Ngành Công Thương: Ðẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp
Sở Công Thương xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là “đòn bẩy” thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của ngành. Từ đó, tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Về hạ tầng số, đến nay, Sở Công Thương đã xây dựng lại hệ thống mạng LAN, nâng cấp các thiết bị công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ với hệ thống mạng chuyên dùng của tỉnh, đảm bảo kết nối các cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu trên môi trường mạng. Với dữ liệu số, đơn vị đã thực hiện cập nhật dữ liệu cho một số cơ sở dữ liệu ngành Công Thương, như: Môi trường ngành Công Thương, bản đồ số hàng Việt trên địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Định, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên trang thông tin điện tử VietLao.vn… Sở cũng áp dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh triển khai để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước (tiếp nhận, chuyển xử lý và ban hành văn bản điện tử; gửi liên thông văn bản đến các cơ quan đơn vị qua trục liên thông văn bản quốc gia; tiếp nhận hồ sơ điện tử trực tuyến, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, chuyển xử lý và trả kết quả kèm theo kết quả điện tử).
Công ty Điện lực Bình Định đã tích cực triển khai các hoạt động CĐS trong lĩnh vực năng lượng. Nhờ đó, năm 2023, toàn tỉnh có 16 trạm biến áp 110 kV được trang bị hệ thống công nghệ thu thập dữ liệu tự động và vận hành ở chế độ không người trực Ảnh: Điện lực Bình Định
Năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ 5 DN, HTX, cơ sở sản xuất đủ điều kiện, có sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP tham gia, phát triển qua sàn thương mại điện tử Shopee để lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, duy trì và nâng cấp website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào (VietLao.vn) với tính năng song ngữ (Việt, Lào), nhằm hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu của tỉnh Bình Định đến các tỉnh Nam Lào. Nâng cấp, duy trì và vận hành website bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh (bandohangvietbinhdinh.vn). Hỗ trợ 10 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã QR code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và 10 DN, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh xây dựng website thương mại điện tử.
Ngoài ra, công tác thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trên lĩnh vực năng lượng cũng được sở quan tâm. Nhờ đó, trong năm 2023, các đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cung ứng điện, kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn. Qua đó, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng…
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành Điện lực Bình Định triển khai các hoạt động CĐS trong lĩnh vực năng lượng. Nhờ đó, đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ CĐS, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng điện, giúp khách hàng tiết kiệm điện năng.
Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, công tác CĐS thời gian qua có chuyển biến tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS vẫn gặp không ít khó khăn, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía các ngành có liên quan, cùng sự đồng lòng ủng hộ của DN và người dân.
Năm 2024, Sở Công Thương đề ra các mục tiêu cụ thể trong nhiệm vụ phát triển CĐS ở 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Trong đó, phấn đấu đạt 100% thủ tục hành chính cung cấp thanh toán trực tuyến có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến; số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tiếp tục phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy CĐS trên lĩnh vực logistics, năng lượng; 100% công chức, viên chức, người lao động có danh tính số/tài khoản định danh điện tử…
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Sở Công Thương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, như: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện CĐS. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động các cơ quan về mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử Việt Nam, nhất là đặt mua các sản phẩm OCOP Bình Định trên sàn thương mại điện tử. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số. Áp dụng, khai thác có hiệu quả các nền tảng số dùng chung do Trung ương và địa phương triển khai. Duy trì và nâng cao chất lượng cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, DN có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Nỗ lực triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc, làm lực lượng nòng cốt để lan tỏa, thúc đẩy CĐS.
AN NHIÊN