Cần mẫn xuyên Tết
Thay vì nghỉ ngơi, nhiều phụ nữ vẫn miệt mài, cần mẫn bên gánh hàng rong lao động xuyên Tết để có thêm thu nhập, lo cho gia đình.
Cầu mong năm mới thuận lợi
Dù thời tiết không thuận lợi nhưng từ tờ mờ sáng mùng 1, tại khu vực tổ chức Lễ hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), nhiều bà, nhiều chị đã chuẩn bị sẵn sàng những sản vật tươi ngon của địa phương bán cho du khách. Người bán hy vọng trao may mắn cho người mua và cầu mong một năm bình an, sung túc.
Chị Trương Thị Mỹ Kiều bán rau muống ở Lễ hội Chợ Gò vào mùng 1 Tết. Ảnh: T.K
Gia đình chị Trương Thị Mỹ Kiều (41 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) mưu sinh bằng nghề trồng, bán rau. Ngày đầu tiên của năm mới, chị tham gia phiên chợ để cầu một năm mua may bán đắt.
“Mọi người hỏi tôi vì sao Tết không nghỉ ngơi mà buôn bán chi cho vất vả, đặc biệt là khi thời tiết không thuận lợi như năm nay; nhưng tôi lại thích nhìn ngắm mọi người trong trang phục đẹp tham dự lễ hội. Hơn nữa, trồng và bán rau là công việc ngày thường của tôi. Điểm đặc biệt ở phiên chợ này là mọi người không chỉ mua bán mà còn chúc nhau những lời tốt đẹp, tôi rất thích điều đó”, chị Kiều cho biết.
Cần mẫn xuyên suốt những ngày Tết, chị Hồ Thị Thúy Ngân (47 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) cho rằng việc đi làm ngày Tết nhằm cầu mong năm mới công việc cũng như cuộc sống có nhiều thuận lợi. Ngày thường chị Ngân bán kem ở khu vực gần trường học; những ngày lễ, tết, chị bán ở các điểm vui chơi. Năm nay, chị bán hàng đến 24 tháng Chạp. “Các cháu bắt đầu nghỉ Tết cũng là lúc tôi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đến mùng 1, mùng 2 Tết, tôi tiếp tục bán kem ở Lễ hội Chợ Gò. Mùng 3, tôi bắt đầu bán ở Thiền viện Thiên Hưng (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn). Mùng 6, khi học sinh trở lại trường, tôi tiếp tục công việc thường ngày. Hy vọng năm mới tôi vẫn được mọi người và các cháu học sinh ủng hộ, công việc được suôn sẻ”, chị Ngân hy vọng.
Vui vì có cơ hội mưu sinh
Quầy hàng nước nhỏ của chị Lê Thị Ngọc Ái (37 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) ở Thiền viện Thiên Hưng có khá đông khách. Đây là niềm vui của chị những ngày này. Ngày thường, chị Ái làm dịch vụ dọn nhà theo yêu cầu, đồng thời chị còn có quầy bán trà tắc ở gần UBND phường Nhơn Hưng.
Quầy nước của chị Lê Thị Ngọc Ái có khá đông khách. Ảnh: T.K
Chị Ái cho biết: “Khách đi lễ chùa rất đông, những lúc thời tiết nắng nóng càng có nhiều người mua nước uống. Trong thời buổi nhiều người không có việc làm, tôi có thể làm việc kiếm thêm thu nhập từ đầu năm là may lắm rồi”.
Tại khu vực Chùa Bà (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (52 tuổi, sống tại địa phương) vẫn miệt mài bán nước mía cho khách viếng chùa. Theo chị Thủy, dù chưa đến ngày diễn ra Lễ hội Đô thị Nước Mặn nhưng đã có khá đông khách đến lễ chùa. So với việc làm phụ hồ ở công trường của chị vào ngày thường, bán nước đỡ vất vả hơn. Do vậy, chị vẫn tranh thủ kiếm thêm thu nhập ngay trong những ngày Tết.
Dù miệt mài, cần mẫn trong những ngày nhiều người chọn nghỉ ngơi, nhưng các chị vẫn chu toàn cho gia đình. Chị Thủy cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 con đã lớn nên việc dọn dẹp nhà cửa giao cho các con. Trước Tết, tôi cũng đã trang hoàng nhà cửa và mua những vật dụng, thức ăn cần thiết để dùng và tiếp khách vào những ngày Tết. Vì hàng nước ở gần nhà nên việc nấu cúng, tiếp khách với tôi vẫn không bị ảnh hưởng lắm”.
THẢO KHUY