“Thượng chòi” vui hội ngày xuân
“Vô đây mời bạn vô đây/Đầu năm bạn đến nơi này cầu may… Vui xuân với hội bài chòi/Nói lên bản sắc quê tôi đậm đà…”, những lời hô mời chào của các hiệu cất lên tại hội đánh bài chòi dân gian được tổ chức khắp nơi, thu hút công chúng mộ điệu “thượng chòi” vui hội ngày xuân.
Năm nay, lần đầu tiên Sở VH&TT tổ chức Liên hoan các CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định để mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, hưởng ứng kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) và tạo sân chơi cho các nghệ nhân bài chòi trổ tài.
Ngân vang làn điệu bài chòi
Sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024, không gian tại Hội đánh bài chòi dân gian Chợ Gò do Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức tại Hội xuân Chợ Gò (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) trở nên rộn rã. Dù thời tiết ngày đầu năm khá lạnh, kèm theo những cơn mưa bất chợt, nhưng hội bài chòi vẫn “nóng”, thu hút rất đông người chơi, người xem.
Trẩy hội xuân Chợ Gò, “thượng chòi” đầu năm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian huyện Tuy Phước, tươi cười cho biết: “Những năm trước tại Hội xuân Chợ Gò thường diễn ra Liên hoan CLB bài chòi các xã, thị trấn trong huyện, việc diễn xướng mỗi năm một thêm phong phú và đa dạng. Năm nay cùng với Hội xuân Chợ Gò, CLB bài chòi huyện còn tổ chức biểu diễn tại Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) để phục vụ nhân dân, du khách”.
Cùng gia đình “thượng chòi” đầu năm tại Chợ Gò, tay cầm mõ say sưa gõ nhịp hòa theo làn điệu các hiệu hô thai, anh Ngô Văn Châu, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), vui vẻ cho biết: “Tôi rất mộ bài chòi, hát bội. Năm nào gia đình cũng trẩy hội Chợ Gò và ghé đến chơi bài chòi. Tôi rất tự hào vì quê hương Bình Định có nhiều di sản văn hóa mang nét độc đáo riêng. Tôi cũng như nhiều người chơi khác “thượng chòi” còn lì xì thưởng cho các hiệu đang hô để họ vui, hăng hái phục vụ bà con”.
Hơn 10 năm qua, mỗi dịp tết đến xuân về, tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), hội bài chòi đều đặn được tổ chức để phục vụ nhân dân, du khách đón năm mới. Ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng đội bài chòi xã Nhơn Hải, tâm tình: “Hội bài chòi ngày Tết đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Dù tổ chức ngoài bãi biển từ ngày mùng 1 - 3 Tết thời tiết rất lạnh, song người chơi vẫn đông khiến chúng phấn chấn phục vụ hết mình mang niềm vui đến cho bà con”.
Dù tổ chức ở bãi biển trong điều kiện thời tiết khá lạnh, nhưng Hội bài chòi ở xã bán đảo Nhơn Hải thu hút rất đông người chơi. Ảnh: N.NHUẬN
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, thành phố duy trì Hội đánh bài chòi dân gian vào dịp Tết tại khu vực gần Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Cùng với đó, thành phố còn tổ chức Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian xuân Giáp Thìn 2024 với sự tham gia của 9 đội bài chòi đến từ các phường, xã của thành phố, tranh tài vào tối mùng 6 Tết.
Tiếng hô bài chòi cũng rộn ràng tại nhiều địa phương khác, như: An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn... NNƯT Lý Thành Long, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian TX Hoài Nhơn, chia sẻ: “Hội đánh bài chòi dân gian TX Hoài Nhơn tổ chức tại Quảng trường Trung tâm thị xã từ mùng 2 - 5 Tết. Chúng tôi rất vui vì di sản bài chòi lan tỏa sức sống trong lòng công chúng, hội bài chòi năm nay thu hút rất đông giới trẻ mộ điệu “thượng chòi” vui hội. 18 hiệu đến từ các phường, xã của thị xã luân phiên phục vụ nhân dân, du khách vui hội bài chòi trong những ngày Tết”.
Hội bài chòi TX Hoài Nhơn tổ chức từ mùng 2 - 5 Tết. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Thêm sức sống cho di sản bài chòi
Đông vui, náo nhiệt, thu hút nhiều người mộ điệu nhất có lẽ là Hội đánh bài chòi dân gian tại Bảo tàng Quang Trung tổ chức từ mùng 4 - 6 Tết. Ngoài những gương mặt thân quen trong làng bài chòi, như: Nghệ nhân nhân dân Minh Đức, NNƯT Nguyễn Phú, gia đình NNƯT Trần Hữu Phước, năm nay còn có sự xuất hiện của những hiệu trẻ.
Kết quả Liên hoan các CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định
Giải nhất: CLB Bài chòi TX An Nhơn.
Giải nhì: CLB Bài chòi TP Quy Nhơn, CLB Bài chòi huyện Phù Cát.
Giải ba: CLB Bài chòi các huyện: Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.
Ngoài ra Ban tổ chức còn trao thưởng cho 12 hiệu của các đội trình diễn hay
Lần đầu tiên tham gia làm hiệu tại Hội bài chòi tại Bảo tàng Quang Trung, chị Trần Thị Như Thường, ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Tôi vốn là hướng dẫn viên du lịch tự do, nhưng mê bài chòi và tham gia các lớp tập huấn bài chòi trong năm 2023. Lần đầu tiên được hô bài chòi cùng các cô chú nghệ nhân lão luyện tôi thấy rất hạnh phúc, vì được góp sức trẻ để thực hành, quảng bá di sản bài chòi của quê hương mình”.
Tham quan Bảo tàng Quang Trung, ghé đến xem bài chòi, anh Nguyễn Hoàng Tùng, du khách đến từ TP Hà Nội, chia sẻ: “Gia đình tôi lần đầu tiên chọn Bình Định là điểm đến du xuân. Chúng tôi đến đây từ hôm mùng 1 Tết và thấy không khí đón năm mới ở Bình Định rất vui. Dù không hiểu lắm về bài chòi, nhưng tôi biết Bình Định có nhiều di sản rất độc đáo với võ cổ truyền, hát bội, bài chòi… Ấn tượng nhất với gia đình tôi là người dân Bình Định rất thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách”.
Bên cạnh tổ chức hội bài chòi phục vụ công chúng tại Bảo tàng Quang Trung, năm nay Sở VH&TT còn tổ chức Liên hoan các CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định, thu hút 6 địa phương tham gia, gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, góp thêm sắc xuân phục vụ du khách trẩy hội. Không chỉ xem bài chòi, cụ Trần Văn Xuân, ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), tỏ ra rất tâm đắc cho biết: “Các đội bài chòi thi diễn xướng biểu diễn rất hay. Tôi thích nhất đội Phù Cát diễn rất dí dỏm, câu thai mới sáng tác hay, không chỉ hô thai, còn diễn bài chòi lớp, bài chòi kể chuyện, kèm lời chúc kết thúc hội chơi quá ý nghĩa, nên tôi thưởng chút ít cho các nghệ nhân để động viên tinh thần họ”.
***
Điều khiến những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như bài chòi trở nên giàu ý nghĩa, được đánh giá cao là ở đời sống thực tế của chúng. Nói cách khác, chúng có đời sống thật sự trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Với những hoạt động sôi nổi như trên, có thể khẳng định rằng cùng với các tỉnh Trung bộ khác, Bình Định đã rất thành công khi tăng thêm hơi thở cuộc sống hiện đại cho bài chòi dân gian.
“Sở VH&TT sẽ duy trì tổ chức Liên hoan CLB bài chòi dân gian tỉnh Bình Định vào dịp Tết hằng năm để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian của Bình Định nói riêng, bài chòi Trung bộ của Việt Nam được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong năm nay, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh tổng kết và ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian cho giai đoạn tiếp theo với những chính sách hỗ trợ nghệ nhân trao truyền, thực hành di sản bài chòi…” - Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Văn Lợi
ĐOÀN NGỌC NHUẬN