Trẻ khuyết tật với những điều… khó nói
Khó nói bởi những kiến thức về giáo dục giới tính vẫn được xem là nhạy cảm. Càng khó nói, khi học sinh khiếm thính chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể, trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng hạn chế về khả năng giao tiếp. Vậy nhưng, ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, học sinh khuyết tật vẫn được tạo điều kiện để tiếp cận nhiều hơn với kiến thức về giới tính.
Năm học 2014-2015, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn có 130 học sinh, là trẻ chậm phát triển trí tuệ và khiếm thính. Trong đó có gần 50 em tuổi từ 12 trở lên - lứa tuổi dậy thì, có những thay đổi lớn về tâm sinh lý. “Trang bị kiến thức về giới tính cho các em là vấn đề quan trọng mà chúng tôi đặc biệt quan tâm”, Phó hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Anh khẳng định.
Nhiều rào cản
Nhiều năm đồng hành cùng các trường học, cơ sở bảo trợ xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ truyền thông của Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, cho rằng giáo dục giới tính là nhu cầu cấp thiết đối với học sinh khuyết tật, nhất là học sinh khiếm thính. Không nghe được đồng nghĩa với không nói được, kênh giao tiếp với thế giới bên ngoài của các em càng hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu kết bạn, chia sẻ tình cảm và giải quyết các vấn đề sinh lý ngày càng tăng khi các em bước vào lứa tuổi “dở dở ương ương”.
“Cái khó nhất của công tác tuyên truyền kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho trẻ khiếm thính chính là rào cản về ngôn ngữ. Ngay với những học sinh bình thường, những vấn đề nhạy cảm đã không thể chuyển tải hoàn toàn bằng lời nói trực tiếp. Khó khăn càng nhân lên nhiều lần với học sinh khiếm thính, bởi ngôn ngữ cơ thể chỉ chuyển tải được lượng thông tin ban đầu, căn bản”, ông Tuấn chia sẻ.
Tiếp xúc với học sinh hằng ngày, cô Kim Anh rất hay gặp những tình huống oái ăm. “Các em chậm phát triển trí tuệ nhưng cơ thể thì vẫn phổng phao. Điều đặc biệt là các em không biết cách kìm chế cảm xúc, có em nam cứ thích “xáp” vào các bạn nữ. Ngược lại, các em khiếm thính thì nhút nhát, ít khi nói chuyện với cô giáo về những thay đổi trong cơ thể mình, cũng hiếm khi chia sẻ về tình cảm nảy nở với người khác giới”, cô Anh kể.
Để trẻ chịu “méc” cô
Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn hiện có 20 học sinh nội trú, đa số là học sinh lớn, tự túc trong sinh hoạt. Trước đây, cô bảo mẫu của khu nội trú chỉ làm việc từ 19 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Từ năm học 2014-2015, cô bảo mẫu bắt đầu làm việc từ 17 giờ, không chỉ giúp các em ổn định sinh hoạt, ăn uống, mà còn giúp quản lý tốt hơn. Những học sinh có biểu hiện “thích” nhau nhất định sẽ bị “cách ly”.
Để phần nào tháo gỡ rào cản ngôn ngữ, Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn đã cung cấp cho Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn một “cẩm nang” các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cùng một “từ điển” diễn đạt các thuật ngữ chuyên sâu bằng ngôn ngữ hình thể. Từ năm học 2010-2011, hai bên cũng phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe giới tính cho học sinh. Sau năm đầu tiên cung cấp kiến thức đơn thuần, trong 2 năm học sau đó, hình thức truyền thông được thay đổi, với thi “Rung chuông vàng”, biểu diễn tiểu phẩm, chơi trò chơi… Ông Tuấn cho hay: “Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của ban giám hiệu và các thầy cô giáo, các hoạt động truyền thông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh và mang lại hiệu quả tích cực. Các em không còn ngại ngần khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên”.
Cô Kim Anh thì cho rằng, chính từ các hoạt động truyền thông này, các giáo viên cũng nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho học sinh, đồng thời trao đổi thoải mái hơn về những vấn đề liên quan. Hơn thế, khoảng cách của cô - trò được rút ngắn dần. “Không chỉ báo cho cô giáo mỗi khi bị trêu chọc, các em còn “méc” cả những chuyện bất thường xảy ra với cơ thể. Tìm được nguồn tư vấn, sẻ chia, các em còn kể chuyện “mến” ai, “thích” ai. Từ kênh thông tin này, chúng tôi phát hiện và điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, giúp các em sống an toàn, học tập tốt hơn, từ đó phụ huynh cũng yên tâm hơn”, cô Anh tâm sự.
Do khó khăn về kinh phí, các hoạt động truyền thông dân số bị cắt giảm. Năm học này, Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn không tổ chức tuyên truyền tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Tuy nhiên, cô Kim Anh cho biết, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên đã được lồng ghép vào các tiết học. Đây cũng là một trong những nội dung chủ đạo của các buổi sinh hoạt ngoài giờ.
HOÀNG ANH