Người bác sĩ đi “nối” giấc mơ tìm con
Với sự hỗ trợ của kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã tìm thấy niềm hạnh phúc được làm cha làm mẹ, song bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến - Phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản (BVÐK tỉnh) - nói rằng đó cũng là niềm vui vô bờ bến của các y, bác sĩ.
Bác sĩ Tiến là “ông đỡ” nhiều em bé IVF. Ảnh: NVCC
Được Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật, cuối tháng 12.2019, BVĐK tỉnh đón em bé đầu tiên chào đời từ thụ tinh ống nghiệm (IVF). Ngày 7.2.2021 mở ra bước ngoặt khi BVĐK tỉnh được Bộ Y tế cấp chứng nhận thực hiện độc lập IVF, là 1 trong 3 bệnh viện ở miền Trung - Tây Nguyên triển khai kỹ thuật này.
Cảm ơn bác sĩ đã đưa con đến…
Cuộc hội ngộ ngay tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của “ông đỡ” Nguyễn Hữu Tiến và vợ chồng anh Huỳnh Đức Hồng (SN 1978) - chị Đặng Thị Hoàng Yến (SN 1981) tại một căn hộ chung cư ở TP Quy Nhơn rộn tiếng cười của cô con gái 4 tuổi. “Ngày 10.1.2021, tôi bật khóc và tin giấc mơ có thật khi ôm vào lòng con gái 3,1 kg mới ra khỏi phòng mổ. Cảm ơn bác sĩ đã đưa con đến với vợ chồng tôi!”, anh Hồng cười mãn nguyện.
Cuộc gặp dịp Tết 2024 của bác sĩ Tiến (phải) và vợ chồng anh Hồng cùng con gái. Ảnh: NVCC
● Vợ chồng anh Hồng là ca hiếm muộn đặc biệt, nhưng năm mới nhắc chuyện cũ, thời điểm đó chính bác sĩ Tiến muốn từ chối điều trị?
- Đúng là có chuyện đó (cười). Ngay sau khi Bệnh viện Từ Dũ hoàn thành chuyển giao kỹ thuật IVF cho BVĐK tỉnh, vợ chồng anh Hồng tìm đến bệnh viện đăng ký làm IVF. Bấy giờ, chồng đã 42 tuổi, còn vợ thì 39. Tiếp cận hồ sơ anh chị, tôi giật mình bởi dày đặc, đầy đủ xét nghiệm, điều trị ở nhiều bệnh viện lớn. Thậm chí, còn dùng rất nhiều thuốc đông y cả năm trời trước khi vào BVĐK tỉnh. Nói thật, thời điểm đó chúng tôi chưa có kinh nghiệm điều trị ca hiếm muộn khó thế này.
Một khởi đầu thuận lợi, hy vọng có 2 - 3 phôi để chuyển cho chị Yến nhưng bất ngờ là được đến 6 phôi chất lượng tốt, khá.
Sáng ngày thứ 12 sau chuyển phôi, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe chị Yến. Chị bảo: “Em thấy bình thường anh à, không thấy mệt hay có gì khác”. Chợt nghĩ, thôi tiêu rồi. Bao nhiêu nỗ lực, hy vọng rơi vào vô vọng. Đến 12 giờ trưa, chị gọi cho tôi run run báo tin vui: “Em đậu rồi bác ơi!”. Nhìn kết quả beta HCG cao vút (540 đơn vị), chúng tôi mừng còn hơn bệnh nhân.
● Bác sĩ có nhớ đã bật lên bao tiếng reo vui như thế?
- Khoảng 50 - 60 cặp vợ chồng hiếm muộn đã có thai nhờ IVF. Cũng phải nói rõ, chưa hẳn khả năng điều trị ca khó thành công của chúng tôi vượt các trung tâm điều trị hiếm muộn khác, chẳng qua chúng tôi may mắn hơn, có duyên điều trị “mát tay” hơn.
Không những mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng muộn con, đứa trẻ còn giúp nhiều cuộc hôn nhân tránh được nguy cơ đổ vỡ. Niềm vui được làm cha, làm mẹ của vợ chồng hiếm muộn thiêng liêng lắm. Bởi thế, mỗi thành công là một tiếng reo vui cùng xúc cảm khó tả. Có tiếng reo vui âm thầm với ca điều trị thuận lợi, có tiếng vỡ òa cùng giọt nước mắt bởi thành công ca rất khó. Đến giờ, tôi trở thành “cha đỡ đầu” của nhiều bé, thôi nôi, sinh nhật các con đều được mời như người trong nhà chứ không còn khoảng cách bệnh nhân và bác sĩ.
Bệnh nhân càng trẻ, cơ hội thành công càng cao
“Một đồng nghiệp cũng là bệnh nhân điều trị hiếm muộn có dự trữ buồng trứng thấp, kích trứng lên chỉ vài ba trứng, lại không đều. Ngày chọc hút trứng chỉ lấy được 2 trứng và tạo được duy nhất 1 phôi. Cả ê-kíp thừ người với ý nghĩ: Chuyển phôi thì cứ chuyển thôi, không hy vọng gì. Ngày thứ 14 sau chuyển phôi, nhận kết quả beta cao vút. Một kết quả khó tin, như có phép màu!”, bác sĩ Tiến thốt lên khi nói về ca IVF thành công ngoài mong đợi.
Bác sĩ Tiến và ê-kíp trong ca mổ đẻ đón em bé IVF chào đời. Ảnh: NVCC
● Đây không phải là ca điều trị hiếm muộn hiếm hoi mà bác sĩ phải “nín thở” chờ kết quả?
- Khi làm những ca khó như thế này, tôi đã xác định “Que sera sera” (cái gì đến sẽ tự đến, mình cứ làm hết sức). Ca bệnh này là đồng nghiệp nên ê-kip càng thấy lòng trĩu nặng khi chuyển phôi lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, mà khả năng chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên rất khó xảy ra. Lúc nhận kết quả xét nghiệm beta HCG, tôi mới thở phào, gửi tin chúc mừng chị. Chị còn hỏi lại: “Ủa, vậy là có thai rồi hả anh?”. Tôi trả lời: “Chứ còn gì nữa!” và thả cái icon mặt cười. Lúc đó chị mới tin mình đã thành công, gọi điện thoại cho chúng tôi mà khóc vì quá hạnh phúc.
Nhưng cũng không hiếm ca điều trị rất “nghiệt” trên bệnh nhân hiếm muộn lớn tuổi. Thường, những trường hợp này đi kèm dự trữ buồng trứng thấp, số lượng và chất lượng trứng đều giảm nên kết quả tạo ra phôi tốt để chuyển thành công rất khó. Mới đây, chúng tôi điều trị thành công ngay lần đầu cho vợ chồng ở huyện Tây Sơn (vợ 40 tuổi, chồng 51 tuổi) với dự trữ buồng trứng giảm chỉ còn một nửa. Hiện, người vợ mang thai ở tuần 25.
Tôi rất tiếc khi chỉ số dự trữ buồng trứng ở nhiều bệnh nhân hiếm muộn lớn tuổi bị giảm sút nghiêm trọng, chỉ còn một nửa hay một phần ba, điều trị rất gian nan. Vì thế, khi dự định sinh con, sau 6 tháng không thấy “tin vui” thì nên gặp bác sĩ tìm nguyên nhân, điều trị. Tuổi người vợ còn trẻ thì cơ hội điều trị thành công càng cao.
● Nghĩa là, không phải trường hợp hiếm muộn nào làm IVF cũng thành công?
- Thất bại khá nhiều. Thông thường 50 - 60% ca chuyển phôi lần 2, lần 3 thành công, số ít chuyển phôi đến 4 - 5 lần vẫn thất bại. Hiện, tỷ lệ thành công của IVF đạt 50%, các trung tâm lớn điều trị tốt hơn khoảng 50 - 55%.
Gỡ áp lực cho người hiếm muộn
Hồi làm Phó trưởng Khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh), tiếp xúc hằng ngày với bệnh nhân, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến rất ưu tư khi nhận thấy nhiều người hiếm muộn phải đi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế để điều trị, tốn kém thời gian, tiền bạc. Rất may sau đó các thầy thuốc được lãnh đạo UBND tỉnh hậu thuẫn, đặc biệt Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã chỉ đạo cho BVĐK tỉnh thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản để điều trị hiếm muộn.
Nay Khoa Hỗ trợ sinh sản có 4 bác sĩ và 7 kỹ thuật viên, nữ hộ sinh; mỗi ngày khám, điều trị 10 - 15 ca hiếm muộn trong tỉnh và các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi. Chi phí điều trị tại tỉnh chỉ tầm 50 - 60 triệu đồng, trong khi con số đó ở các bệnh viện lớn gấp 3 - 4 lần.
● Hiếm muộn ngày càng phổ biến, nhưng vẫn bị nhìn nhận bằng quan niệm cũ rằng lỗi ở người vợ…
- Đâu chỉ người lớn tuổi có quan niệm khá nặng nề, không ít người trẻ vẫn còn suy nghĩ “cây độc không trái, gái độc không con”, rằng hiếm muộn hay không con là chuyện của bà vợ chứ chẳng phải do ông chồng. Quan niệm lạc hậu đó khiến việc điều trị hiếm muộn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh nguyên nhân chậm con đều do cả vợ lẫn chồng. Một số ít không tìm thấy nguyên nhân (vợ và chồng đều bình thường), vẫn phải điều trị để mau chóng có con chứ không nên dùng thuốc đông y vừa mất thời gian vừa không mang lại hiệu quả.
● 6 năm có thể chưa đủ dài cho một kỹ thuật mới, bác sĩ còn có trăn trở gì trong điều trị IVF?
- Hiện IVF là kỹ thuật mới nhất điều trị hiếm muộn vô sinh, nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm trong hành trình sắp tới. Đó là thành lập ngân hàng phôi, ngân hàng tinh trùng; sàng lọc phôi bất thường trước khi chuyển phôi vào buồng tử cung; điều trị phẫu thuật và vi phẫu thuật cho trường hợp không có tinh trùng.
● Cảm ơn bác sĩ!
MAI HOÀNG (Thực hiện)