Hàng nghìn người nô nức trẩy hội Ngọc Hồi - Đống Đa
Từ sáng sớm 14.2 (mùng 5 Tết) hàng nghìn người dân, du khách nô nức kéo về Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) du xuân, hòa cùng không khí vui hội Ngọc Hồi - Đống Đa.
Hàng nghìn người dân, du khách về trẩy hội Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Nô nức trẩy hội tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Dòng người đến Bảo tàng Quang Trung càng lúc càng đông, nối nhau từ ngoài cổng vào trong khuôn viên bảo tàng, không khí trở nên náo nhiệt. Khu vực tổ chức Hội đánh bài chòi thu hút đông người mộ điệu đến xem, reo hò cổ vũ cho 5 CLB bài chòi, gồm: Quy Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh tranh tài diễn xướng tại Liên hoan các CLB bài chòi tỉnh Bình Định. Từ người lớn đến trẻ nhỏ háo hức “thượng chòi”.
Dòng người quây quanh xem CLB Lân, sư, rồng Kỳ Hoàn biểu diễn. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Đội nón lá Tây Sơn chụp ảnh. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Không được “thượng chòi” nên đành ngồi ghế nhựa để xem, nhưng cụ Trần Bán, ở thị trấn Phú Phong vẫn tỏ ra say sưa gõ nhịp mõ hòa theo điệu hô của các anh chị hiệu, cụ Bán, cười tươi nói: “Tôi mộ bài chòi, hôm qua tới giờ tôi đều đến Bảo tàng Quang Trung để nghe hô bài chòi. Tết đến, xuân về, tiếng bài chòi lại rộn vang để người mộ điệu được thưởng thức. Xem bài chòi nhớ lại nét văn hóa xưa của ông bà ta ngày trước, nên tôi thích lắm!”.
Đội cồng chiêng xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) biểu diễn tại khu nhà rông trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung để phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Phía bên kia khu nhà rông có đội cồng chiêng xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) biểu diễn, thanh âm cồng chiêng vang vọng cũng thu hút rất đông nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Anh Nguyễn Tấn Dũng, ở phường Đập Đá (TX An Nhơn), cho biết: “Dù đã nhiều lần đến Bảo tàng Quang Trung, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến đây vào dịp Tết để hòa trong không khí vui tươi trẩy hội. Mọi người đến đây rất đông, ai cũng vui cười hớn hở vui xuân, vui hội”.
Hội bài chòi dân gian trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung tạo không khí vui tươi, rộn rã. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Dưới chân Tượng đài Quang Trung, CLB Lân, sư, rồng Kỳ Hoàn biểu diễn nhiều đợt để phục vụ người trẩy hội, tiếng trống lân rộn ràng, những động tác múa lân, sư, rồng uyển chuyển được quây quanh bởi dòng người đến xem. Khu nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung mở cũng đông nghịt người vào tham quan, tìm hiểu lịch sử vương triều Tây Sơn. Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt dòng người đến dâng hương cũng đông, nhưng không khí trang nghiêm, thành kính, ai cũng giữ trật tự, thắp hương dâng lên án thờ các tướng sĩ vương triều Tây Sơn, ban thờ Tây Sơn Tam Kiệt với lòng kính ngưỡng, tri ân công đức tiền nhân.
Khu nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung mở cửa miễn phí không thu tiền vé để du khách vào tham quan, tìm hiểu lịch sử vương triều Tây Sơn. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Thành kính dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Tham quan giếng nước cổ. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Xin chữ “ông đồ” khi đi trẩy hội. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Chị Trần Thị Bích Ngọc, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Cách đây vài năm tôi có đến Bảo tàng Quang Trung để tham quan, check-in. Lần này trở lại đây vào đúng dịp Tết, lại có Lễ hội nên thấy rất thú vị. Bảo tàng Quang Trung giờ được xây dựng, tôn tạo khang trang hơn, cảnh trí rất đẹp. Không chỉ riêng người Bình Định, mà cả dân tộc Việt Nam ai cũng tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông; trong đó, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Sau khi tham quan bảo tàng, tôi đến dâng hương các vị anh hùng cầu mong cho gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý”.
“Từ 10 - 14.2 (tức mùng 1 - 5 Tết), Bảo tàng Quang Trung cùng các di tích trên địa bàn huyện Tây Sơn do đơn vị quản lý, như Đài Kính Thiên, Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Lăng Mai Xuân Thưởng, Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc… đón khoảng 74.000 lượt khách đến tham quan, tăng hơn 40.000 lượt khách so với năm trước; trong đó, Bảo tàng Quang Trung đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trẩy hội Ngọc Hồi - Đống Đa, dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Năm nay, Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024), diễn ra rất nhiều hoạt động để phục vụ nhân dân, du khách về trẩy hội, như: Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định; biểu diễn nghệ thuật truyền thống Bình Định, biểu diễn múa lân, sư, rồng; diễn tấu cồng, chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh… đặc biệt, chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội có bắn pháo hoa tổ chức tối mùng 4 Tết nên thu hút rất đông người dân, du khách đến Tây Sơn” - Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung.
ĐOAN NGỌC