Giúp đồng bào giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, các cấp, ngành huyện An Lão đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng “cầm tay, chỉ việc”, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trao “chìa khóa” thoát nghèo
Gia đình bà Đinh Thị Điếc (dân tộc H’re, ở thôn 1, xã An Hưng) thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2023, bà Điếc được UBND xã An Hưng hỗ trợ 3 con heo đen sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; được tạo điều kiện tham gia 3 tháng học nghề lớp nuôi lợn rừng, lợn nuôi thả do Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện.
Các học viên sau khi học nghề được Trung tâm GDNN-GDTX huyện giới thiệu làm việc may gia công quần, áo tại Công ty TNHH MTV SXTM An Sơn. Ảnh: D.Đ
Được hỗ trợ tốt, bà Điếc mạnh dạn vay vốn ưu đãi mua thêm hai con 2 heo giống Móng Cái để phát triển kinh tế. “Trước đây, tôi nuôi heo chủ yếu thả rông cho chúng tự kiếm ăn, nên heo thường bị bệnh, giảm số lượng heo. Sau khi học nghề, tôi được hướng dẫn xây dựng chuồng trại, cho heo ăn thức ăn có sẵn, cách phát hiện sớm dấu hiệu của các loại bệnh để điều trị hiệu quả. Nhờ vậy, đàn heo của gia đình đang phát triển tốt”, bà Điếc cho biết.
Năm 2023, chị Đinh Thị Sương (dân tộc H’re, ở thôn 2, xã An Dũng) cùng 34 lao động nông thôn khác ở thôn tham gia lớp dạy nghề may công nghiệp do Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Sau 3 tháng học và được cấp chứng chỉ, chị Sương và một số học viên còn được Trung tâm giới thiệu vào xưởng may gia công quần, áo của Công ty TNHH MTV SXTM An Sơn làm việc.
Chị Sương cho hay: “Làm việc tại xưởng may gần 1 năm, tôi có nguồn thu nhập ổn, với mức lương 5 - 7 triệu đồng/tháng, ổn định hơn so với làm nông nghiệp, nhất là không phải xa nhà”.
Theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện An Lão Nguyễn Tấn Tỉnh, học viên các lớp đào tạo nghề đều học tập đầy đủ, luôn chú ý đến các kỹ thuật cơ bản trong các môn học. Riêng các lớp dạy nghề may, chăn nuôi được giáo viên dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, kết hợp lý thuyết và thực hành nên học viên nhanh hiểu để áp dụng kiến thức vào thực tế.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, giai đoạn 2021 - 2023, thực hiện Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), toàn huyện An Lão đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.460 lao động nông thôn, với gần 40 lớp thuộc nhiều ngành, nghề đào tạo khác nhau. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80%, với thu nhập trung bình 4 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn khảo sát nhu cầu học nghề của lao động để mở lớp, lồng ghép việc thực hiện các dự án để nâng cao số lượng lao động trên địa bàn được đào tạo nghề. Như thông qua triển khai Dự án 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế sẽ được kết hợp hỗ trợ đào tạo nghề theo Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Ông Đinh Văn Phiên, Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện đã tổ chức 3 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 105 học viên. “Tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân có điều kiện nâng cao tay nghề trong kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập. Công tác đào tạo nghề là một trong những tiêu chí góp phần giảm nghèo, giúp xã sớm đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới”, ông Phiên khẳng định
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, thời gian tới UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện đổi mới giáo trình và phương thức đào tạo nghề; tăng cường vận động người dân học nghề. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, số lượng cần tuyển đối với các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, nhằm chủ động trong công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu của DN. Chú trọng đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình phù hợp với đặc thù của người dân tộc thiểu số.
DUY ĐĂNG