Quyết liệt hơn trong xử lý lấn chiếm đất đai
Thống kê cho thấy, số lượng các trường hợp lấn chiếm đất đai trái phép bị phát hiện trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhưng tỷ lệ bị xử lý còn thấp.
Giữa tháng 1.2024, UBND TP Quy Nhơn tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ 4 công trình vi phạm về đất đai, xây dựng tại tổ 49, khu phố 5, phường Quang Trung. Đây là các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép liên quan đến cán bộ, đảng viên, gia đình đảng viên.
Hiện trường cưỡng chế, tháo dỡ trường hợp vi phạm về đất đai tại phường Quang Trung (TP Quy Nhơn). Ảnh: C.L
Theo UBND TP Quy Nhơn, năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thành phố phải xử lý 1.715/2.130 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn. Địa phương đã và đang rà soát đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng để có cơ sở xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, sẽ kiên quyết xử lý trước các trường hợp vi phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên để làm gương.
Đây cũng là một trong những biện pháp quyết liệt mà các địa phương khác trong tỉnh triển khai thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc lập lại trật tự trong quản lý đất đai. Bởi thực tế thời gian qua, số lượng các trường hợp lấn chiếm đất bị phát hiện trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp.
Theo thống kê của Sở TN&MT, đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 16.366 trường hợp lấn chiếm đất. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương trong tỉnh mới xử lý 4.925 trường hợp; còn 11.511 trường hợp chưa xử lý. Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ xử lý rất thấp, như TX Hoài Nhơn mới xử lý 227/2.466 trường hợp vi phạm, huyện Phù Cát xử lý 79/2.110 trường hợp, TX An Nhơn xử lý 50/1.759 trường hợp…
Đại diện lãnh đạo một số huyện, thị xã cho rằng, các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai tồn tại từ nhiều năm trước đây, việc lập hồ sơ xử lý cần chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả xử lý vi phạm về đất đai có tỷ lệ thấp, chưa đạt so với kế hoạch của tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, về nhân lực, nhất là lực lượng cán bộ cấp xã thực thi nhiệm vụ về đất đai còn mỏng. Ngoài cán bộ địa chính thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý lấn chiếm đất đai trên địa bàn cấp xã thì không còn lực lượng khác tham gia. Trong khi đó, cán bộ địa chính ngoài nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên về quản lý đất đai còn phải kiêm nhiệm một số công việc khác.
Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Dù còn gặp một số khó khăn, nhưng địa phương quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu xử lý 1.790/2.110 trường hợp lấn chiếm đất đai do UBND tỉnh giao trong năm 2024. UBND huyện Phù Cát đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập ban chỉ đạo cấp xã để thực hiện nhiệm vụ này. Các xã, thị trấn đã và đang tiến hành kiểm tra, thống kê số trường hợp vi phạm để có cơ sở xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Còn theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường xây dựng kế hoạch cụ thể trong xử lý lấn chiếm đất đai. Xác định chỉ tiêu từng xã, phường (phân định thời gian xử lý theo tháng, quý) trong xử lý lấn chiếm đất đai; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã nếu không đảm bảo chỉ tiêu. Mặt khác, yêu cầu các xã, phường xử lý lấn chiếm đất đai đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật.
Theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát quy định pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Qua đó, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tập trung xử lý các trường hợp tồn tại; đảm bảo chỉ tiêu xử lý 9.500 trường hợp lấn chiếm đất đai trong năm 2024. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay từ đầu các trường hợp lấn chiếm đất, không để phát sinh mới.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành TN&MT năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhìn nhận, các trường hợp lấn chiếm đất đai trong những năm trước đây chưa được các địa phương xử lý dứt điểm. Tại nhiều khu vực nhà nước quy hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông, phát triển hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.
Do đó, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm ngay từ đầu các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép. Không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất kéo dài nhưng chính quyền địa phương không xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận. Người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng tồn đọng và phát sinh lấn chiếm đất đai mà không xử lý.
CÔNG LUẬN