Google thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái
Google vừa sản xuất và thử nghiệm máy bay không người lái, phương tiện mà hãng này tin rằng có thể sử dụng để giao hàng.
Dự án mang tên Project Wing này hiện do một công ty con chuyên nghiên cứu công nghệ bí mật của Google - công ty Google X - phát triển. Đây cũng là công ty chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm xe tự lái của Google.
Project Wing đã được triển khai suốt 2 năm qua nhưng hiện giờ vẫn nằm trong vòng bí mất.
Google cho biết, mục tiêu dài hạn của công ty này là phát triển máy bay không người lái có thể dùng vào việc giao hàng viện trợ tới khu vực xa xôi hẻo lánh trong trường hợp xảy ra thảm hoạ.
Cụ thể, sau động đất, lũ lụt hay thảm hoạ thiên tai khác, máy bay không người lái do Google phát triển có thể dùng để vận chuyển những loại hàng hoá nhỏ như thuốc men hay pin cho người dân ở những khu vực mà phương tiện truyền thống không thể đến được.
Ban đầu, Project Wing được hình dung như là một cách để vận chuyển máy khử rung tim cho người nghi ngờ bị bệnh đau tim. Ý tưởng mà dự án hướng tới là máy bay không người lái sẽ vận chuyển thiết bị y tế nói trên nhanh hơn xe cấp cứu.
Những chiếc máy bay không người lái đầu tiên của dự án Project Wing đã được thử nghiệm thành công, cụ thể là chở hàng từ trang trại xa xôi hẻo lánh tại bang Queensland (Australia) tới những trang trại lân cận.
Australia được chọn làm nơi thử nghiệm vì theo Google, nước này có những luật lệ "tiến bộ" về việc sử dụng máy bay không người lái trong khi nhiều nơi khác trên thế giới kiểm soát chặt vấn đề này.
Máy bay không người lái do Google phát triển có độ dài sải cánh khoảng 1,5m và chạy bằng 4 cánh quạt điện.
Tổng trọng lượng của phương tiện tự bay, tính cả hàng hoá cần giao, là khoảng 10kg. Bản thân chiếc máy bay nặng 8,5kg, có thiết kế lai giữa dòng máy bay thông thường với máy bay có cánh cố định, không đuôi, nó có thể cất cánh thẳng.
Máy bay không người lái của Google còn được biết là "máy bay đậu bằng đuôi" (tail sitter) vì khi đậu, cánh quạt của nó hướng thẳng lên trời nhưng khi bay thì cánh quạt chuyển sang nằm ngang.
Cơ chế hoạt động kép này cho phép máy bay không người lái của Google tận dụng được một số lợi ích của máy bay thông thường lẫn trực thăng.
Nó có thể cất cánh hay hạ cánh mà không cần đường băng, có thể giữ nguyên vị trí trong khi chao lượn tại một điểm. Nó cũng có thể bay nhanh và hiệu quả, cho phép tới được một khoảng cách xa hơn trực thăng 4 cánh quạt truyền thống được sử dụng vào mục đích thương mại hiện nay.
Máy bay của Google được lập trình sẵn điểm đến nhưng có có thể thoát khỏi lập trình này để tự bay tự động. Về điểm này, máy bay của Google khác với nhiều loại máy bay không người lái quân sự vốn thường được điều khiển từ xa bởi phi công tại mặt đất. Đôi khi, viên phi công này ở xa tận phía bên kia bán cầu trái đất.
Google đặt mục tiêu cuối cùng có thể ứng dụng máy bay không người lái của mình vào việc giao hàng tận nhà cho người tiêu dùng. Ứng dụng này cũng được hãng bán lẻ Amazon quan tâm nghiên cứu. Cuối năm ngoái, Amazon gây tiếng vang lớn khi giới thiệu dịch vụ giao hàng tận nhà bằng máy bay không người lái Prime Air. Công ty này đã đề nghị Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ cấp phép để thử nghiệm dịch vụ này ngoài trời.
Tố Uyên (Theo BBC)