Ngăn chặn vi phạm về pháo nổ
Pháo nổ là mặt hàng cấm lưu thông, buôn bán, sử dụng. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết, các loại pháo hoa nổ lại được nhiều người tìm mua và sử dụng, gây nguy hiểm tính mạng, làm mất an ninh trật tự.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cái Tết buồn của anh L.H.H. (SN 1997, ở TX Hoài Nhơn). Anh phải đón Tết tại bệnh viện vì bị thương do đốt pháo. Cụ thể, khoảng 0 giờ 15 phút ngày 10.2 (mùng 1 Tết), anh H. mang pháo đặt mua trên mạng trước đó ra khu đất ruộng gần nhà để đốt chào năm mới. Trong quá trình đốt pháo, bàn tay trái của anh H. bị pháo nổ trúng gây thương tích. May mắn là gia đình đã kịp thời đưa anh H. đi cấp cứu, hiện vẫn còn điều trị vết thương. “Cứ tưởng khai xuân bằng màn pháo hoa lấy may, có ngờ đâu lại gây họa. Từ nay tôi xin chừa”, anh H. chia sẻ.
Trước đó, ngày 6.2, một cháu bé 12 tuổi ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cũng đã sử dụng pháo tự chế và bị thương ở vùng mặt, tay; đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).
Không chỉ bị thương tích do pháo gây ra, mà nhiều người còn bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị khởi tố, lãnh án tù vì liên quan đến pháo. Như trường hợp bị cáo Phạm Ngọc Linh (SN 1978, ở TP Quy Nhơn) vừa bị TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt mức án 1 năm tù giam về tội “Buôn bán hàng cấm” với tình tiết “buôn bán pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg”. Cụ thể, Linh mua 5 hộp pháo hoa nổ loại 49 viên/hộp, ngày 31.12.2023 trên đường mang pháo đi bán thì bị cơ quan CA phát hiện, bắt giữ.
Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Ngọc Linh được tổ chức lưu động tại UBND phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) vào ngày 5.2. Đây là vụ án điểm, được các cơ quan tố tụng TP Quy Nhơn điều tra, truy tố, xét xử nhanh. Ảnh: Viện KSND TP Quy Nhơn
Tại tòa, bị cáo Linh thừa nhận do không hiểu hết quy định pháp luật nên mới phạm tội. “Ý định của bị cáo là mua pháo hoa, nhưng vì không hiểu rõ nên đã mua hàng trôi nổi trên mạng là pháo nổ - loại bị nhà nước nghiêm cấm. Sau đó, cần tiền nên bị cáo bán lại cho người khác, bị cáo rất ân hận”, bị cáo Linh thừa nhận trước hội đồng xét xử.
Được biết, Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chỉ cho phép người dân được sử dụng pháo hoa là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ.
Đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), giải thích thêm: “Nghị định 137 cho phép người dân đốt pháo hoa, nhưng chỉ cho phép tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Nghị định hoàn toàn cấm cá nhân sử dụng pháo hoa nổ; nếu người dân cố tình sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Vì sự nguy hiểm do pháo hoa nổ gây ra mà thời gian qua lực lượng CA đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Tăng cường kiểm tra, rà soát, lên danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn phạm tội để có biện pháp quản lý, đấu tranh, ngăn chặn. Tổ chức công tác nắm tình hình địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ các hành vi vi phạm về pháo.
Theo đó, từ ngày 15.12.2023 đến nay, CA toàn tỉnh đã phát hiện 16 vụ liên quan đến pháo, thu giữ 106 kg pháo. Riêng trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán 2024, lực lượng CA đã xử lý 10 vụ/10 đối tượng sử dụng trái phép pháo nổ; vận động giao nộp 5 hộp pháo hoa nổ, 95 viên pháo nổ.
KIỀU ANH