Bịt “lỗ hổng”!
Tuần rồi, thông tin báo chí cả nước rộ lên vụ việc thuộc vào hàng “nổi cộm” khiến dư luận xôn xao. Đó là tai biến y khoa khiến 3 trẻ em bị tử vong tại Khánh Hòa, ngay trong một đợt phẫu thuật nụ cười do một đoàn thiện nguyện từ Hà Nội vào thực hiện. Nụ cười biến thành nước mắt, thành nỗi đau cho các gia đình mất người thân chắc chắn là điều chẳng ai muốn. Nhưng tiếc thay nó đã xảy ra (!).
Tuy nhiên, khi vụ việc “vỡ” ra thì đằng sau nó lại lộ ra nhiều khoảng trống, nhiều lỗ hổng về mặt quản lí, như: Trung tâm OSCA - đơn vị làm thiện nguyện đợt này chưa được cấp phép liên quan đến việc mà họ thực hiện; người đứng đầu trung tâm là một bác sĩ cách đây hai năm gây tai biến chết người trong một ca phẫu thuật thẩm mỹ, hiện cũng không được cấp phép; cơ quan quản lý Y tế địa phương và đơn vị phối hợp thực hiện cũng còn nhiều việc chưa thực hiện theo đúng quy trình quản lý…
Một câu chuyện khác, cũng là vấn đề nổi cộm trong dư luận ở Quy Nhơn và cả nước là chuyện móc nối mua, bán điểm xảy ra tại Đại học Quy Nhơn. Vụ việc vẫn đang được tiến hành làm rõ trong phạm vi thanh tra nội bộ của trường này. Tuy đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản kết luận chính thức của tổ thanh tra, nhưng theo nội dung báo cáo kết quả thanh tra được thông tin ra báo chí thì liên quan đến vụ việc này là 71 sinh viên “hưởng lợi” nâng điểm, một chuyên viên công nghệ thông tin của trường “hưởng lợi” hàng trăm triệu đồng tiền công “sửa điểm”, ngoài ra còn có các “cò” móc nối sự vụ nhưng chưa được tiết lộ. Rồi đây mọi việc sẽ được sáng tỏ hơn sau khi có kết luận thanh tra, hoặc kết quả điều tra nếu vụ việc bị các cơ quan bảo vệ vào cuộc, nhưng diễn biến vụ mua, bán điểm cho thấy công tác quản lý của đơn vị này chưa ổn.
Hai vụ việc trên cũng như nhiều vụ việc nổi cộm khác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đều có điểm chung là sau khi vụ việc đã xảy ra, nội bộ tiến hành rà soát hoặc cơ quan chức năng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra thì mới phát hiện ra vô số những “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Và chính những “lỗ hổng” như thế đã tạo điều kiện cho lối làm việc tùy tiện, không tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn có thể dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng hoặc kẻ xấu lợi dụng sơ hở để làm chuyện tiêu cực như hai vụ việc nói trên.
Vì vậy, làm thế nào để bịt cho kín các “lỗ hổng” trong công tác quản lý ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hay các ngành, lĩnh vực là vấn đề cần được quan tâm để ngăn ngừa có hiệu quả đối với các hành vi tiêu cực trong đời sống xã hội.
H.Đ