Công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải gắn với thực tiễn phong trào
(BĐ) - Công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải gắn với thực tiễn phong trào và là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Đoàn là yêu cầu chủ yếu đặt ra từ Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định đến năm 2027 do UBND tỉnh ban hành.
Bên cạnh đó, bồi dưỡng cán bộ Đoàn phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương, đơn vị, đặc biệt tập trung cho cán bộ Đoàn cơ sở ở những địa bàn điều kiện KT-XH khó khăn.
Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: 90% cán bộ Đoàn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; 80% cán bộ Đoàn chuyên trách, bán chuyên trách các cấp được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội, góp phần nâng cao năng lực và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. 100% cán bộ Đoàn chủ chốt từ cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng nâng cao năng lực, lãnh đạo quản lý, năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện...
Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng. Cụ thể, đổi mới, cập nhật nội dung chương trình bồi dưỡng; đảm bảo tính khoa học, liên thông và tính kế thừa giữa các chương trình; tránh tình trạng trùng lặp về nội dung kiến thức giữa các chương trình, các hệ bậc bồi dưỡng. Nội dung bồi dưỡng cần được điều chỉnh theo hướng tăng cường trang bị kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ Đoàn, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng; khuyến khích ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ tạo bài giảng; tăng cường tương tác giữa học viên và báo cáo viên.
H.NHÂN