Đầu xuân trẩy hội Chợ Gò
Trong ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024, thời tiết se lạnh, người dân bốn phương náo nức hội tụ về hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) để hái lộc đầu năm, cầu cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang, thịnh vượng.
Trẩy hội Chợ Gò trong ngày đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay. Chợ Gò không chỉ là nơi buôn bán, mà còn trở thành điểm hẹn, lưu giữ kỷ niệm của biết bao thế hệ. Trong phiên chợ này, người bán không đặt nặng việc lời lãi, chỉ mong bán nhanh lấy cái may cho năm mới. Với người mua, họ mong cầu được rước lộc đầu năm với những điều tốt lành. Ở đây mọi người không chỉ mua bán rôm rả mà còn là dịp dành cho nhau những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Du khách trẩy hội Chợ Gò trong ngày đầu năm của Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. ẢNH: N.DŨNG
Trong phiên chợ đầu năm, trầu cau là món hàng không thể thiếu tại Chợ Gò, bởi người dân quan niệm rằng ngày mùng 1 Tết mua những lá trầu đẹp, quả cau ngon tức là cầu may mắn, đủ đầy. Một lễ gồm 1 trái cau non, xanh tươi, 5 lá trầu còn nguyên cuống, phẳng, không bị dập, 1 bì muối nhỏ được bán với giá 20.000 đồng.
Đầu năm, người dân đi Chợ Gò mua trầu, cau, muối, đu đủ, sung để cầu mong một năm mới sung túc, đủ đầy. ẢNH: N.DŨNG
Ngót nghét đã 20 năm bán trầu cau tại Hội chợ Gò, bà Đào Thị Chơn (85 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước) tâm tình: “Đầu năm hái lộc cầu duyên/Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò”. Đã từ rất lâu, phiên chợ đầu năm trở thành một thói quen của nhiều người, từ trẻ nhỏ đến người lớn ai cũng đi Chợ Gò để cầu may. Đến chợ, mua thêm cau và vôi tượng trưng cho năm mới may mắn, có người mang về bày lên bàn thờ, có người để trong nhà như một vật mang lại may mắn.
Trở lại hội Chợ Gò sau hơn 10 năm làm việc xa quê, chị Võ Thị Hồng Lê (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) hiện đang công tác tại Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đi cùng chồng là anh Ayman Nassif (quốc tịch Anh), vui vẻ chia sẻ: Ngày trước, khi tôi còn rất nhỏ, Chợ Gò chỉ lác đác người dân họp chợ, có lẽ cũng đã hơn 10 năm tôi mới có dịp trở lại Chợ Gò, mọi thứ đã thay đổi, đông vui hơn, nhộn nhịp hơn, đa đạng các hoạt động hơn. Dịp này, tôi hẹn cô giáo cũ cấp II, nhờ cô giới thiệu để cả 2 vợ chồng cùng tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương Bình Định. Sau khi vui hội Chợ Gò, chúng tôi sẽ đến chùa Thập Tháp để đi lễ chùa, cầu bình an đầu năm.
Chợ Gò trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân trong dịp đầu năm. Trong ảnh: Anh Ayman Nassif bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu tiên được tham gia Chợ Gò. ẢNH: N.DŨNG
Anh Ayman Nassif bày tỏ: Tôi từng tìm hiểu và biết Hội Chợ Gò là một nét văn hóa của người dân địa phương trong những ngày đầu năm. Lần này, được trực tiếp hòa vào không khí của ngày Tết, tường tận tìm hiểu về nét văn hóa đặc biệt này, tôi cảm thấy rất thích thú.
Tại Chợ Gò, các mặt hàng trầu cau, muối, tôm, thịt, cá, rau củ… được bày bán rất nhiều. Chương trình nghệ thuật với các phần biểu diễn trống hội, múa lân, võ thuật, Hội đánh Bài chòi dân gian được người dân hào hứng theo dõi.
Chợ Gò mỗi năm như mỗi khác, không chỉ phong phú mặt hàng, người mua bán, đi chơi hội đông hơn, mà các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cũng đa dạng hơn, như biểu diễn ca - múa - nhạc, hát bội, bài chòi, biểu diễn võ cổ truyền, trò chơi dân gian. ẢNH: N.DŨNG
Sôi nổi các tiết mục hiện đại, trẻ trung. ẢNH: N.DŨNG
Hội thi đánh bài chòi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia. ẢNH: N.DŨNG
Đến khoảng 9 giờ sáng, khu vực Chợ Gò càng trở nên nhộn nhịp, đông đúc người trẩy hội. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
KIỀU VY - NGUYỄN DŨNG