Tăng giá dịch vụ ăn uống trong dịp lễ, tết: Cần rõ ràng, đúng quy định
Trong dịp tết Nguyên đán, phần lớn các nhà hàng, quán ăn uống tăng giá bắt đầu từ 28 - 29 tháng Chạp đến mùng 6 - 7 tháng Giêng. Mức phụ thu dịp Tết thường tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/món ăn, uống, hoặc tăng 30% trên hóa đơn thanh toán so với ngày thường.
Đêm 30 Tết, nhiều xe đẩy bán đồ ăn vặt di động tập trung ở khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) phục vụ đông đảo người dân và du khách, đã tăng giá các món ăn, uống gần gấp đôi, nhưng không có thông báo trước, niêm yết giá rõ ràng.
Quán bánh mì Tân Gia Lợi (TP Quy Nhơn) niêm yết rõ ràng giá bán 20.000 đồng/ổ bánh mì (tăng 5.000 đồng/ổ so với ngày thường) từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng. Ảnh: H.THU
Đầu năm mới Giáp Thìn 2024, theo anh Nguyễn Bảo Hoàng, một người dân ở TP Quy Nhơn cùng gia đình, bạn bè đi chơi Lễ hội Chợ Gò (huyện Tuy Phước), dù biết người bán chịu khó phục vụ khách sáng mùng 1 Tết, giá nguyên liệu, chi phí phục vụ tăng cao, nhưng trước tiên điều cần phải rõ ràng là giá bán, dịch vụ.
“Tại khu vực Chợ Gò, tôi không hài lòng khi ăn sáng tại một quán bún dựng lều tạm bợ dịp lễ hội đầu năm. Quán này bán giá 50.000 đồng/tô bún bò chỉ có ít thịt, điều đáng tiếc là chủ quán không công khai giá cho khách biết. Khi tôi hỏi thì người bán có vẻ khó chịu, trả lời cộc lốc “giá Tết”...”, anh Hoàng than phiền.
Mùng 7 Tết, chúng tôi ghé một quán bánh xèo ở TX Hoài Nhơn, ăn xong khi tính tiền, hỏi chuyện người bán về phụ thu dịp Tết, mới được biết do giá một số nguyên liệu tăng cao gần gấp đôi so với ngày thường, nên quán tăng giá khoảng 2.000 đồng/bánh so với ngày thường cho đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng...
Theo ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nếu không niêm yết giá, hoặc niêm yết giá không rõ ràng (kể cả tính phụ thu) theo các hình thức để khách dễ thấy, biết trước, hoặc bán không đúng với giá đã niêm yết thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
“Tính đến trưa mùng 8 tháng Giêng, các đội quản lý thị trường ở các địa phương trong tỉnh chưa tiếp nhận được phản ánh nào liên quan đến tăng giá cao tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Thời gian tới, nhất là vào dịp lễ hội, sự kiện, thu hút đông du khách tại tỉnh, nếu có trường hợp nào phản ánh thì chúng tôi sẽ nhanh chóng phối hợp xác minh, xử lý nghiêm nếu sai quy định. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ chủ động giám sát vấn đề này”, ông Tiến khẳng định.
Trong dịp tết Giáp Thìn, qua theo dõi của chúng tôi, chưa có trường hợp nào bị “bêu” trên mạng xã hội bởi khách nhận thấy tuy nhiều nhà hàng, quán ăn bán với giá tăng cao nhưng phần đông đã có hình thức thông báo rõ ràng trước về việc sẽ tăng giá trong dịp Tết, đồng thời có niêm yết giá.
Tuy nhiên, trước việc vẫn còn nhiều người cho rằng việc tăng giá cao so với bình thường như vậy ở một số món ăn uống là chưa hợp lý, nhiều chủ quán cho rằng “cũng cần nói lại” để khách hiểu và thông cảm hơn.
Theo một chủ quán bún ở Quy Nhơn, để phục vụ khách đến tối giao thừa, bà phải trả tiền công cho nhân viên gấp 5 lần so với ngày thường. Đó là chưa kể giá nguyên liệu tăng cao, ngày thường bắp chuối chỉ 20.000 đồng/kg nhưng dịp Tết tăng gấp 3 lần- lên 60.000 đồng/kg, ốc bươu 70.000 đồng/kg tăng lên 150 nghìn đồng/kg nhưng vẫn chỉ mua được số lượng ít để bán...
“Tôi nghĩ như thế cũng hợp tình hợp lý thôi! Ngày Tết mọi người mặc đồ đẹp đi chơi, còn người ta phải cặm cụi làm việc để có bán cho mình. Tôi không thể chê đắt nếu muốn bán hàng trong Tết. Giá nguyên liệu tăng cao, tiền lương cho người phục vụ tăng thì tôi cũng phải tăng giá. Quán của tôi phụ thu thêm 5.000 đồng/tô, có thông báo, niêm yết rõ ràng để khách hàng biết trước khi gọi món. Và chưa thấy ai phàn nàn gì!”, chủ quán này cho biết.
Tuy nhiên, ở một quan điểm khác, một số quán ăn uống ở Quy Nhơn, An Lão, Hoài Nhơn… vẫn bán với giá như ngày thường, bởi chủ quán cho biết chủ yếu là người trong gia đình tự phục vụ khách nên giảm tiền thuê nhân viên, quán chủ động dự trữ nguyên liệu nhiều hơn, khách mua hàng chủ yếu là khách quen nên không thể phụ thu. Hơn nữa, theo một số chủ quán, họ coi đây như một dịp vừa quảng cáo dịch vụ, vừa tri ân khách hàng.
Theo anh Võ Anh Tuấn, chủ quán cà phê Maika KeFa & Homestay (TP Quy Nhơn), quán mở cửa bán từ mùng 1 Tết, ngoài khách quen cũng có nhiều khách vãng lai. Nhưng dù là khách nào thì quán vẫn không tính phụ thu so với ngày thường.
“Thực ra, ngày Tết có phụ thu thì cũng không có lời nhiều. Trong khi đó, tìm nhân viên phục vụ dịp này rất khó dù trả tiền công tăng gấp 3 lần ngày thường; chưa kể cả mấy ngày Tết chủ cũng phải bù đầu phục vụ khách. Như vậy, thà đóng cửa quán đi chơi ngày Tết còn sướng hơn. Nhưng tôi lại nghĩ, ít lời hơn một chút để phục vụ khách dịp Tết với giá ngày thường là một cách đền đáp lại sự ủng hộ của khách quen trong năm... Và quả thật mấy ngày Tết khi thấy khách ngạc nhiên, vui vẻ, tôi rất phấn khởi!”, anh Tuấn chia sẻ.
HOÀI THU