Có một lời giới thiệu xứ Nẫu
*Tạp bút của THANH THẢO
Còn nhớ, lúc sắp về hưu, Hà - một “người em xã hội” nhân lúc đến Quảng Ngãi công tác mời tôi về quê em dự lễ giỗ mẹ em. Hà tha thiết nhưng rất ngắn gọn, “em mời anh về Hoài Ân dự giỗ mẹ em. Sẽ có xe đón anh vào”.
Tôi vui vẻ nhận lời. Thực ra, tôi cũng chưa có dịp nào lên Hoài Ân, dù đã ở Quy Nhơn tới 10 năm. Đám giỗ rất đông và vui, tôi có dịp được gặp lại nhiều bạn bè, chiến hữu đã nhiều năm không gặp. Nhưng đó chưa phải là điều tôi muốn kể ra ở đây.
Do có việc đột xuất nên giỗ chưa tan cuộc tôi đã phải về lại Quảng Ngãi. Đường về áy náy tôi hỏi chú em lái xe: “Em đã ăn giỗ chưa?”. Chú em lái xe cười cười, lễ phép thưa: Em cũng chưa kịp ăn, nhưng chẳng hề gì, lính xế tụi em ăn lúc nào cũng được, trễ muộn không thành vấn đề. Anh em mình ghé Tam Quan, em mời anh ăn món này lạ miệng lắm!”. Tôi hỏi món ăn gì mà lạ, em nói: “ Đây là món cháo bột mì, bột củ mì tươi ấy mà. Đơn giản mà ngon lắm. À, cũng nhiều người gọi là bột mì phấy anh ạ!”.
Tôi hơi ngạc nhiên vì củ mì thì chẳng lạ gì, nhưng cháo bột mì, bột mì phấy thì chưa ăn bao giờ, dù có nghe loáng thoáng.
Tới Tam Quan, chú em lái xe ghé vào một ngôi nhà quen ngay bên đường. Không phải hàng quán. Vào nhà mới biết, đây là một cơ sở sản xuất bột mì nhứt lớn; sản phẩm của cơ sở phân phối dọc miền Trung, từ Hoài Nhơn ra tuốt ngoài Huế; đặc biệt là Huế - thị trường tiêu thụ bột mì nhứt lớn nhất, chủ yếu để làm món bánh canh Huế trứ danh. Tôi nghe kể mà ngẩn ngơ vì quá thú vị.
Chỉ sau 15 phút gia chủ đã bưng lên một tô bột mì tươi đã khuấy chín như kiểu ta khuấy bột cho trẻ con ăn. Gọi là bột mì phấy có lẽ từ động tác này và phát âm theo khẩu âm địa phương. Mời hai chúng tôi “ăn lấy thảo” món ăn cực giản dị, gia chủ nói, nhiều người ăn món này lại thấy khoái khẩu bất ngờ.
Tôi và chú em lái xe chậm rãi ăn món ăn có lẽ dành cho… trẻ con và đúng là thấy khá lạ miệng. Đã từng đi nhiều nơi trong nước, lên Hà Giang thì ăn mèng méng, một loại cháo làm từ bột ngô nương rẫy, còn tới nhiều địa phương khác thì ăn cháo vịt, một món quá quen thuộc. Về Huế thì ăn bánh canh cá lóc Thủy Dương, rất ngon mà lúc ăn chưa biết bột mì tươi làm bánh canh lấy nguồn từ Tam Quan. Nhưng bột mì phấy còn giản dị hơn tất cả mọi món tôi đã từng thưởng thức.
Lâu nay chỉ biết Tam Quan là xứ dừa, nổi tiếng với các các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các loại bánh kẹo, dầu dừa, bánh tráng nước dừa, kế đến là nghề làm nước mắm. Nào có biết xứ này còn nghề làm bột mì nhứt và món bột mì phấy giản dị mà vừa miệng đến vậy. Món bột mì phấy ấy khi ăn kèm với bánh tráng nước dừa nướng thì ôi thôi…, cứ như một cuộc trình diễn sản vật Tam Quan. Thật vậy, chấm một đũa bột mì phấy vào chén mắm ớt mặn mòi xứ này, tôi tận hưởng độ dẻo thơm của bột mì nhứt - thứ bột mì tươi có lẽ ngon nhất đến giờ tôi được biết; làn hương quyến rũ của bánh tráng nước dừa nướng thơm thơm, nhấm nháp chút xíu cùi dừa béo béo và ngắm nghía màu vàng khoai lang, màu trắng ngà của củ mì hấp hứa hẹn bùi bùi. Cuộc trình diễn như một lời giới thiệu ngắn gọn mà hàm súc về xứ Nẫu - củ mì. Tôi chợt ngộ ra một lẽ, người Bình Định vốn chắc thiệt giản dị và có lẽ không có gì biểu hiện tố chất này bằng món bột mì phấy.
Vừa ăn vừa chuyện trò với gia chủ, mới biết thu nhập từ nghề sản xuất bột củ mì tươi này rất ổn. Cũng dễ hiểu thôi, cả miền Trung đều có món bánh canh, và hàng ngày đều đặn tiêu thụ khá lớn lượng bột mì tươi này. Và đến giờ vẫn chưa có thứ bột mì tươi nào ngon hơn sản phẩm có xuất xứ từ Tam Quan.
Sau lần đó, cứ mỗi lần có việc vào Bình Định, lúc về bao giờ tôi cũng tạt vào Tam Quan mua nước mắm ngon, bánh tráng nước dừa và bột mì tươi. Tôi đã nhận được rất nhiều tán thưởng khi tự mình làm một số cuộc trình diễn, giới thiệu bột mì phấy với bạn bè thân mến ở Quảng Ngãi. Tôi gọi đây là một lời giới thiệu giàu hồn cốt xứ sở củ mì, và mọi người thống nhất nó đáng được tôn vinh nhiều hơn.
Tỉnh Bình Định và trước tiên là thị xã Hoài Nhơn có lẽ nên quy hoạch, thiết kế sao đó để cuộc trình diễn kể trên có chỗ đứng xứng đáng hơn trên sân chơi ẩm thực.