“Ông đồ” cho chữ - hồi sinh nét đẹp văn hóa truyền thống
Thư pháp hiểu nôm na là cách viết chữ, nghệ thuật viết chữ Hán xuất xứ từ Trung Quốc được thể hiện bằng các thể tự triện thư, lệ thư, hành thư, thảo thư. Trong dòng chảy văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ nghệ thuật viết thư pháp chữ Hán, sau đến chữ Nôm, người Việt đã sáng tạo nghệ thuật viết thư pháp chữ Quốc ngữ mang nét độc đáo riêng.
“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”... những câu thơ trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên miêu tả một hình ảnh đẹp gắn với mỹ tục xin chữ đầu năm của người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về. Theo dòng chảy thời gian, hình ảnh ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ Hán - Nôm dần rơi vào quên lãng như chính sự lặng lẽ của thư pháp chữ Hán - Nôm.
Từ sự phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc thay đổi từ chữ Hán, rồi qua chữ Nôm, đến chữ Quốc ngữ hoàn chỉnh như ngày nay, nghệ thuật thư pháp dần được hồi sinh mang nét riêng có, với nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ (thư pháp Việt).
Mỗi độ Tết đến, xuân về, ở Bình Định ngày càng có nhiều “ông đồ”, “cô đồ” trẻ có mặt ở chợ hoa xuân, các điểm di tích văn hóa, du lịch viết thư pháp. Tại Hội báo xuân Giáp Thìn 2024, gian hàng thư pháp do “cô đồ” Võ Thị Thu Thảo, ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) và “ông đồ” Lê Vũ Nhân, ở phường Bình Định (TX An Nhơn) phóng bút múa những nét chữ bay bổng đẹp mắt, thu hút nhiều người đến xin chữ.
“Cô đồ” Võ Thị Thu Thảo, ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) và “ông đồ” Lê Vũ Nhân, ở phường Bình Định (TX An Nhơn) cho chữ tại Hội báo xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Cô đồ” Thu Thảo cho biết: “Tôi học thư pháp được 4 năm. Mỗi dịp Tết, tôi thường được mời viết thư pháp Việt tại các sự kiện, đầu năm thì cho chữ tại chùa Minh Tịnh, rồi đến các khách sạn viết chữ tặng du khách”.
Tương tự, “ông đồ” Vũ Nhân đến với thư pháp Việt được 5 năm. Dịp Tết, anh cũng đến các chùa ở quê mình để cho chữ đầu năm, nhận lời mời của các DN du lịch đến cho chữ tại các điểm du lịch, lữ hành…
Lần đầu tiên có mặt cho chữ tại chợ hoa xuân Giáp Thìn ở TP Quy Nhơn, “ông đồ” trẻ Lê Thanh Trung, ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) hiện đang là sinh viên năm 2, khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Quy Nhơn khiến mọi người chú ý khi viết cả thư pháp Việt và chữ Hán rất thuần thục. Anh Trung chia sẻ: “Tôi yêu thích chữ Hán từ nhỏ và may mắn được những cụ cao niên trong dòng họ dạy viết thư pháp chữ Hán từ hồi còn học cấp hai. Sau này, tôi gặp các anh chị viết thư pháp Việt để học hỏi, rồi tự luyện thêm. Lần đầu tiên ra chợ hoa xuân Quy Nhơn để cho chữ theo kiểu tùy hỷ trả công, góp thêm chút nét văn hóa đẹp ngày xuân”.
“Ông đồ” trẻ Lê Thanh Trung, ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) hiện đang là sinh viên năm 2, khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Quy Nhơn viết thư pháp Việt và cả chữ Hán rất thuần thục. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Vốn là họa sĩ tự do, mỗi dịp Tết, “cô đồ” trẻ Đinh Thị Thu Duyên, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho chữ theo đơn đặt hàng. Cũng lần đầu tiên có mặt ở chợ hoa xuân Quy Nhơn để cho chữ, Thu Duyên tâm tình: “Năm nay, tôi ra chợ hoa cho chữ để trải nghiệm không khí Tết giữa lòng thành phố, tôi thấy rất vui”.
“Cô đồ” trẻ Đinh Thị Thu Duyên, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho chữ tại chợ hoa xuân Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Gian hàng thư pháp tại Lễ hội xuân Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) của “ông đồ” Nguyễn Trần Quyên, ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) hiện là giáo viên Trường THCS Phước Lộc, thu hút rất nhiều người đến xin chữ đầu năm.
Cùng gia đình đến xin chữ, anh Hà Văn Sơn, ở thị trấn Tuy Phước, chia sẻ: “Đầu năm trẩy hội Chợ Gò, tôi tới xin chữ Đức về treo trong nhà, với mong muốn năm mới gia đình bình an, con cháu thảo hiền, giữ đạo đức, lối sống”.
“Ông đồ” Nguyễn Trần Quyên, ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) hiện là giáo viên Trường THCS Phước Lộc cho chữ tại Lễ hội xuân Chợ Gò. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Ông đồ” Trần Quyên cho biết: “Những bức thư pháp Việt chủ yếu viết bằng hai tông màu chủ đạo là đỏ và đen trên các bức liễn bằng giấy xuyến, mành trúc, hoặc bao lì xì được khách hàng đặt viết theo yêu cầu, nội dung câu chữ thể hiện ước nguyện mọi điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình trong năm mới”.
NGỌC NHUẬN