Gắng thêm một chút để thêm một đôi mắt sáng
Ðó là quan niệm của Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Ðịnh - bác sĩ người Việt Nam duy nhất cùng với 20 nhà nhãn khoa xuất sắc được vinh danh Giải thưởng Cống hiến xuất sắc về phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 vào tối 24.2 tại Hội nghị Nhãn khoa châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 39 tổ chức ở Indonesia.
Rất hạnh phúc và vinh dự
● Sau 67 năm thành lập Giải thưởng Cống hiến xuất sắc về phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương, ông là bác sĩ thứ 7 của Việt Nam được tôn vinh. Từ Indonesia, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
- Rất hạnh phúc và vinh dự khi được ghi nhận những đóng góp về những tiến bộ trong chăm sóc mắt, đào tạo nhân lực. Vui nữa, tại hội nghị này, con trai là bác sĩ Nguyễn Xuân Trường - là diễn giả được hội nghị mời trực tiếp để trình bày nghiên cứu khoa học trí tuệ nhân tạo ở bệnh nhân bệnh võng mạc đái tháo đường.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết khám, điều trị bệnh về mắt cho bệnh nhân, qua đó đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống mù lòa của tỉnh và trong nước. Ảnh: M.H
● Hơn 30 năm hoạt động trong ngành nhãn khoa, ông là người đặt tiền đề cho sự hình thành của mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng tại Việt Nam…
Hơn 30 năm hoạt động trong ngành nhãn khoa, bác sĩ Triết được biết đến là một bác sĩ có uy tín với nhân dân, tận tụy với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, đóng góp cho hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa mắt và công tác phòng chống mù lòa cộng đồng. Ông có tầm ảnh hưởng không chỉ tại tỉnh Bình Định, mà trong phạm vi toàn quốc.
GS.TS Tôn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam
- Những năm 2000, mù lòa là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam và tỉnh Bình Định nói riêng. Số người mù còn tồn đọng rất lớn, mạng lưới chăm sóc mắt từ tỉnh đến huyện, xã hầu như là con số 0. Khó khăn lớn nhất lúc đó là kinh phí và nhân lực cho công tác phòng chống mù lòa. Dự án chăm sóc mắt cộng đồng được Tổ chức Fred Hollow Foundation (FHF) tài trợ năm 2005 - 2012 trên 1 triệu USD triển khai tại Bình Định là dự án lớn và đầu tiên về chăm sóc mắt cộng đồng của FHF ở Việt Nam. Giai đoạn 2005 - 2008, dự án được thực hiện tại Bệnh viện Mắt và 4 huyện; giai đoạn 2008 - 2012 triển khai các huyện còn lại. Sau 7 năm, Bình Định dẫn đầu cả nước về công tác phòng chống mù lòa, hàng trăm nghìn người mù được khám, hàng nghìn bệnh nhân mù nghèo được phẫu thuật miễn phí. Mạng lưới chăm sóc mắt từ tỉnh đến huyện, xã được xây dựng vững mạnh, hàng nghìn y bác sĩ được đào tạo; cung cấp đầy đủ trang thiết bị chuyên khoa cho các tuyến. Từ mô hình của Bình Định, FHF nhân rộng nhiều địa phương trong nước.
● Viết dự án xin tài trợ triển khai phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng, nhưng thời điểm năm 2016 Việt Nam chưa có bộ tài liệu về vấn đề này, mất 2 năm vừa viết dự án, vừa xây dựng quy trình… điều gì khiến ông lao vào cái khó này?
- Võng mạc đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ mù vĩnh viễn. Số người bị đái tháo đường ngày càng gia tăng, chiếm 10,5% dân số thế giới, trong đó 1/3 bệnh nhân bị võng mạc đái tháo đường. Đa số người bệnh thường không biết cho đến khi bệnh tiến triển nặng, không thể hồi phục ngay cả khi được điều trị. Nhận thấy hậu quả mù lòa của bệnh đối với xã hội quá lớn nên tôi tập trung thực hiện chương trình phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường ở cộng đồng. Phải mất 2 năm vận động mới chính thức được FHF tài trợ giai đoạn 2018 - 2022 trên 400 nghìn USD. Đây cũng là dự án đầu tiên của FHF về bệnh võng mạc đái tháo đường tại Việt Nam.
Những thành công, chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả dự án phát hiện sớm võng mạc đái tháo đường tại Bình Định đã góp một phần vào công tác phòng chống mù lòa ở bệnh nhân này trong nước. Tôi đã cùng tham gia biên soạn bộ tài liệu chuyên môn về quản lý bệnh tại Việt Nam với một số chuyên gia, sau đó được Bộ Y tế hoàn chỉnh, ban hành.
● Năm 2018, Bệnh viện Mắt Bình Định là 1 trong 5 bệnh viện của cả nước thành lập khoa Mắt trẻ em đặc trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non-ROP, nhưng để làm được điều này là không dễ?
- Chăm sóc mắt trẻ em là lĩnh vực chuyên khoa sâu phức tạp, muốn phát triển trước tiên phải thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc mắt ở người lớn. Hằng năm có hàng trăm trẻ sinh non tại Bình Định phải vào TP Hồ Chí Minh để khám, điều trị ROP, trong đó nhiều gia đình rất nghèo. Trẻ sơ sinh đẻ non chăm sóc rất khó khăn, việc chuyển bệnh nhân đi xa rất tốn kém và nguy hiểm, bên cạnh đó nhiều trẻ bị bệnh mắt khác không điều trị kịp thời. Do vậy, tôi trực tiếp mời Tổ chức Orbis đến Bình Định khảo sát thực tế, sau đó viết dự án và vận động tài trợ phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 trên 1,2 triệu USD.
● Có ai nói với ông rằng ông là bác sĩ chuyên… đi xin chưa?
- (Cười). Nhiều người nói với tôi như vậy. Tôi đi xin nhiều đến mức có lần trong một hội nghị tổng kết dự án toàn quốc do Tổ chức FHF tài trợ, còn bị quở sao dự án tài trợ nào của quốc tế cũng đưa về… Bình Định.
Kinh phí dành cho công tác phòng chống mù lòa rất lớn, mà bệnh nhân mù đa số nghèo, không đi xin lấy tiền đâu để triển khai chương trình? Đi xin rất vất vả vì rất mất thời gian, đặc biệt phải viết dự án. Tôi làm việc này bởi đó là trách nhiệm, là niềm đam mê và nghĩ rằng gắng thêm một chút để thêm một đôi mắt sáng... Các nhà tài trợ lựa chọn đối tác triển khai dự án rất kỹ, bởi dự án thành công cũng là thành công của nhà tài trợ. Thế nên, mình cũng phải làm được gì, phải triển khai dự án thành công mới có cơ sở để xin tài trợ.
Nguồn: BTV
Say mê và nỗ lực không ngừng
Chỉ tính 10 năm qua, các sáng kiến, dự án bác sĩ Triết vận động đã giúp tầm soát ROP hơn 3.000 trẻ sơ sinh đẻ non, phát hiện gần 2.000 trẻ bị bệnh mắt bẩm sinh; sàng lọc tật khúc xạ cho 300 nghìn học sinh, phẫu thuật mắt gần 1.000 trẻ. Hơn 100 nghìn người được khám mắt miễn phí, phẫu thuật hơn 67.000 bệnh nhân đục thủy tinh thể, góp phần giảm mù lòa ở người trên 50 tuổi tại tỉnh từ 4,5% (năm 2007) còn 3,1% (năm 2022). 3.000 bệnh nhân được phát hiện sớm võng mạc đái tháo đường, điều trị miễn phí hơn 800 bệnh nhân…
● Vậy có bệnh nhân nào khiến ông nhớ mãi?
- Đó là bệnh nhân tên Hiếu (tôi không nhớ rõ quê ở đâu), nhưng cháu khiến tôi nhớ mãi đến giờ. Hiếu là con út trong gia đình nghèo có 4 người con. 6 tuổi, cháu được phát hiện mắt bị mờ, 10 tuổi không thể đến trường khi 2 mắt bị mù. Suốt 4 năm trời, gia đình cháu hỏi han mọi nơi để chữa trị… Năm 2008, tôi trực tiếp mổ cho Hiếu, lấy lại được ánh sáng cháu quay trở lại trường học. Câu chuyện về Hiếu đã được Đài Truyền hình Úc và Tổ chức FHF quay thành phim phát sóng tại Úc cùng một số nước để vận động kinh phí cho chương trình chăm sóc mắt tại Việt Nam.
● Ông còn tham gia đào tạo phẫu thuật viên mổ đục thủy tinh thể; hơn 200 khóa đào tạo chăm sóc mắt cho trẻ, phát hiện sớm võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng cho hơn 3.000 nhân viên y tế… Năng lượng ở đâu mà ông làm việc miệt mài như vậy?
- Các bác sĩ tại bệnh viện được tôi trực tiếp đào tạo trở thành phẫu thuật viên thì một số nghỉ hưu, chuyển công tác. Hiện tôi vẫn tiếp tục đào tạo thế hệ phẫu thuật trẻ và công việc rất khả quan. Rất vất vả, tốn thời gian, nhưng tôi rất vui khi đào tạo các em trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi. Tôi sắp xếp thời gian, kế hoạch làm việc linh hoạt, hiệu quả, nhưng đôi khi cũng phải bỏ việc nhà.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết (giữa) và con trai là bác sĩ Nguyễn Xuân Trường (bìa phải), trao đổi với bác sĩ nhãn khoa các nước dự Hội nghị Nhãn khoa châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 39 tổ chức tại Indonesia, trưa 22.2. Ảnh: NVCC
● Nếu nói về thành công, ông sẽ nói gì?
- Say mê nghề nghiệp và nỗ lực không ngừng…
● Hơn 30 năm cùng các y bác sĩ phát triển bệnh viện có tiếng khi “đi trên cả hai chân” cộng đồng và điều trị, nhưng hiện Bệnh viện Mắt Bình Định đang có dấu hiệu chậm lại?
- Khó khăn lớn nhất của bệnh viện là cơ sở vật chất. Bệnh viện được tiếp quản từ cơ quan hành chính được xây dựng hơn 40 năm, hiện xuống cấp. Để bệnh viện được phát triển tương xứng cần phải có sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đây cũng là đề nghị duy nhất mà tôi rất mong tỉnh quan tâm để phát triển bệnh viện.
● Cảm ơn bác sĩ!
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết (SN 1966, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) tốt nghiệp Trường ĐH Y Huế năm 1989, về công tác BVĐK TP Quy Nhơn, tiếp tục học chuyên khoa sơ bộ về mắt và tốt nghiệp CKI. Năm 1996, ông làm Trưởng Trạm Mắt Bình Định và phát triển bệnh viện cho đến nay. Ông được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen, giải thưởng nghiên cứu khoa học.
MAI HOÀNG (Thực hiện)