Tổ quốc trong thơ
Chủ đề Ngày Thơ năm nay do Hội Nhà văn VN tổ chức có tên gọi: “Bản hòa âm đất nước”. Dưới bất cứ tên gọi gì thì chủ đề “Đất nước” luôn hiện hữu mỗi khi Ngày Thơ được tổ chức, dù là diễn ra ở Trung ương hay ở các địa phương.
Một bạn thơ trong Ban tổ chức Ngày Thơ ở địa phương nọ có hỏi tôi rằng, nên lấy tên gọi thế nào để khỏi trùng với tên chủ đề Ngày Thơ của Hội Nhà văn năm nay nhưng nó phải “hoành tráng”, tức là chủ đề nói về Tổ quốc phải thật ấn tượng. Tôi chỉ trả lời là: “Nên tối giản khi nói về đất nước. Đất nước hiện diện trong từng hơi thở của mình, tên gọi càng đơn giản càng ấn tượng”.
Nghệ sĩ Bạch Lan ngâm bài thơ Mùa xuân chín của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đất nước luôn có mặt trong thơ của mỗi nhà thơ, dù nhà thơ đó được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” như Xuân Diệu hay “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng” như Tố Hữu. Đơn giản là, số phận của mỗi công dân luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước. Nhà thơ cũng là một công dân của đất nước, có khác chăng là, công dân ấy biết làm… thơ. Là nhà thơ, anh không thể đứng ngoài vận mệnh đất nước của anh. Mỗi câu chữ của nhà thơ phải được rung ngân cùng nhịp đập với trái tim Tổ quốc, dù bài thơ đó chỉ đơn thuần là một bài thơ viết về tình yêu đôi lứa hay chỉ là ánh chớp của một khoảnh khắc nhớ thương: “Anh yêu em như yêu đất nước” (Nguyễn Đình Thi), hay “Đất nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ” (Hữu Thỉnh).
Trong mắt nhà thơ, đất nước không phải là một điều gì quá lớn lao, to tát. Tổ quốc, có khi chỉ là một gốc sim cằn: “Trời bao nhiêu thu ta mới hát một lần/ Nhưng trước mặt ta là Tổ quốc/ Dù chỉ gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Anh ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện” (Hữu Thỉnh). Một gốc sim cằn thôi nhưng đó là Tổ quốc, trước lằn ranh sinh tử, dù phải trả bằng máu của mình thì người lính vẫn “ôm súng bò lên” để giữ lấy nó!
Có khái niệm nào đơn giản hơn khi nghĩ về Tổ quốc như chàng trai mười tám tuổi vừa khoác trên người chiếc áo lính chưa tròn tuổi quân: “Với những thằng con trai mười tám tuổi/ Đất nước là nhịp tim có thể khác thường/ Là một làn mây mỏng đến bâng khuâng/ Là mùi mồ hôi thật thà của lính/ Đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội/ Hay bữa cơm rau rừng” (Thanh Thảo).
Đâu chỉ núi rộng sông dài, trời cao biển thẳm mới là Tổ quốc! Đất nước là một khái niệm vừa trừu tượng nhưng cũng rất cụ thể, có thể sờ thấy được là thế. Nhà thơ là sứ giả mang những thông điệp vừa thẳm sâu nhưng cũng vừa gần gũi được mang tên Đất nước để chia sẻ với mọi người. “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” (Phạm Tiến Duật). Tổ quốc là đấy chứ đâu xa!
Có muôn hình vạn trạng để nói về Đất nước, có trăm nghìn cách để tỏ bày về tình yêu Tổ quốc. Với mỗi nhà thơ, họ có cách tỏ bày riêng, nhưng trên tất cả mọi câu chữ khi nói về tình yêu Tổ quốc phải là sự trung thực, phải xuất phát tận đáy lòng mình vì thơ ca luôn xa lạ với mọi sự vờ vịt giả bộ yêu thương.
Tổ quốc phải luôn nỗi canh cánh bên lòng với bao vui buồn sướng khổ, dù nhà thơ ở bất cứ đâu, trên bất cương vị nào: “Dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ” (Nguyễn Duy).
Gần 16 năm trước, mùa hè năm 2008, trong một chuyến đi dài phía cực Nam Tổ quốc, tôi đã đặt chân tới Mũi Cà Mau. Có lẽ hơn ở đâu trên đất nước mình, Tổ quốc hiện lên một cách rõ ràng và cụ thể như vùng đất này. Cứ sau một đêm khi thủy triều rút xuống, Tổ quốc lại có thêm những thước đất màu mỡ phù sa do chính những cây bần, cây đước lấn về phía biển.
“Nghe phù sa dò dẫm những bước chân
Nghe phù du chảy ngang dọc đời mình
…Trong đáy cốc hiện cây bần cây đước
Trong đáy mắt là rừng ngang bể dọc
Những chiếc lá tơ non như vừa thoát ngục bùn
Ấy là khi
Tổ quốc ở nơi tận cùng có thêm một dấu chân” (Phạm Đương)
Tôi như thấy có muôn ngàn dấu chân in lên dải đất phù sa của cha ông từ thuở đi mở cõi.
Những dấu chân ấy, chính là Tổ quốc.
PHẠM ĐƯƠNG