Nhân viên ngân hàng ngăn chặn mánh khóe lừa đảo
Thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm cao, một số nhân viên ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo với số tiền lớn, giúp người dân bảo vệ tài sản trước các mánh khóe lừa đảo phổ biến hiện nay.
Ngày 26.1.2024, chị Trương Lê Ngọc Trinh (nhân viên tín dụng của Agribank chi nhánh Quy Nhơn) tiếp nhận hồ sơ của bà H.T.M.L. (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) vay 100 triệu đồng, có ý định chuyển 26 triệu đồng đến số tài khoản có tên QUACH THUAN HUNG (ABbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Quá trình làm việc, chị Trinh nhận thấy khách hàng có biểu hiện nôn nóng, liên tục nghe điện thoại. Hỏi thăm thì biết được bà L. muốn chuyển 26 triệu đồng đến người “trung gian” để nhận “quà” từ người quen ở nước ngoài chuyển về, hiện bị mắc kẹt ở hải quan. Nhờ tận tình trấn an khách hàng và kịp thời báo cáo với CA TP Quy Nhơn, chị Trinh đã giúp bà L. thoát khỏi một vụ lừa đảo.
Trước đó, ngày 23.12.2023, chị Trần Duy Bích Trâm (nhân viên thuộc phòng giao dịch Phú Tài của LPBank chi nhánh Bình Định) đã kịp thời ngăn chặn bà T.T.A. (ở huyện Tuy Phước) chuyển 100 triệu đồng cho một tài khoản mang tên TRAN CHI HUNG (mở tại Vietcombank). Nghi ngờ bà A. bị lừa đảo, chị Trâm đã báo CA phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) đến làm việc, trấn an bà A. Được biết, có một đối tượng lạ tự giới thiệu ở nước ngoài nhắn tin làm quen bà A., tạo thiện cảm và đề nghị chuyển khoản 100 triệu đồng để làm thủ tục về nước thăm bà.
Trong tháng 11.2023, 2 nhân viên ngân hàng BIDV trên địa bàn tỉnh cũng đã góp công ngăn chặn 2 vụ lừa đảo với tổng số tiền lên đến 1 tỷ đồng. Thủ đoạn của bọn lừa đảo vẫn là chiêu cũ: Giả danh cơ quan chức năng gọi điện báo người dân có liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật, cần chuyển hết tiền trong tài khoản ngân hàng cho chúng để phục vụ điều tra.
Chị Chế Thị Ngọc Linh (1 trong 2 nhân viên kể trên) cho biết: Được thông tin nhiều vụ việc lừa đảo nên tôi luôn cẩn thận khi thực hiện các giao dịch. Đặc biệt, nếu thấy khách hàng có những biểu hiện lạ, tôi sẽ hỏi han kỹ hơn. Hằng ngày, khi làm việc, chúng tôi cố gắng dành thời gian để tư vấn kỹ cho khách hàng, nắm bắt sự việc để giúp đỡ họ hết mức có thể. Tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần bảo vệ được tài sản của người dân.
Chị Chế Thị Ngọc Linh luôn nhiệt tình tư vấn cho khách hàng. Ảnh: X.Q
Từ những sự việc trên cho thấy nhiều người dân vẫn còn “nhẹ dạ cả tin”, vì lòng tham mà dễ dàng bị lừa bởi những chiêu thức cũ. Trước tình hình đó, đội ngũ nhân viên ngân hàng được ví như “người gác cổng” bảo vệ tiền bạc cho khách hàng, trực tiếp ngăn chặn lừa đảo khi nạn nhân đến giao dịch. Vì vậy, việc trang bị nghiệp vụ, kỹ năng và ý thức phòng, chống tội phạm cho đội ngũ này rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Quang Đông, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định, các cán bộ, nhân viên của đơn vị thường xuyên được thông tin về các thủ đoạn, cách thức lừa đảo của tội phạm để ứng phó khi cần thiết. Chú trọng nâng cao nghiệp vụ, bảo vệ tài sản cho khách hàng là những nội dung luôn được quán triệt và nhắc đi nhắc lại trong mỗi cuộc họp. “Điểm mấu chốt là nắm bắt được tâm lý khách hàng, khi thấy họ có những biểu hiện tâm lý bất ổn thì phải can thiệp ngay”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo đại tá Ngô Cự Vinh, Phó Giám đốc CA tỉnh, việc nhân viên ngân hàng góp công ngăn chặn các vụ lừa đảo trong thời gian qua là tín hiệu vui, cho thấy trách nhiệm trong công việc và ý thức phòng, chống tội phạm lừa đảo của mọi người đã được nâng cao. Điều này cũng khẳng định vai trò của nhân viên ngân hàng là rất quan trọng trong việc trực tiếp bảo vệ tài sản của nhân dân, góp phần cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị để phục vụ cho lực lượng CA điều tra, khoanh vùng tội phạm.
XUÂN QUỲNH