Tiềm năng khai thác và tháo gỡ điểm nghẽn dòng vốn đầu tư FDI
Tiềm năng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam đang rất lớn, nhưng song song với đó là những điểm nghẽn cần tháo gỡ, để dòng vốn này được khơi thông đạt kỳ vọng.
Khu vực đầu tư FDI hiện là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu Việt Nam - chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, cùng nhiều vai trò quan trọng khác. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế từ thời điểm Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực (từ 1987) - là khung pháp lý đầu tiên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đến cuối năm 2023, đã có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ tới đầu tư tại Việt Nam với gần 40.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 462 tỷ USD.
Thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, trong 143 quốc gia, vùng lãnh thổ tới đầu tư tại Việt Nam, trong gần 40.000 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 462 tỷ USD, Hàn Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu cả về số vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Khu vực đầu tư FDI đang đóng góp nhiều cho tăng trưởng và là 1 trong những động lực chính của tăng trưởng kỳ vọng
Xu hướng các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam cũng đang ngày càng tích cực. Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI của toàn khu vực ASEAN, xếp sau Singapore và Indonesia. Khu vực đầu tư FDI đang đóng góp nhiều cho tăng trưởng và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kỳ vọng.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, và cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI có thặng dư lớn.
“Khu vực đầu tư FDI đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ công nghệ của người Việt Nam, đồng thời tăng năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu.
Đó là những lí do lí giải thu hút FDI là một trong những trọng tâm tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và thông tin xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp diện “đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu” luôn được quan tâm. Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu công nghiệp DEEP C khẳng định, Việt Nam có những yếu tố rất hấp dẫn đầu tư như có vị trí chiến lược, có lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện.
“Với nhiều hiệp định thương mại mới đã ký kết rất phù hợp và có lợi cho các DN FDI. Đặc biệt, Việt Nam là một thị trường mới nổi, hiện tại là trung tâm thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tôi tin rằng quá trình đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Koen Soenens tin tưởng.
Theo nhiều nhà đầu tư quốc tế, muốn thu hút đầu tư ngày càng tích cực, Việt Nam phải có các điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần chính là những lợi thế - phản ánh vị thế hiện có của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư như quan điểm vừa rồi, còn điều kiện đủ là nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư, quan điểm chỉ đạo điều hành, giấy tờ, thủ tục pháp lý… để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp tăng trưởng.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) dẫn chứng, có những lĩnh vực DN châu Âu tự tin về công nghệ, tài chính để triển khai tại Việt Nam, mang lợi nhuận và sức bật cho Việt Nam như năng lượng, năng lượng tái tạo hay đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính - gánh nặng cấp phép. Việt Nam hiện nay đang làm tốt trong giải ngân đầu tư công và những công trình về cơ sở hạ tầng đang được triển khai rất quyết liệt nhưng việc tận dụng nguồn vốn tư nhân mà đặc biệt là nguồn vốn PPP còn nhiều hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài rất khó để có thể tham gia.
“Với kỳ vọng được chuyển giao công nghệ, nhưng các DN FDI vẫn có những rào cản đối với chuyên gia nước ngoài khi sang làm việc tại Việt Nam. Cụ thể là về giấy phép lao động, đặc biệt là chuyên gia từ các quốc gia tiên tiến cần được dễ dàng hơn. Khi đó họ mới có thể sang làm việc tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ, tri thức một cách tự nhiên nhất”, ông Minh đề cập.
Mặc dù nêu bật những bất cập, thách thức cần quan tâm điều chỉnh nhưng số liệu đại diện Eurocham cung cấp cho thấy tín hiệu đầu tư từ cộng động doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam đang và sẽ tiếp tục xu hướng tích cực. Theo kết quả khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh được tổ chức này thực hiện gần đây nhất, các DN châu Âu không chỉ bình chọn Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, mà gần 20% lãnh đạo các DN được khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí ưu tiên số 1.
Điều quan trọng để khơi thông dòng vốn từ nguồn lực này, theo TS Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN FDI đầu tư phụ thuộc vào triển vọng kinh tế cả bên ngoài và bên trong. Nhà nước phải gửi được tín hiệu nền kinh tế ngày càng tốt - tín hiệu các công trình hạ tầng, kết nối lớn giữa các tỉnh, các vùng kinh tế…. rất tốt. Tuy nhiên còn những điểm nghẽn, đó là câu chuyện về vốn tín dụng, về thị trường trái phiếu rất cần phải quan tâm.
Ở góc độ cơ quan quản lý, tham mưu hoạch định chính sách, điều phối và thúc đẩy thực thi chính sách nhằm thu hút-hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI đồng hành cùng kinh tế đất nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài khẳng định, khó khăn đối với DN FDI xuất phát từ nhiều khía cạnh, có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển. Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu trình Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khung khổ pháp lý.
“Chúng ta đã có chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu nhưng điều đó là chưa đủ. Chính phủ sẽ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, cần tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ DN”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Các DN FDI cần thêm cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển
Sau hơn 35 năm kể tư khi có Luật đầu tư nước ngoài, mục tiêu của Việt Nam trong thu hút FDI là góp phần phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, cùng mô hình kinh doanh và kỹ năng quản trị DN tiên tiến đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tác động nhiều mặt KT-XH, nhưng cũng đã được các chuyên gia khẳng định là ‘vẫn chưa đạt kỳ vọng mục tiêu thu hút FDI’.
Chính phủ cũng đã nhận diện được các vấn đề cần quan tâm trong nỗ lực đạt mục tiêu kỳ vọng này. Vấn đề không chỉ ở tầm vĩ mô thay đổi, điều chỉnh các chủ trương,chính sách, đó còn là sự chủ động phối hợp của toàn hệ thống thực thi chính sách, đặc biệt là trong xu hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Chỉ khi có sự hợp lực - từ hoạch định chính sách, thực thi chinh sách,…những nỗ lực thu hút, khơi thông dòng vốn FDI mới có thể thay đổi theo chiều hướng ngày càng tích cực, như kỳ vọng.
Theo Thu Trang (VOV1)