"Xử lý vi phạm nồng độ cồn ảnh hưởng xấu đến kinh tế là nhìn nhận sai lệch"
Theo chuyên gia, một số ý kiến nhìn nhận việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn ảnh hưởng xấu đến kinh tế là thiếu chính xác, không toàn diện
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", thời gian qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đặc biệt là ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" qua đó đã kéo giảm số người chết và số vụ tai nạn giao thông xuống rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao lên, từ những kết quả tích cực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số ý kiến cho rằng việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn ảnh hưởng xấu đến kinh tế, đặc biệt là ngành ngành du lịch và sản xuất rượu bia. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Một số người có quan điểm trái chiều là điều bình thường, nhưng có quan điểm như trên là thiếu chính xác và không nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện".
Lý do được TS. Nguyễn Hữu Đức đưa ra là việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội: "Việc lựa chọn đúng một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và mất trật tự an toàn giao thông đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông do lái xe sau khi sử dụng rượu bia, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Thúc đẩy người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Du khách sẽ cảm thấy an tâm hơn khi du lịch tại một quốc gia có luật lệ giao thông nghiêm minh và an toàn".
Sẽ tiếp tục xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn “xuyên ngày đêm, không có vùng cấm”
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt, tuy nhiên trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động du lịch liên quan đến việc sử dụng rượu bia có thể bị ảnh hưởng: "Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong ngành du lịch. Việc tiêu thụ rượu bia có thể giảm do người dân e ngại việc bị xử phạt khi lái xe sau khi sử dụng. Tuy nhiên, đây là cơ hội để ngành sản xuất rượu bia chuyển hướng sang sản xuất các loại đồ uống có cồn ít hoặc không cồn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe".
TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm: "Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia và lợi ích của việc chấp hành luật giao thông. Hỗ trợ du khách di chuyển an toàn mà không cần lái xe sau khi sử dụng rượu bia, ví dụ như dịch vụ gọi xe, taxi, xe buýt. Ngành sản xuất rượu bia cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các loại đồ uống có cồn ít hoặc không cồn".
TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: "Việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Tác động tiêu cực của việc xử lý nghiêm đối với ngành du lịch và sản xuất rượu bia là có thể kiểm soát được bằng các giải pháp phù hợp".
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024, tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm rõ rệt. Toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn, làm chết 214 người, bị thương 504 người. So với 7 ngày nghỉ tết Quý Mão 2023, số người chết giảm 24,38%.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết, cụ thể: giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố Báo cáo an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2023. Theo báo cáo này, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020. Theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25.4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17.7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Theo Văn Ngân (VOV.VN)