Khai ấn, ban ấn đầu năm tại Đền thờ Đức Thánh Trần
(BĐ) - Sáng 11.2 (tức mùng 2 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), tại Đền thờ Đức Thánh Trần (Đền Thánh Sơn Hà, số 596/17 đường Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), Ban Quản lý Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn Đức Thánh Trần đầu năm theo nghi lễ cổ truyền.
Đại biểu dự Lễ khai ấn, ban ấn Đền thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn, các phòng, ban thành phố, phường Thị Nại và đông đảo nhân dân đến dâng hương, xin ấn.
Kiểm tra lại các vật phẩm để chuẩn bị thực hiện nghi lễ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm 1968, Đền thờ Đức Thánh Trần ở xã Quy Nhơn, huyện Tuy Phước (nay là phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) được xây dựng và thỉnh rước bộ ấn Đức Thánh Trần từ Đền Trần ở Nam Định về đây. Theo thông lệ, sáng mùng 2 Tết hằng năm, Đền thờ Đức Thánh Trần ở TP Quy Nhơn tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn theo tín ngưỡng văn hóa dân gian,thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).
Thực hiện nghi lễ cầu kinh, khai ấn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đồng chí Vũ Hoàng Hà - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, là người đầu tiên thực hiện nghi lễ trình khai ấn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đóng ấn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chính sử Việt Nam còn ghi rõ về gia thế và công lao của Đức Thánh Trần đối với công cuộc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Ngài là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, vị tướng bách chiến, bách thắng đã lãnh đạo binh tướng, quân dân Đại Việt ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông xâm lăng trong thế kỷ XIII, giữ yên bờ cõi, lưu danh trang sử vàng của dân tộc. Người hết lòng vì nước, vì dân, được nhân dân tôn Thánh và phụng thờ như một vị Thánh bảo quốc, an dân, trừ yêu, dẹp loạn, cứu độ chúng sinh.
Những lá ấn sau khi được đóng ấn đỏ sẽ được thỉnh rước về nhà cầu mong gia đạo bình yên, gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Người dân đến chiêm bái và xin ấn tại Đền thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sau các nghi lễ khai ấn, Ban Quản lý Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tổ chức ban ấn từ nay đến hết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).
NGỌC NHUẬN