Công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng
Nói chuyện với nhân viên ngành y tế tỉnh Bình Định và các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhắn nhủ công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Và, mấu chốt trong y đức đó là trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sinh mạng người bệnh; không được lợi dụng việc ốm đau của người bệnh để biến thành cơ hội làm giàu bất chính cho bản thân người thầy thuốc.
Buổi nói chuyện chuyên đề “Những thành tựu y học do cách mạng 4.0 mang lại. Những thách thức về quản lý và đạo đức y tế” được Sở Y tế tổ chức ngày 23.2 càng có ý nghĩa khi ngành y tế kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024) và được trực tuyến với 13 điểm cầu cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi nói chuyện còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh.
Buổi nói chuyện thu hút đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và được kết nối trực tuyến với các cơ sở y tế các tuyến.
Trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì người bệnh
Trở lại với Bình Định sau 5 năm, ngay đầu buổi nói chuyện, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng những thành tựu của ngành y tế tỉnh Bình Định thời gian qua và chia sẻ niềm vui khi ở cả 3 đại nạn của ngành y tế cả nước đều không xảy ra tại Bình Định. Đó là điều rất mừng và hạnh phúc của Bình Định.
Ông nói rằng ba năm qua rất trăn trở bởi nhiều cán bộ y tế, trong đó có cả ở Học viện Quân y, lãnh đạo cơ quan y tế các tỉnh, thành vướng vòng lao lý. Từ những vụ việc ấy đã đặt cho ông câu hỏi tại sao ngành y tế Việt Nam lại rơi vào những bê bối như thế? Đó là bê bối về mặt khoa học, về kinh tế và cả đạo đức. Phải chăng từ bộ trưởng, cán bộ các cơ quan của bộ, cho đến tất cả cán bộ trong ngành y tế của chúng ta có sự chủ quan?
Chủ quan ấy thể hiện ở chỗ cho rằng KHCN phát triển càng cao thì quản lý y tế càng nhẹ và dễ dàng. “Bằng chứng là tôi đến các bệnh viện, giám đốc ở đó đều là các học trò của tôi, họ nói ở đâu trong bệnh viện cũng có camera, có dấu vân tay nên chúng em quản lý dễ hơn thầy trước đây rất nhiều. Chúng em không cần hò hét như thầy trước đây nữa. Người nào nhận phong bì em biết ngay và đuổi luôn”, GS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng kể.
Và, một tình trạng chung theo ông đó là ngành y tế Việt Nam đang coi nhẹ công tác quản lý y tế và cũng đang coi nhẹ việc giáo dục đạo đức cho nhân viên y tế. Trong khi đó, y tế không chỉ có vai trò trong chăm sóc sức khỏe mà còn có vai trò trong công tác an sinh xã hội.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng đã phân tích, làm rõ, lý giải trên cơ sở luận cứ khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm về các nội dung liên quan đạo đức y tế thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Trong đó, tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt chuyển đổi của y học, y tế thời nay. Đó là người thầy thuốc không còn vai trò độc tôn trong chăm sóc sức khỏe. KHCN tiến bộ nhanh làm thay đổi chất lượng chăm sóc sức khỏe. Kinh tế thị trường đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách ngành y tế, kể cả đạo đức y tế. Y học và y tế ngày càng thể hiện mối liên quan đến an sinh xã hội. Toàn cầu hóa đã trở thành xu thế tất yếu của y học và y tế.
Đồng thời, phân tích những thuận lợi và thách thức thời hội nhập; những thách thức về đạo đức y tế khi áp dụng công nghệ cao, như: Người thầy thuốc dễ trở nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào kỹ thuật, coi nhẹ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dẫn đến xa lánh người bệnh; các kỹ thuật cao dễ bị lạm dụng, kinh nghiệm lâm sàng dễ bị coi nhẹ… Do đó, cần phải định kỳ thăm khám trực tiếp người bệnh; có thói quen đối chiếu kết quả xét nghiệm với lâm sàng…
GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng cũng chia sẻ các vấn đề mấu chốt trong y đức. Đó là trách nhiệm, tận tụy, hy sinh vì sinh mạng người bệnh; không được lợi dụng việc ốm đau của người bệnh để biến thành cơ hội làm giàu bất chính cho bản thân người thầy thuốc.
GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nói chuyện chuyên đề với ngành y tế tỉnh Bình Định và các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh ngày 23.2.
Khoa học phát triển đến đâu cũng do con người tạo ra và con người áp dụng
Tại buổi nói chuyện, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích của sự phát triển khoa học kỹ thuật khi ứng dụng trong đời sống của con người và xã hội, đặc biệt đối với ngành y. Tuy nhiên, dù KHCN phát triển đến đâu thì cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng. Vì vậy, vẫn còn đó những tồn tại mà nếu chúng ta không làm chủ được KHCN thì hậu quả để lại cũng rất lớn.
Ông dẫn chứng, trên thế giới và tại Việt Nam, sự phát triển của KHCN trong ngành y tế đã tạo ra những thành tựu trong y học nổi bật như: Thành tựu y sinh học với việc phát hiện 6 bộ phận với chức năng mới trong cơ thể; điều trị ung thư, công nghệ in 3D; công nghệ Nano và y học; phẫu thuật bằng robot; big DATA và y học; trí tuệ nhân tạo và y học; công nghệ sinh học và y học; công nghệ tế bào gốc…
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng kéo theo những mặt trái của nó, đó là thách thức với đạo đức cán bộ y tế. Người thầy thuốc dễ trở thành tụt hậu và bất lực trước sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cao. Người thầy thuốc dễ trở nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào kỹ thuật mà coi nhẹ việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dẫn đến xa lánh người bệnh, méo mó nghề nghiệp. Người thầy thuốc dễ lạm dụng công nghệ cao ở mức độ tinh vi vì những mục đích khác nhau trong đó có mục đích vụ lợi được che đậy một cách tinh vi bởi công nghệ cao…
Bằng dẫn chứng cụ thể, GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng đã phân tích và gửi gắm đến những người thầy thuốc của hiện tại cần có cái nhìn tổng quan, có hướng đi cụ thể, tận dụng thành công của khoa học kỹ thuật trong y học nhưng không được lơ là mà phải luôn nâng cao đạo đức y tế.
Theo GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng, dù ở bất kể thời đại nào, trong bối cảnh nào chăng nữa, không có nghề nào đòi hỏi vấn đề đạo đức cao như ngành y tế. Kết thúc buổi nói chuyện, vị giáo sư đã ở tuổi 80 vẫn rất trăn trở nói rằng ba năm qua nhiều cán bộ y tế, trong đó có cả ở Học viện Quân y, lãnh đạo cơ quan y tế các tỉnh, thành vướng vào vòng lao lý.
“Tôi đã lớn lên và trưởng thành nhờ Học viện Quân y, rất tự hào, đi đâu cũng khoe mình là chiến sĩ của học viện. Nhưng mà vụ Việt Á xảy ra làm tôi cảm thấy mặc cảm và cũng không dám khoe nhiều mình là chiến sĩ của học viện.
Cho nên nhiều người cho rằng đạo đức y tế hiện nay tốt hơn, ít vi phạm hơn. Tôi xin nói luôn đó là cách suy nghĩ rất sai lầm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng KHCN càng phát triển, y tế càng ngày càng chuyên sâu thì quản lý y tế càng phức tạp, đạo đức y tế càng dễ vi phạm. Nên, dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Nếu không, sự xuống cấp của đạo đức y tế sẽ bị che lấp và được ngụy biện bằng công nghệ. Tôi mong Sở Y tế Bình Định, ngành y tế tỉnh và các lãnh đạo của bệnh viện chung một suy nghĩ như vậy!”, GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng nhắn nhủ.
MAI HOÀNG