Cần sớm nâng cấp hệ thống đập dâng Văn Khám
Gần đây, hệ thống đập dâng và kênh tưới, tiêu Văn Khám (nằm trên địa bàn thôn Dương Thành, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hệ thống đập dâng và kênh tưới, tiêu Văn Khám có nhiệm vụ ngăn nước phục vụ tưới, đồng thời tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ, đảm bảo cho sản xuất khoảng 130 ha lúa của các thôn: Dương Thành, Khuông Bình, Lương Bình, Phổ Đồng thuộc xã Phước Thắng.
Do hệ thống đập dâng và kênh tưới, tiêu Văn Khám đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác đã lâu, hằng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ lụt nên đến nay bị xuống cấp nghiêm trọng. Qua khảo sát cho thấy, phần thân và vai đập bị thẩm lậu nhiều chỗ, gây rò rỉ nước về phía hạ lưu. Nhiều mảng đá xây trong thân đập không còn liên kết với nhau vì các mạch bê tông đã lão hóa, không kết dính. Các trụ pin trên thân đập cũng bị rò nước và bong mạch vữa.
Đập dâng Văn Khám đang bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: N.H
Ông Nguyễn Đình Hưng (nông dân ở đội 1, thôn Dương Thành) phản ánh: Đập dâng Văn Khám có chiều cao 2 m, dài 20 m bị xuống cấp nhiều năm nay, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là việc tưới, tiêu cho các cánh đồng. “Tôi sản xuất gần 1 ha ruộng trên địa bàn thôn Dương Thành nhưng vào vụ Đông Xuân thường xuyên chịu cảnh ngập úng do hệ thống kênh tiêu không phát huy tác dụng. Còn vào vụ Hè Thu liên tục bị thiếu nước tưới do hệ thống đập dâng Văn Khám rò rỉ nước, không đảm bảo nước tưới cho cả cánh đồng”, ông Hưng cho hay.
Cùng chung ý kiến, ông Nguyễn Thanh Phong (cũng ở thôn Dương Thành) nói: “Tôi sản xuất hơn 3 sào lúa nằm ở cuối cánh đồng thôn Dương Thành, thường xuyên chịu cảnh bị thiếu nước tưới trong vụ sản xuất Hè Thu. Hệ thống đập dâng Văn Khám và hệ thống kênh mương bị xuống cấp đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa của gia đình. Tôi và các hộ nông dân ở địa phương rất mong được huyện, tỉnh quan tâm để sớm nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi này”.
Bên cạnh việc không phát huy hiệu quả tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo phản ánh của người dân thôn Dương Thành, tình trạng xuống cấp của đập dâng Văn Khám còn gây khó khăn trong việc lưu thông của người dân. Đập dâng được thiết kế theo kiểu đa chức năng (vừa phục vụ thủy lợi vừa kết hợp làm cầu giao thông phía trên bờ mặt), tuy nhiên phía trên bờ mặt đập dâng lại không có các lan can bảo vệ, chiều ngang nhỏ hẹp, lại đang bị xuống cấp nên gây mất an toàn cho người và phương tiện mỗi khi qua lại đập dâng này. Thời gian qua, tại khu vực đập dâng đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra, nhất là vào ban đêm.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết những phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp của hệ thống đập dâng Văn Khám là rất xác đáng.
Theo ông Khiêm, đập dâng Văn Khám và hệ thống kênh mương hiện do Xí nghiệp Khai thác thủy lợi 3 (thuộc Công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định) quản lý, khai thác. Hệ thống đập dâng này được đầu tư đưa vào khai thác đã hơn 30 năm nay nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống kênh tưới, tiêu kết nối từ đập là kênh đất đang bị sạt lở rất nhiều. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm khảo sát, bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Trước kiến nghị của cử tri, vừa qua, lãnh đạo Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng xuống cấp của đập dâng và hệ thống kênh mương Văn Khám để có hướng xử lý. Qua tính toán, ước tính kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi này phải đến vài chục tỷ đồng. Do đó, ngành nông nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh sớm quan tâm, xây dựng kế hoạch trình HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để nâng cấp, sửa chữa”, ông Khiêm cho hay.
NGUYỄN HÂN