Sức khỏe đến từ căn bếp sạch
Căn bếp là nơi liên quan mật thiết đến sức khỏe của cả gia đình. Do vậy, gần đây nhiều gia đình (kể cả ở nông thôn) đã chú trọng hơn không gian này, đầu tư trang thiết bị, hướng đến sạch, đẹp, tiện nghi.
Đầu tư cho sức khỏe từ căn bếp
Vừa dọn dẹp căn bếp để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bà Nguyễn Thị Út (55 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) kể rằng từ ngày đầu tư căn bếp, sức khỏe của cả gia đình tốt hơn hẳn. Không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc thiết kế không gian bếp khoa học, có thêm trang thiết bị hiện đại giúp căn bếp thoáng mát, người nấu cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Theo bà Út, gia đình bà bỏ ra gần 100 triệu đồng đầu tư căn bếp, với bộ bàn ăn, các tủ bếp, một số thiết bị hiện đại như nồi chiên không dầu, bếp từ, máy hút khói, máy sấy đũa...
Bà Nguyễn Thị Út giới thiệu căn bếp của gia đình. Ảnh: T.K
Bà Út cho biết: “Trước khi xây dựng bếp, con tôi nói về chuyện mua sắm trang thiết bị trong bếp. Thấy số tiền hơi lớn, chúng tôi cũng có ý e dè, nhưng bây giờ sử dụng mới biết đây là sự đầu tư chính đáng. Ví dụ như mùa mưa, cảm giác cầm đũa ướt không chỉ khó chịu mà còn lo lắng việc ẩm mốc có thể gây bệnh; với máy sấy đũa, cả nhà chúng tôi yên tâm hẳn”.
Còn đối với gia đình bà Phạm Thị Liên (54 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), căn bếp cũng là nơi cả nhà gặp gỡ, trò chuyện nhiều nhất, nên nơi đây cần phải được quan tâm đúng mực. Theo bà Liên, trước kia gia đình bà chỉ tập trung chăm lo cho phòng khách, còn phòng ngủ và phòng bếp ít được quan tâm. Do vậy, sức khỏe của cả gia đình cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Từ năm 2023, sau khi sửa lại nhà, bà quyết tâm đầu tư cho căn bếp nhiều nhất.
Từ khi xây dựng căn bếp mới, bà Liên thỏa thích làm các món ăn yêu thích mà không còn lo sợ bị bám mùi. “Nhà tôi lại thường có khách đến dùng bữa, đầu tư cho căn bếp không chỉ bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn giúp việc đón đãi khách chu đáo hơn. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư một số trang thiết bị khác như máy rửa chén, máy ép chậm... để sức khỏe gia đình được đảm bảo”, bà Liên chia sẻ.
Chăm chỉ vào bếp
Có thể nói, những tiện ích mà các thiết bị làm bếp hiện đại mang lại giúp người nội trợ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Đồng thời, điều này còn là “chất xúc tác” để các bà, các chị thỏa sức sáng tạo, thử “tay nghề” với những món ăn mới. Bà Võ Thị Xuân (57 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) chia sẻ: “Gia đình tôi chưa có điều kiện để làm căn bếp thật hiện đại, nhưng chúng tôi cũng cố gắng gìn giữ thật sạch sẽ, khô thoáng. Cùng với đó, chúng tôi mua sắm thêm một số thiết bị như: Máy xay sinh tố, máy nấu sữa hạt, nồi chiên không dầu... để đỡ công làm bếp. Đặc biệt, chúng tôi có thể làm ra những món ăn mà trước đây chỉ mua bên ngoài. Như vậy vừa vệ sinh vừa đúng vị mình yêu thích”.
Hơn nữa, từ ngày có thêm thiết bị hỗ trợ cho việc nấu ăn, bà Xuân còn bắt đầu chia sẻ những món ăn của mình với nhiều người hơn. “Tôi đã tập làm một số bánh nướng, mới đây là làm khô bò, khô gà... Cứ nghĩ làm để gia đình ăn cho an toàn nhưng lại có người muốn mua ăn. Tôi sẵn lòng nhưng không lấy lời nhiều, nghĩ đây như là một cách để chia sẻ sự yêu thích công việc bếp núc của bản thân”, bà Xuân kể.
Gia đình bà Phạm Thị Liên trước kia thường xuyên ăn không đúng bữa, hay mua thức ăn ở ngoài. Từ ngày đầu tư cho bếp với nhiều thiết bị tiện nghi, bà cảm thấy yêu thích nấu ăn hơn. “Tôi tự tìm hiểu qua internet các thiết bị cần thiết cho nhà bếp và mua sử dụng. Từ đó, nấu ăn như là cách tôi “xả stress” sau những ngày làm việc vất vả, căng thẳng”, bà Liên tâm sự.
THẢO KHUY