Ngày xuân vui hội cổ nhơn
Trong ngày vui xuân đón tết Giáp Thìn 2024, tại TX Hoài Nhơn và TX An Nhơn, người dân vẫn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống một cách đầy hứng thú qua trò chơi cổ nhơn.
Trò chơi cổ nhơn tổ chức hai đợt chơi vào buổi sáng, chiều mỗi ngày trong dịp Tết. Hội đồng cổ nhơn chọn một con vật làm kết quả của buổi chơi. Hình vẽ con vật được đặt trong một hộp gỗ khóa kín và treo trên cây nêu ở khu vực tổ chức hội cổ nhơn. Khi công bố kết quả, người trong hội đồng kéo hộp gỗ xuống, mở ra và công bố con vật đó, giải thích ý nghĩa câu thai gắn với con vật.
Công bố kết quả “con voi” trong lần chơi cổ nhơn ở TX Hoài Nhơn chiều mùng 2 Tết. Ảnh: H.THU
Tại TX Hoài Nhơn trong những ngày tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đi trên nhiều tuyến đường ở các phường, xã dễ dàng bắt gặp những nhà con (điểm trung gian của nhà cái phục vụ người chơi) với đặc trưng là tấm bảng ghi câu thai. Trong đó, có ông Lê Văn Vững (63 tuổi, nhà ở đường Quang Trung, phường Bồng Sơn), đã tham gia làm nhà con được hơn 20 năm qua.
“Ngày Tết tôi không đi đâu mà thường ngồi trước nhà từ sáng đến tối phục vụ khách, cảm thấy vui vẻ không chỉ bởi mình có tiền hoa hồng từ nhà cái mà còn là được cùng bàn luận, hòa cùng hứng thú với bà con quê mình vui trò chơi dân gian...”, ông Vững chia sẻ.
Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND TX Hoài Nhơn đã quyết định chuyển địa điểm tổ chức trò chơi dân gian cổ nhơn từ phường Hoài Xuân về khu vực sân Trung tâm VH-TT&TT thị xã ở phường Bồng Sơn. Trung tâm VH-TT&TT thị xã trang trí sân khấu tổ chức hội cổ nhơn; bố trí cây nêu, âm thanh, cờ đào, cờ hội quanh khu vực tổ chức; phối hợp với các đơn vị, địa phương để đảm bảo hội xổ cổ nhơn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, vui tươi, lành mạnh, an toàn trong thời gian diễn ra từ mùng 1 đến mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Theo ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, cổ nhơn là trò chơi dân gian tồn tại rất lâu đời. Trước đây, trò chơi chỉ tập trung ở Bồng Sơn, nay đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong nhân dân ở phần lớn các phường, xã của thị xã, đồng thời cũng thu hút người dân ở các xã của huyện Hoài Ân giáp ranh địa bàn Hoài Nhơn.
“Nhiều người dân Hoài Nhơn sống và làm việc ở xa, thậm chí ở tận bên Mỹ, vẫn nhớ đến trò chơi nơi quê nhà, nên cập nhật câu thai ngày Tết qua mạng xã hội hoặc điện thoại, rồi cùng bàn luận và nhờ người thân ở quê nhà mua chơi cổ nhơn. Cổ nhơn trở thành sợi dây kết nối tình cảm và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống quê hương”, ông Hồ Khắc Cầu cho biết.
Tại TX An Nhơn, dù văn hóa cổ nhơn không “đậm đặc” trên đường phố qua các nhà con như ở TX Hoài Nhơn nhưng vẫn thu hút người chơi ở các phường, xã tham gia. Có người ở xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) còn lập fanpage facebook “Cổ nhơn An Nhơn Bình Định” với hơn 3.700 thành viên (tính đến chiều mùng 4 Tết), cập nhật hằng ngày câu thai, kết quả cổ nhơn, thu hút nhiều người bàn luận sôi nổi.
Anh Nguyễn Đình Toàn (45 tuổi, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) giữ mãi ấn tượng đẹp ngày Tết từ thuở nhỏ khi được nghe ông, cha, chú trong gia đình bàn luận cổ nhơn, nên lớn lên anh cũng bắt đầu chơi rất hứng thú.
“Chơi cổ nhơn đặt 1 ăn đến 25 lần, nhưng sự hấp dẫn nhất không phải là tiền thắng thua kiểu cờ bạc may rủi, mà sự phấn khởi đầu xuân của người chơi “chân chính” khi thắng cuộc nhờ mình có kiến thức văn hóa, lịch sử và biết suy luận, nhạy bén trong phân tích câu thai. Như câu thai sáng mùng 3 Tết năm nay là “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, sau đó kết quả lại là con ốc, rất bất ngờ nhưng cũng rất thuận lý khi nghe giải thích, anh Toàn chia sẻ.
Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT TX An Nhơn, hội chơi cổ nhơn của thị xã năm nay được tổ chức tại sân Trung tâm VH-TT&TT thị xã, diễn ra từ 28 tháng Chạp năm Quý Mão 2023 đến tối mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024.
“UBND thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hội chơi cổ nhơn đảm bảo các yêu cầu, mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn trò chơi dân gian này, dù người chơi mấy năm gần đây không còn nhiều và sôi nổi ở các địa phương như trước đây”, ông Tô Hồng Phương cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, những người rành cổ nhơn, trò chơi này có một phần nào đó tương tự như thú chơi “thả thơ” của các bậc “tao nhân mặc khách” ngày xưa. Tuy nhiên, thú thả thơ chỉ đoán chữ còn khuyết trong câu thơ, còn cổ nhơn lại luận từ câu thai để tìm ra con vật mà người ra đề muốn nói; thả thơ cũng không có luật chơi nên kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào cách giảng giải của nhà cái, còn cổ nhơn có luật và quy tắc chơi chặt chẽ.
Trò chơi cổ nhơn bắt đầu khi những người tổ chức phát hành câu thai. Thông thường mỗi câu thai phổ biến gồm 4 câu thơ thể lục bát (hoặc song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt). Để soạn ra câu thai có nội dung phản ánh rất rộng, nhiều ý nghĩa ẩn hiện dẫn dắt liên tưởng, suy luận, người soạn phải thông sử sách, giỏi chữ nghĩa, am hiểu phong tục tập quán.
HOÀI THU