Xuân về trên khắp nẻo quê hương
Trong không khí hào hứng đón mùa xuân mới Giáp Thìn 2024, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã diễn ra các chương trình hoạt động mừng Ðảng - mừng Xuân ý nghĩa, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Sôi động chương trình nghệ thuật chào năm mới
Tối 9.2 (30 tháng Chạp), tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón chào xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Sắc xuân Bình Định”.
Sau phần khai hội, chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Sắc xuân Bình Định” gồm 2 phần, với nhiều tiết mục ca, múa, hát được dàn dựng công phu, đặc sắc. Phần 1 với tên gọi Mừng Đảng, mừng Xuân (kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), gồm các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, nêu bật những thành tựu phát triển của quê hương Bình Định và niềm hân hoan cùng cả nước đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đảng bộ, quân và dân Bình Định mãi một niềm tin theo Đảng, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, nêu bật những thành tựu phát triển của quê hương Bình Định tại chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và đón chào xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh:NGUYỄN DŨNG
Phần 2 có chủ đề “Kết nối sức sống mới” với các tiết mục hoạt náo đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, do các ca sĩ: Đỗ Quyên, Huỳnh James, PJBoys, Binz, Hà Nhi, DJ Shenlongz… biểu diễn, mang hơi thở của mùa xuân, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, mang đến cho khán giả chương trình nghệ thuật đa dạng sắc màu, hứa hẹn sôi động, hấp dẫn. Đúng thời khắc giao thừa màn bắn pháo hoa tầm thấp chào đón năm mới với niềm tự hào về sự phát triển của quê hương, đất nước, tràn đầy khát vọng vươn lên tầm cao mới…
Độc đáo lễ hội Chợ Gò
Trong ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024, thời tiết se lạnh, người dân bốn phương náo nức hội tụ về hội Chợ Gò (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) để hái lộc đầu năm, cầu cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng.
Trong phiên chợ đầu năm, trầu cau là món đồ không thể thiếu tại Chợ Gò, bởi người dân quan niệm rằng ngày mùng 1 Tết mua những lá trầu đẹp, quả cau ngon tức là cầu may mắn, đủ đầy.
Trầu cau và các loại rau quả là mặt hàng không thể thiếu tại lễ hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tại Chợ Gò, các mặt hàng trầu cau, muối, tôm, thịt, cá, rau củ… được bày bán rất nhiều. Chương trình nghệ thuật với các phần biểu diễn trống hội, múa lân, võ thuật, Hội đánh Bài chòi dân gian được người dân hào hứng theo dõi.
Khai ấn, ban ấn Đền thờ Đức Thánh Trần
Sáng 11.2 (tức mùng 2 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), tại Đền thờ Đức Thánh Trần (Đền Thánh Sơn Hà, số 596/17 đường Trần Hưng Đạo, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), Ban Quản lý Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn Đức Thánh Trần đầu năm theo nghi lễ cổ truyền.
Kiểm tra các vật phẩm để chuẩn bị thực hiện nghi lễ ban ấn tại Đền thờ Đức Thánh Trần (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm 1968, Đền thờ Đức Thánh Trần ở xã Quy Nhơn, huyện Tuy Phước (nay là phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) được xây dựng và thỉnh rước bộ ấn Đức Thánh Trần từ Đền Trần ở Nam Định về đây. Theo thông lệ, sáng mùng 2 Tết hằng năm, Đền thờ Đức Thánh Trần ở TP Quy Nhơn tổ chức Lễ khai ấn, ban ấn theo tín ngưỡng văn hóa dân gian, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).
Chính sử Việt Nam còn ghi rõ về gia thế và công lao của Đức Thánh Trần đối với công cuộc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Ngài là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, vị tướng bách chiến, bách thắng đã lãnh đạo binh tướng, quân dân Đại Việt ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông xâm lăng trong thế kỷ XIII, giữ yên bờ cõi, lưu danh trang sử vàng của dân tộc. Người hết lòng vì nước, vì dân, được nhân dân tôn Thánh và phụng thờ như một vị Thánh bảo quốc, an dân, trừ yêu, dẹp loạn, cứu độ chúng sinh.
Sau các nghi lễ khai ấn, Ban Quản lý Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tổ chức ban ấn, kéo dài đến hết ngày tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).
Sôi nổi hội đua thuyền
Mùng 2 Tết Giáp Thìn (ngày 11.2), tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngập tràn tiếng reo hò, người người náo nức hội tụ về đây để cổ vũ cho lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức trên sông Gò Bồi.
Đông đảo người dân đứng bên bờ sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) theo dõi các đội đua tranh tài. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ai ai cũng háo hức chờ đợi màn đua tốc độ của các VĐV thuộc các đội đua thuyền đến từ xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Các VĐV tranh tài ở nội dung đua sõng câu bằng dầm cá nhân với cự ly 400 m dành cho nam và 400 m dành cho nữ; đua thuyền rồng tập thể (cự ly 1.600 m đối với nam và 800 m đối với nữ).
Cùng với tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống, dịp này, xã Phước Hòa tổ chức Hội bài chòi dân gian (diễn ra vào mùng 2, mùng 3 Tết, tại khu chợ mới Phước Hòa) gắn với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí đặc sắc, lành mạnh tạo điểm đến ý nghĩa trong dịp Tết cho người dân địa phương và du khách tham quan.
Chiều 14.2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), tại Đầm Trà Ổ, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ cũng diễn ra giải đua thuyền truyền thống cúp Agribank Phù Mỹ năm 2024. Hoạt động được Trung tâm VH-TT&TT tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 59 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Hàng nghìn người dân có mặt ở đầm Trà Ổ (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) để theo dõi các đội đua tranh tài. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Nhiều năm qua, giải đua thuyền truyền thống huyện Phù Mỹ trở thành một hoạt động thể thao quần chúng tiêu biểu, đậm đà hơi thở cuộc sống, gắn liền với sự phát triển của quê hương và trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân của huyện nhà. Đây chính là dịp để bà con ngư dân đoàn kết, gắn bó với nhau hơn nữa và cùng cầu mong cho một năm mới an lành, no ấm, hạnh phúc.
Giải đua thuyền thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách đến xem và cổ vũ. Tham gia lễ hội đua thuyền năm nay có 196 VĐV đến từ 14 đội thi thuộc các xã: Mỹ Châu, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ Đức và 2 DN, trong đó có 9 đội nam và 5 đội nữ.
Trong tiếng hò reo, cổ vũ nhiệt tình của người dân, các đội đua tay chèo tay lái đưa con thuyền rẽ sóng lao lên phía trước. Kết quả, ở nội dung nam, đội Mỹ Thắng 2 đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về đội Mỹ Châu 1, giải ba thuộc về đội Mỹ Thắng 1; ở nội dung nữ, đội Mỹ Thắng 1 đoạt giải nhất, đội Mỹ Thắng 2 đoạt giải nhì và Mỹ Đức đoạt giải ba.
Độc đáo hội cờ người ở TX An Nhơn
Chiều tối 12.2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn), tại Quảng trường TX An Nhơn đã diễn ra hội thi đấu biểu diễn cờ người. Tham gia thi đấu có các kỳ thủ nổi tiếng ở các giải đấu phong trào thuộc TX An Nhơn và TP Quy Nhơn.
Hội thi đấu biểu diễn cờ người tại TX An Nhơn luôn tạo sức hút với người dân. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Các quân cờ tham gia năm nay do các võ sinh thuộc võ đường Lê Xuân Cảnh đảm nhiệm. Để có được những màn biểu diễn đẹp mắt, Đại võ sư Lê Xuân Cảnh đã có sự chuẩn bị khá kỳ công. “Để đảm bảo cho hội cờ người năm nay, võ đường đã huy động gần 50 võ sinh (bao gồm cả các quân cờ và đội trống) và tiến hành tập luyện trong khoảng 2 tháng. Các võ sinh năm nay thuộc lứa trẻ, đang rèn luyện và thi đấu tại võ đường, tuy vậy, các em cũng đã nhanh chóng nắm bắt và luyện tập bài bản để đem lại phần biểu diễn mãn nhãn cho khán giả”, ông Cảnh cho biết.
Hấp dẫn các đêm võ đài
Tối 12.2, tại Quảng trường TX Hoài Nhơn diễn ra Đêm võ đài xứ Hoài lần thứ I - năm 2024. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024 của UBND TX Hoài Nhơn.
Đêm võ đài xứ Hoài lần thứ I - năm 2024 có nhiều trận đấu hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem và cổ vũ. Ảnh: KIỀU VY
Tại chương trình, khán giả được thưởng thức các bài quyền thuật, binh khí, đối luyện đặc sắc như: Thanh long độc kiếm, đồng diễn 27 động tác căn bản công pháp I, đồng diễn Ngọc trản quyền, Thái sơn côn, Thiết phiến, Nhuyễn tiên, Tứ linh đao…, do các võ sinh võ đường Kim Hoàng (TX Hoài Nhơn) thể hiện. Đêm võ đài xứ Hoài lần thứ I diễn ra trong 2 đêm (12 và 13.2), mỗi đêm có 7 trận thi đấu đối kháng phục vụ công chúng yêu võ thuật.
Các trận đối kháng võ cổ truyền có sự tham gia của các võ sĩ thuộc các võ đường, CLB tên tuổi như: Kim Hoàng (TX Hoài Nhơn), Thanh Thiên (TX Hoài Nhơn), Quách Quang Tôn (huyện Phù Mỹ), Hồng Kha (TP Quy Nhơn), Hoàng Cường (tỉnh Kon Tum), Hồng Cơ (huyện Vĩnh Thạnh), Huỳnh Ngọc Sương (huyện Tây Sơn), Chăm Ba Na (huyện Vân Canh), Kim Bình (TX Hoài Nhơn), Lê Xuân Cảnh (TX An Nhơn), Quang Trung (TP Quy Nhơn)…
Dịp này, tại TX An Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát… cũng tổ chức các đêm võ đài, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách.
Rộn rã hội đánh bài chòi dân gian
Nhiều địa phương tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian, góp thêm “món ăn” tinh thần phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết. Huyện Tuy Phước duy trì tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian tại Hội xuân Chợ Gò hằng năm, ngoài phục vụ bài chòi cho du khách, nhân dân vui Hội xuân Chợ Gò, năm nay huyện cũng tổ chức Liên hoan các đội bài chòi các xã, thị trấn tham gia, mở thêm Hội đánh bài chòi phục vụ tại Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa) chiều mùng 2 Tết.
TX Hoài Nhơn tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian tại Quảng trường Trung tâm thị xã từ mùng 2 - 5 Tết (11 - 14.2). Ngoài ra, một số địa phương của thị xã, như: Hoài Hương, Tam Quan Bắc… cũng tổ chức hội bài chòi để tạo không khí rộn ràng ngày xuân.
Hội đánh bài chòi tại TX Hoài Nhơn thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Ảnh: HOÀNG QUÂN
TP Quy Nhơn nhiều năm liền duy trì Hội đánh bài chòi dân gian vào dịp Tết tại khu vực gần Quảng trường Nguyễn Tất Thành - góc ngã 5 Ngô Mây - Nguyễn Tất Thành để phục vụ nhân dân. Trong đêm mùng 6 Tết, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn cũng sẽ tổ chức Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian với sự tham gia của các đội bài chòi các phường, xã của thành phố.
Rộn ràng và thu hút đông đảo công chúng mộ điệu là Hội đánh bài chòi dân gian tại Bảo tàng Quang Trung phục vụ trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024). Năm nay, lần đầu tiên Sở VH&TT tổ chức lồng ghép hội bài chòi phục vụ du khách vui xuân, trẩy hội, còn tổ chức thêm Liên hoan các CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định với 5 địa phương, gồm: Quy Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh tham gia. Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho CLB Bài chòi TX Hoài Nhơn; 2 giải nhì thuộc về CLB Bài chòi TP Quy Nhơn và huyện Phù Cát; CLB Bài chòi các huyện: Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn đạt giải ba. Ngoài ra, có 12 hiệu được trao giải thưởng để khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định.
N.NHUẬN - K.VY - H.ÐIỂM - N.DŨNG