Làng biển vui mùa lễ hội cầu ngư
Theo lệ, mùng 10 tháng Giêng, ngư dân vạn chài Xương Lý (gồm 2 thôn Lý Chánh, Lý Hòa, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) và Vĩnh Lợi (gồm 4 thôn Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Lợi 3, Hưng Tân; xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) lại tổ chức Lễ hội cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá voi, cầu mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió, đời sống ấm no, hạnh phúc, bình an.
Vạn chài Xương Lý và vạn chài Vĩnh Lợi là hai nơi tổ chức lễ hội cầu ngư sớm nhất ở tỉnh ta. Dù quy mô tổ chức khác nhau, nhưng đều có phần lễ gồm các nghi thức cổ truyền, như: Nghinh thần Nam Hải (cá voi, cá Ông) nhập điện, lễ tỉnh sinh, lễ cầu quốc thái dân an, khởi ca hát thứ lễ, tế tôn vương; riêng ở Vĩnh Lợi còn có múa gươm hầu thần. Phần hội có các hoạt động như biểu diễn chèo bả trạo, hát bội, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao... tạo không gian văn hóa gắn kết cộng đồng ngư dân.
1. Lễ hội cầu ngư vạn chài Xương Lý năm nay được tổ chức từ ngày 19 - 22.2 (mùng 10 - 13 tháng Giêng), nhưng trước đó địa phương đã mời Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định về biểu diễn từ mùng 6 - 9 tháng Giêng để tạo không khí rộn ràng mùa lễ hội.
Lễ khởi ca tại Lăng vạn Xương Lý. Ảnh: KIỀU VY
Ông Huỳnh Thông, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cầu ngư vạn chài Xương Lý, cho biết: “Thần Nam Hải có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tín ngưỡng của ngư dân. Lễ hội cầu ngư được tổ chức hằng năm giúp ngư dân hiểu hơn phong tục, nét văn hóa của cha ông để lại, cùng chung tay bảo tồn di sản lễ hội cầu ngư”.
Đến Lăng Ông Nam Hải dâng hương cúng thần vào ngày chính lễ mùng 10 tháng Giêng, ngư dân Huỳnh Công Hòa, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý, chia sẻ: “Ở địa phương còn có vạn chài Hưng Lương gồm 2 thôn Lý Hưng, Lý Lương, ngư dân tổ chức lễ hội cầu ngư vào tháng 5 âm lịch. Dù lễ hội tổ chức ở vạn chài nào, chúng tôi đều đến dâng hương thành tâm cúng bái thần Nam Hải để tỏ lòng kính ngưỡng”.
Biểu diễn chèo bả trạo tại Lăng vạn Xương Lý. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Lễ hội cầu ngư vạn chài Xương Lý năm nay tổ chức còn có phần hội, như: Bơi thúng, lắc thúng, kéo co trên bãi biển, hội chọi gà dân gian; biểu diễn ca kịch bài chòi, hát bội, hội đánh bài chòi dân gian diễn ra từ ngày mùng 6 - 13 tháng Giêng.
Chị Nguyễn Thị Ái Ngọc, ở TX An Nhơn, cho biết: “Tôi nhiều lần đến Nhơn Lý du lịch, nhưng lần đầu đến đây đúng dịp diễn ra lễ hội, không khí rất vui nhộn. Tôi được hiểu thêm về đời sống tín ngưỡng của ngư dân nơi đây”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, hiện ngành Văn hóa tỉnh đang triển khai lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL ghi danh Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội cầu ngư, gắn phát triển du lịch cộng đồng ở Nhơn Lý, cũng như các di sản khác, như chèo bả trạo, bài chòi dân gian ở Nhơn Lý…
2. Ở vạn chài Vĩnh Lợi hiện có hai lăng thờ cá Ông, gồm: Lăng Nam Hải thánh điện (Lăng Ông Đại) và Lăng Hải Thánh đường (Lăng Từ đường). Lễ hội cầu ngư tại Lăng Ông đại vào mùng 10 tháng Giêng - ngày chánh kỵ Ông Đại. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 19 - 23.2 (mùng 10 - 14 tháng Giêng).
Cụ Nguyễn Pháo (80 tuổi, ở thôn Vĩnh Lợi 3) cho biết: “Trước đây, ở Vĩnh Lợi có 3 lệ cầu ngư, gồm: Chánh kỵ Ông Đại, lệ cúng Tam Giới hội đồng vào ngày 21.2 âm lịch và lệ cầu ngư tại Lăng Từ đường vào mùng 10.4 âm lịch, nay giảm còn lệ cầu ngư Lăng Ông Đại và Lăng từ đường. Lệ cầu ngư vào tháng 4 âm lịch hoành tráng hơn, có phần hội với nhiều trò chơi dân gian, đua thuyền rồng, người dân ở xa đều về dự lễ hội”.
Đoàn tàu ra biển làm lễ nghinh thần Nam Hải nhập điện về Lăng Ông Đại. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không chỉ người dân địa phương, nhiều người xa quê cũng háo hức chờ xem lễ hội. Anh Huỳnh Tấn Đạt, ở thôn Vĩnh Lợi 3, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Là dân địa phương, nhưng tôi chưa được dự lễ hội cầu ngư. Năm nay về quê đón Tết, tôi sắp xếp ở lại tham dự. Lễ hội tổ chức rất màu sắc, tàu thuyền trang trí cờ lọng lộng lẫy, có bóng bay treo liễn đối mang nhiều ý nghĩa. Hấp dẫn nhất là phần múa gươm, hát múa bả trạo, múa lân do các ngư dân, học sinh ở quê nhà biểu diễn. Tôi thấy rất tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương mình”.
Đan xen với phần lễ, Ban tổ chức còn mời Đoàn nghệ thuật hát bội Phước An về diễn. Sau phần khởi ca hát thứ lễ vào chiều mùng 10 tháng Giêng tại Lăng Ông Đại, trong 5 đêm từ mùng 10 - 14 tháng Giêng có diễn hát bội trong sân Lăng Từ đường để phục vụ người dân.
Ông Đỗ Như Ý, Trưởng vạn chài Vĩnh Lợi, cho biết: Lăng Từ đường được tạo lập năm 1791 - hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, gồm: Thiệu Trị (năm 1841), Tự Đức (năm 1847), Đồng Khánh (năm 1885), Khải Định (năm 1916) và Lăng Ông Đại tạo lập cách nay hơn 150 năm - hiện thờ riêng một bộ cốt cá Ông rất lớn. Năm nay, Ban vạn sắm hai con lân, cùng quần áo, trống, chập chõa để các cháu học sinh biểu diễn múa lân góp thêm sắc màu lễ hội. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đang triển khai lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích đối với Lăng Từ đường và Lăng Ông Đại. Đây là niềm vui mừng, cũng như ước nguyện bao nhiêu đời nay của cộng đồng ngư dân vạn chài Vĩnh Lợi.
NGỌC NHUẬN - KIỀU VY