Đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông: Chưa rõ tốn bao tiền, có làm phiền dân không?
Ngày 28.8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn các chuyên gia của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Dù chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, đề án này sẽ được trình ra Quốc hội nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng của đề án chưa được thống nhất cao.
Bỏ phương án tăng thêm 1 năm học bậc THCS
Ngay phần đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã thông báo Bộ GD-ĐT xin rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS + 3 năm THPT). Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, trước đó Bộ GD-ĐT đã đề xuất thêm 1 năm học ở bậc THCS; trong Đề án đổi mới chương trình-SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã nghiêng về thực hiện phương án giáo dục cơ bản 10 năm.
Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành. Việc xin rút phương án của Bộ GD-ĐT được nhiều chuyên gia đồng tình. Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khẳng định, khi thẩm tra đề án Ủy ban này sẽ theo hướng giữ nguyên hệ thống giáo dục 12 năm như hiện nay với các năm học không thay đổi. “Nếu trình điều này ra Quốc hội, chắc chắn Quốc hội cũng sẽ bác”, ông Đào Trọng Thi nói. Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Bộ GD-ĐT phải rút kinh nghiệm trong việc này: “Tại sao cứ đề ra phương án rồi lại rút? Những sáng kiến đó rất bất ngờ, chưa có báo cáo đánh giá tác động. Trước khi đề xuất ra 1 phương án nào phải suy tính rất kỹ càng”.
Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn ủng hộ phương án thêm 1 năm ở bậc THCS, trong đó có PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. GS Hồ Ngọc Đại lại đề xuất hướng khác. Hệ thống giáo dục phải nắm chắc bậc tiểu học, vì đó là nền tảng của đời người, vì 100% người dân đều được học qua bậc tiểu học. Muốn vậy phải đầu tư, ưu tiên tuyệt đối cho bậc tiểu học học 6 năm, 4 năm THCS, còn 2 năm THPT. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại cho rằng, tất cả những vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục phải bàn rất kỹ. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, kể cả những đề xuất như của GS Hồ Ngọc Đại.
PGS Văn Như Cương ủng hộ giữ nguyên hệ thống giáo dục cơ bản 9 năm như hiện nay, nhưng đề xuất THPT không nên chỉ có 1 chương trình mà cần có sự phân hóa : có chương trình cho học sinh để lên đại học, có chương trình THPT có dạy nghề để học sinh tốt nghiệp xong thì đi học nghề. Đây là mô hình mà nhiều quốc gia đang thực hiện để bảo đảm cân đối tỷ lệ thợ-thầy cho thị trường lao động. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lại cho rằng, định hướng THCS 10 năm là tốt, nhưng tại thời điểm này thì chưa thích hợp, vì thiếu chuẩn bị, nhưng đến năm 2020 có thể triển khai.
Ủng hộ Bộ GD-ĐT biên soạn bộ SGK mẫu
Ngoài ý kiến về số năm học ở các bậc học phổ thông, ý kiến của các chuyên gia tập trung quanh vấn đề đa dạng SGK và quy trình biên soạn SGK. Đề án đổi mới lần này cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK. Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng đang đưa ra 2 phương án biên soạn SGK: bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây để đỡ mất nhiều thời gian.
Tuy còn ý kiến khác nhau, nhưng đại đa số các chuyên gia đều đồng tình một chương trình, nhiều bộ SGK. Đồng thời tán thành Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn để tránh lộn xộn. PGS-TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng nếu ngay từ đầu Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn mà không biên soạn bộ SGK mẫu thì rất nhiều rủi ro, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này. Bà cũng lưu ý thêm, nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học.
GS Phạm Đình Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý phải xác định rõ ai được quyền chọn SGK cho từng cấp học, từng môn học. Nhà trường hay quận huyện, Sở GD-ĐT. Nếu SGK do bộ biên soạn thì thế nào? Các sở có phải theo bộ sách ấy không? Tất cả những điều này phải tính toán để tránh lúng túng sau này. GS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ Bộ GD-ĐT nên biên soạn bộ SGK nòng cốt, nhưng chỉ biên soạn một số bộ SGK khoa học xã hội (địa lý, lịch sử…) để tránh sai sót, còn các môn khác thì xã hội hóa, hoặc có thể dịch SGK nước ngoài để đỡ tốn tiến. TS Nguyễn Tùng Lâm muốn Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm chính về bộ SGK, nhưng người tham gia viết SGK phải được tuyển chọn, có giáo viên phổ thông giỏi, ở các vùng miền viết cùng để phản ánh được thực tiễn.
Nhiều vấn đề còn mơ hồ
Ngoài 2 vấn đề trên, nhiều nội dung của đề án đổi mới chương trình-SGK vẫn chưa được các chuyên gia đồng thuận cao vì các đại biểu cho rằng vẫn còn rất mơ hồ. Từ thực tế chương trình-SGK hiện hành thực hiện chưa mấy thành công do chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho quá trình đổi mới, một số ý kiến đề nghị phải giải quyết tốt bài toán cơ sở vật chất, vì đó là điều kiện quan trọng để thực hiện thành chương trình-SGK mới. GS Phạm Đình Hạc cũng nêu đề án theo hướng dạy tích hợp, phân hóa là sự đổi mới rất lớn, có ý nghĩa thời đại của giáo dục Việt Nam và thích ứng được với giáo dục thế giới. Nhưng cho đến nay ngay cả nhiều chuyên gia của Bộ GD-ĐT cũng chưa biết phải làm thế nào, vì thế phải chuẩn bị thật kỹ để làm tốt nội dung này. Các chuyên gia cũng đề nghị phải thực hiện mạnh mẽ việc phân luồng, không chỉ phân luồng sau bậc THCS mà cả sau bậc THPT, chấm dứt tình trạng thi 3 môn, 8 điểm cũng vào được đại học...
Đáng chú ý, đề án này chưa nêu rõ về kinh phí thực hiện. Nếu trước đó khi đưa ra đề án này Bộ GD-ĐT nêu ra con số khái toán là 34.000 tỷ đồng thì đến nay, đề án chưa nói rõ. “Đề án này Quốc hội chỉ quan tâm 2 vấn đề: làm hết bao nhiêu tiền, tác động đến ngân sách Nhà nước ra sao; có làm phiền dân không? Nhưng cả 2 đều chưa rõ. Báo cáo tác động mà đề án chỉ ra chỉ là những gì những người biên soạn “tưởng tượng” ra, vì không có thực tiễn, không có dữ liệu chứng minh”, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ kết thúc ngày 28.8, Chính phủ đã nhất trí đã thông qua dự thảo Đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng. Chính phủ giao Bộ GD-ĐT tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện đề án, thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí. Theo đó, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Với 2 phương án xây dựng biên soạn SGK: phương án 1 là Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ GD-ĐT chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn… các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.
Theo Lâm Nguyên (SGGP)