Chủ tịch Quốc hội: Bổ sung 3 chức danh vào đối tượng cảnh vệ là phù hợp
Đồng tình với sự cần thiết sửa Luật Cảnh vệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao là phù hợp.
Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ tại phiên họp 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 22.2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua 5 năm triển khai luật hiện hành có nhiều nội dung cần sửa đổi để chủ động bổ sung nội dung đáp ứng yêu cầu tình hình mới cũng như khắc phục các hạn chế, bất cập. Do đó, việc trình Quốc hội xem xét sửa luật là xác đáng và cần thiết.
Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, nâng tổng số chức danh được áp dụng các biện pháp cảnh vệ lên 39.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nhấn mạnh đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn và quy định của Trung ương liên quan chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc bổ sung 3 chức danh trên là xác đáng.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định: Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 1 của luật.
Đồng tình với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng là cần thiết, linh động vì thực tiễn phong phú. Tuy vậy, ông cũng lưu ý cần giải trình kỹ hơn về “trường hợp cấp thiết”.
Đánh giá hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu tối đa các ý kiến từ sớm, kỹ lưỡng để đạt sự đồng thuận cao nhất.
Một nội dung khác là dự thảo luật đã thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.
Ủng hộ đề xuất trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý “Quốc hội” còn được hiểu theo nghĩa còn có Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay có hội nghị do Thủ tướng Chính phủ tổ chức thì có thuộc diện được cảnh vệ hay không. Dù thực tiễn không vướng nhưng cần rõ ràng trong câu chữ trong luật, nếu cần thiết thì thể hiện đầy đủ.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn “trường hợp cấp thiết” mà Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định là đối tượng cảnh vệ, để có cơ sở thực hiện thống nhất. Vì việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Các ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp tiếp thu các ý kiến, rà soát kỹ hơn để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như giải trình, lập luận rõ hơn về các đề xuất, quy định.
Trước ý kiến đề nghị làm rõ “trường hợp cấp thiết”, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng thực tế “có hàng tỷ tình huống, không thể liệt kê được”. Do đó, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tuỳ vào tình hình cụ thể thì giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ với đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ theo luật định.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến, tiến hành thẩm tra chính thức, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5 tới.
* Cũng trong chiều 22.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 30.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)