca nhạc “Mừng xuân, ơn Đảng, Tết sum vầy” vào tối 10.2 (mùng 1 Tết); hội đánh bài chòi cổ dân gian vào tối 11 và 12.2 (mùng 2, mùng 3 Tết); giao lưu võ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn vào tối 14 và 15.2 (mùng 5 và mùng 6 Tết)… Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trong huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao trong dịp tết để phục vụ nhu cầu nhân dân như: Thi đấu bóng chuyền, bóng đá mini, văn nghệ, trò chơi dân gian…
Chiều 30 tháng Chạp, nhiều người tranh thủ mua hoa về trang trí nhà cửa đón Tết. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
TRƯỜNG GIANG
* Tuy Phước rộn rã vào xuân
Chiều 30 tháng Chạp, trong tiết trời se lạnh, không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn huyện Tuy Phước diễn ra khá nhộn nhịp. Trên khắp các nẻo đường từ trung tâm huyện đến các làng quê như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ, băng rôn và những chậu hoa mai, hoa cúc, vạn thọ…
Người dân đi dạo chợ hoa tết thị trấn Tuy Phước chiều 30 tháng Chạp. Ảnh: N. HÂN.
Tại chợ Bồ Đề (thị trấn Tuy Phước), người dân nô nức mua sắm tết trong ngày cuối cùng của năm cũ. Chị Trần Thị Bảy, một tiểu thương tại chợ, cho hay: “Do kinh tế năm qua khó khăn, lượng người đi mua sắm Tết có phần giảm hơn mọi năm. Thế nhưng vào ngày 30 tháng Chạp người ra chợ tăng lên rất nhiều. Nhìn chung lượng hàng hóa đưa về chợ phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân đảm bảo, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng tăng nóng”.
Người dân chở “lộc” về nhà. Ảnh: N. HÂN
Ghi nhận không khí tại chợ hoa Tết khu vực Công viên Can Lộc và tại thị trấn Tuy Phước, người dân dạo mua hoa vào chiều tối cuối năm ngày càng đông hơn và hoa cũng được bán khá chạy. Anh Trần Văn Tài, một người bán hoa tết tại chợ, cho biết: Do kinh tế khó khăn thu nhập của người dân giảm sút nên những ngày qua lượng người đến chợ hoa ít, hoa bán chậm, giá giảm hơn mọi năm, thương lái bán hoa không khỏi lo lắng. Thế nhưng vào ngày 30 tháng Chạp lượng người đến tham quan và mua hoa khá đông.
Các tuyến đường trung tâm thị trấn Tuy Phước rực rỡ cờ, hoa. Ảnh: N. HÂN
“Dịp Tết Nguyên đán năm nay tôi đưa về chợ 300 chậu cúc để bán. Đến chiều tối 30 tháng Chạp đã bán 280 chậu, giá dao động bình quân từ 300 - 450 nghìn đồng/chậu, hy vọng đến 21 giờ đêm nay là bán xong để kịp về nhà đón giao thừa!”, anh Tài cho hay.
Người dân chụp ảnh tại cụm linh vật rồng Quảng trường Xuân Diệu (thị trấn Tuy Phước). Ảnh: N. HÂN
Cột chậu cúc đại đóa vừa mua cẩn thận trên xe máy để kịp đưa về nhà đón Tết, ông Trần Văn Năm (ở xã Phước Nghĩa) nói: “Năm nay công việc làm ăn của tôi có phần khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thu nhập cũng giảm sút nhiều. Nhưng dù có khó khăn mấy ngày cuối năm cũng phải ráng mua chậu cúc vàng để chưng tết, với ước mong sang năm mới sức khỏe dồi dào, phát tài, phát lộc, kinh tế gia đình được khá giả!”.
Chợ Gò được bài trí, trang hoàng lộng lẫy để phục vụ lễ hội chợ Gò vào sáng mùng Một Tết Giáp Thìn. Ảnh: N. HÂN
Chiều tối 30 tháng Chạp, tại Công viên Xuân Diệu (thị trấn Tuy Phước) lượng người đổ về thưởng ngoạn vẻ đẹp linh vật rồng mỗi lúc một đông. Anh Trần Văn Hùng (ở xã Phước Lộc) sau khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, cúng mâm cơm tất niên đã tranh thủ dẫn vợ và 2 con đi dạo, chụp ảnh lưu niệm tại Công viên Xuân Diệu. Anh Hùng tâm sự: “Tôi đi làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, tết này đưa cả gia đình về quê ăn tết với ông bà nội. Nhìn thấy cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị của thị trấn Tuy Phước nói riêng và các xã trên địa bàn huyện được xây dựng khang trang nên rất mừng cho sự phát triển của huyện nhà. Đặc biệt năm nay, huyện Tuy Phước xây dựng, bài trí cụm linh vật rồng tại Quảng trường Xuân Diệu rất đẹp, thu hút khá đông người dân đến tham quan, chụp ảnh. Bước vào năm mới Giáp Thìn, tôi mong ước cho huyện nhà sẽ tiếp tục có nhiều sự phát triển vượt bậc hơn nữa”.
Từ chiều 30 tháng Chạp đã có nhiều người đến “hái lộc” tại chợ Gò. Ảnh: N. HÂN
Tại khu vực chợ Gò, mặc dù đến mùng 1 Tết mới chính thức diễn ra phiên chợ đặc biệt chỉ nhóm một lần trong năm, nhưng từ chiều tối 30 tháng Chạp lượng người đến vui chơi, dạo chợ, mua lộc đã diễn ra khá nhộn nhịp. Để phục vụ người dân vui chơi, giải trí, UBND thị trấn Tuy Phước đã tổ chức biểu diễn văn nghệ, tổ chức hát bài chòi và các trò chơi dân gian để phục vụ người dân.
NGUYỄN HÂN
* TX An Nhơn chào đón Tết Giáp Thìn
Trong không khí rộn ràng của ngày 30 tháng Chạp, trên khắp các nẻo đường phố phường từ đô thị đến nông thôn rợp bóng cờ hoa, vui nhất là tại quảng trường Trung tâm VH-TT&TT, rất đông người dân đến chiêm ngưỡng tượng linh vật và chụp hình lưu niệm, đồng thời xem chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Tượng linh vật rồng tại Quảng trường Trung tâm. Ảnh: XUÂN THỨC
Tại chợ hoa xuân trên đường Hồ Sĩ Tạo, đường 30 tháng 3 và đường Đào Tấn thuộc phường Bình Định nhộn nhịp người đến xem và mua hoa. Theo UBND TX An Nhơn ước tính doanh thu từ bán hoa cúc Tết tại các địa phương trong TX Tết Giáp Thìn này khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Từ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn, cho biết: Hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn sẽ diễn ra khá sôi nổi từ 30 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng, với các hoạt động ca nhạc, hát tuồng, thi đấu cờ người, chọi gà dân gian, đánh bài chòi dân gian, giao lưu võ thuật… Đặc biệt, TX đã xây dựng tượng linh vật rồng tại Quảng trường trung tâm TX và các biểu tượng đặc trưng vùng đất An Nhơn, tạo điểm đến cho công chúng đón xuân vui Tết cổ truyền của dân tộc.
Tuyến đường hoa cúc Ngô Gia Tự, phường Bình Định rợp cờ hoa. Ảnh: XUÂN THỨC
Sáng 30 tháng Chạp, dọc các tuyến đường TX An Nhơn, gần chợ hoa huyện Tuy Phước… sắc màu của những nhành mai, chậu cúc, quất… hay khóm hoa vạn thọ đa dạng sắc màu như tô điểm cho tiết trời Bình Định trước những giờ khắc chuyển giao.
Không khí chợ hoa xuân rộn rã tiếng cười nói, những cuộc chốt giá “thuận mua vừa bán”; niềm vui vì chọn được chậu hoa ưng ý được lưu giữ trên khuôn mặt mỗi người khách như làm rộn thêm không khí đất trời.
Tâm đắc vì chọn được chậu hoa hồng tại chợ hoa gần nhà, ông Nguyễn Đình Hữu (phường Bình Định) chia sẻ: “Ở vùng này trồng mai nhiều, ở nhà tôi cũng có khá nhiều mai nên tôi muốn tìm mua một chậu hoa hồng đặt bàn tạo thêm sắc màu mới. Chậu bông giá không cao, chỉ hơn 100 nghìn đồng thôi, nhưng lại tô điểm thêm sắc xuân vào ngày Tết”.
Đang giúp khách tìm chậu bông cúc chưng Tết tại chợ hoa ở phường Bình Định, anh Mai Trung Thành (tỉnh Phú Yên) tâm sự: “Tôi bắt đầu bày bán hoa từ 23 tháng Chạp, ngày cuối cùng có nhiều khách hàng ghé lựa. Đa phần, nhiều khách nhờ tôi chọn giùm những chậu cúc hay quất giá tầm trung chừng 300 - 500 nghìn đồng; hoặc những chậu cây nhỏ, để chưng trước hiên nhà. TX An Nhơn là thủ phủ của mai vàng nên nhiều người muốn kiếm thêm sắc màu khác để làm sinh động thêm không gian ngày Tết”.
Khách du xuân chụp hình lưu niệm. Ảnh: XUÂN THỨC
Những chậu hoa rực rỡ được chở đi khắp nẻo đường cùng niềm vui hiện diện trên gương mặt mỗi người ngày 30 tháng Chạp như tô điểm thêm sức sống cho những giờ khắc cuối cùng chuyển giao năm mới.
Chương trình văn nghệ Hoa xuân dâng Đảng do Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn thực hiện. Ảnh: XUÂN THỨC
Chị Trần Thị Lệ, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cho biết: “Vào năm mới có thêm chậu hoa trong nhà nhìn không gian nhà sẽ tươi vui, khởi sắc và sinh động hơn. Hầu như năm nào tôi cũng chuẩn bị vài chậu hoa trưng trước nhà, rồi các chậu nhỏ đặt ở các góc nhà. Các con đi học xa quê về ăn Tết nhờ thế cũng cảm nhận được không khí vui tươi, sum vầy”.
XUÂN THỨC - HỒ ĐIỂM
* Huyện Phù Mỹ rộn ràng đón giao thừa năm Giáp Thìn 2024
Trong niềm hân hoan đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, tiết trời mát mẻ, tràn đầy sắc xuân, người dân trên địa bàn huyện Phù Mỹ háo hức chào đón giao thừa.
Con đường cờ hoa ở khu phố Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ được khách nhận xét đẹp nhất huyện Phù Mỹ. Ảnh: VĂN TỐ
Con đường cờ hoa khu phố Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ được hình thành gần 20 năm và là một trong những đoạn đường được du khách đi ngang qua nhận xét đẹp nhất huyện Phù Mỹ. Mỗi năm con đường này được trang trí đồng bộ hàng trăm chậu hoa cúc hoặc vạn thọ, từ kinh phí của mỗi gia đình và con em địa phương đi làm ăn xa ủng hộ. Có được con đường này, là sự quyết tâm của chính quyền và sự hướng ứng nhiệt tình của người dân địa phương.
Dù giá bán khá cao nhưng hoa cúc đại tiên 5 màu được người dân Phù Mỹ tiêu thụ mạnh. Ảnh: VĂN TỐ
Các gian hàng đồ chơi cho trẻ em ở khu vực quảng trường Phù Mỹ thu hút sự quan tâm của phụ huynh và trẻ em. Ảnh: VĂN TỐ
Tại chợ hoa xuân ở Quảng trường huyện Phù Mỹ, năm nay đa dạng các loại hoa. Ngoài các loại hoa truyền thống như cúc, mai, vạn thọ, quất, hoa đào, lần đầu tiên nhà vườn ở huyện Tuy Phước mang đến chợ hoa rất nhiều chậu hoa cúc đại tiên 5 màu, với giá bán dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/chậu nhưng tiêu thụ rất nhanh. Ông Võ Long Tân, một nhà vườn trồng hoa cúc ở xã Phước Hưng, huyện Tụy Phước, cho biết: Từ 25 tháng Chạp, ông mang đến chợ hoa Phù Mỹ 450 chậu hoa cúc đại tiên, đại đóa và cúc pha lê bán đến chiều 30 tháng Chạp thì gần hết.
Các thiếu nữ tập trung khuôn viên chùa Tịnh Quang để check in. Ảnh: VĂN TỐ
Năm nay, chùa Tịnh Quang (thị trấn Phù Mỹ) được trang trí các tiểu cảnh khá đẹp đã thu hút khách đến tham quan. Các thiếu nữ tập trung tại khuôn viên chùa Tịnh Quang gần khu vực Quảng trường Phù Mỹ để check in, chụp những bức ảnh lưu niệm.
VĂN TỐ
*Tây Sơn hân hoan chào đón năm mới
Không khí đón Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn huyện Tây Sơn khá tưng bừng nhộn nhịp từ chiều 30 tháng Chạp. Các con đường từ thị trấn Phú Phong đến các khu phố, thôn, xóm như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa, băng rôn, cổng chào. Các tuyến đường chính ở thị trấn Phú Phong được trang trí khá đẹp, rực màu cờ đỏ và những chậu hoa cúc vàng xinh tươi. Tại các địa phương trên địa bàn huyện, người dân nô nức kéo nhau đi chợ hoa, mua sắm Tết.
Người dân check in, chụp ảnh trước linh vật rồng. Ảnh: H.P
Càng gần đến giao thừa, chợ hoa Tết nằm trên địa bàn thị trấn Phú Phong càng đông người đến xem và mua hoa về chưng Tết; giá hoa khá mềm so với năm ngoái. Anh Trần Thanh Nam, một chủ vườn hoa cúc ở xã Bình Thành thổ lộ: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên hoa được mùa, bán được giá tại vườn, tôi chỉ dành hơn 100 chậu đi bán lẻ lấy lộc, nhưng giá khá mềm so với bán sỉ. Như tối nay (30 Tết) mỗi chậu hoa cúc loại 50cm giá còn trên dưới 150 nghìn đồng, tui kêu bán hết để về kịp đón giao thừa”.
Rất đông người dân đổ về chợ hoa xuân để mua hoa khi các chủ vườn “xả hàng”. Ảnh: H.P
Theo ghi nhận của phóng viên, nhu cầu sắm Tết của người dân Tây Sơn tăng hơn mọi năm. Không khí mua sắm ở các chợ lớn trên địa bàn rất nhộn nhịp, ai cũng muốn chuẩn bị cho gia đình một cái Tết chu đáo hơn năm ngoái. Sắc xuân đã tràn vào từng ngõ xóm, từng nhà và trên khuôn mặt của từng người dân.
Một tuyến đường hoa trên địa bàn thị trấn Phú Phong. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết: Năm 2023, KT-XH của huyện tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng, thực hiện đạt và vượt 22/26 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Trong đó, tổng giá trị sản phẩm của các ngành sản xuất chính trên đạt 7.012 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được tăng cường đầu tư; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện.
Chở hoa về để chơi Tết. Ảnh: H.P
Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tới các gia đình chính sách, hộ khó khăn, hàng nghìn suất quà được trao đã phần nào giúp họ đón Tết ấm cúng, đủ đầy hơn. Đơn cử trong tối 30 Tết, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến thăm, tặng quà cho 19 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và 39 công nhân vệ sinh môi trường làm việc trong đêm giao thừa.
Cầu Kiên Mỹ dẫn vào Bảo tàng Quang Trung được trang trí cờ đỏ lộng lẫy. Ảnh: H.P
Trong dịp Tết này, huyện Tây Sơn cũng đã lên kế hoạch tổ chức hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, cũng như phối hợp Sở VH&TT chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) từ mùng 4 - 6 Tết với rất nhiều hoạt động phục vụ nhân dân, du khách về đất Võ vui xuân, trẩy hội. Trong đó, huyện tổ chức chương trình nghệ thuật mừng đón giao thừa; Triển lãm sinh vật cảnh; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh; trao học bổng của Quỹ học bổng Nguyễn Huệ. Đặc biệt, sau phần Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, huyện cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức phần hội với các hoạt động như: Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định; Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Bình Định; Biểu diễn múa Lân, Sư, Rồng; Diễn tấu cồng chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số... hứa hẹn sẽ hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng trao quà cho công nhân vệ sinh môi trường trong đêm giao thừa. Ảnh: H.P
Một mùa xuân mới lại về. Người dân Tây Sơn đang háo hức chào đón giao thừa với niềm vui và tin tưởng “Rồng Giáp Thìn” sẽ đem lại nhiều thành công, may mắn trong năm mới.
HỒNG PHÚC
* Hoài Ân đón Tết với nhiều điểm nhấn đặc trưng
Tại khu vực thị trấn Tăng Bạt Hổ, ở bất cứ góc nhìn nào cũng bắt được những “điểm nhấn” làm người ta thích thú và cuốn hút. Bên cạnh muôn vàn loài hoa của “Hội hoa Xuân” thì nổi bật nhất vẫn là cụm biểu tượng linh vật, biểu tượng sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương và tuyến đường hoa Công viên thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Các bạn trẻ thích thú chụp hình với cụm linh vật. Ảnh: TỐNG BÌNH
Cạnh hồ sinh thái Bàu Đưng - Quảng trường 19.4, biểu tượng Rồng vàng hiện lên thần thái; tiếp đến là các cụm Phúc - Lộc - Thọ, cụm biểu tượng Tết yêu thương, chúc mừng năm mới -bánh chưng xanh. Càng ý nghĩa hơn, như nhấn mạnh về tiềm lực phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của địa phương với các biểu tượng cây trái đang đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân như bưởi, mãng cầu, mít, ổi,dừa xiêm.
Cách đó không xa, tại Công viên thị trấn Tăng Bạt Hổ là đường hoa với các loại hoa: Cúc nhám, cúc mâm xôi, cẩm chướng, xác pháo, hướng dương, đồng tiền, địa lan, hồng, tứ quý, vạn thọ... được đặt trên các khung sắt hộp mạ kẽm uốn theo hình và hệ thống đèn led tạo nên những sắc màu lung linh về đêm. Quanh đó, là những cột đèn led được thiết kế với những hình dáng vật nuôi chủ lực của huyện như gà, heo…
Những điểm nhấn ý nghĩa và sắc màu đã thu hút đông người dân đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh, nhất là thanh thiếu niên, những người đi xa làm ăn về quê đón Tết. Em Huỳnh Thanh Vy (ở xã Ân Hảo Đông) cho hay: Về quê em thấy thật bất ngờ khi huyện mình trang trí cảnh quan đẹp đến vậy.
Nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Hoài Ân được trang trí bắt mắt, thu hút người dân tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TỐNG BÌNH
Không chỉ lớp trẻ mà những người lớn tuổi cũng bị cuốn hút bởi cảnh quan tươi mới và cũng muốn chụp một vài tấm ảnh. Anh Nguyễn Khánh (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) chia sẻ: Năm nay thật đặc biệt, ngoài công viên Đồi Cấm, Quảng trường 19.4 với Hội hoa xuân, nhất là các biểu tượng được trang trí rất đẹp. Không những người đi làm ăn xa về mà ngay cả ở đây cũng thấy rất cuốn hút.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Trong năm qua, huyện đặc biệt chú trọng công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và chỉnh trang đô thị; đặc biệt là tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện trong dịp Tết Nguyên đán. Việc xây dựng các cụm linh vật và tuyến đường hoa nhằm tạo điểm nhấn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân huyện Hoài Ân vui Xuân - đón Tết cổ truyền dân tộc. Đồng thời, qua đó quảng bá hình ảnh và tiềm năng của huyện về phát triển nông nghiệp.
TỐNG BÌNH