Đà Nẵng đưa vào sử dụng trung tâm ghép tạng, phẫu thuật thần kinh gần 1.000 tỷ đồng
Hai trung tâm này đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến mà không phải điều trị xa ở hai đầu đất nước.
Ngày 27.2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ bàn giao đưa vào sử dụng công trình Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình và Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc 11 tầng, quy mô hơn 400 giường bệnh.
Cả hai công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, khởi công xây dựng từ năm 2019. Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình có tổng mức đầu tư gần 472 tỷ đồng với 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, diện tích sàn sử dụng là hơn 23.000m2.
Trung tâm có quy mô hơn 400 giường bệnh, đáp ứng được việc mở rộng và điều trị chuyên sâu các bệnh lý về thần kinh sọ não, thần kinh cột sống, các chấn thương chi trên, chấn thương chi dưới, bỏng tạo hình kết hợp tập phục hồi chức năng cùng hệ thống khu điều trị dịch vụ yêu cầu khang trang, hiện đại.
Hai trung tâm y tế chuyên sâu đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân miền Trung khám chữa bệnh.
Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng có tổng mức đầu tư gần 496 tỷ đồng với 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, diện tích sàn sử dụng gần 20.000m2, quy mô khoảng 422 giường bệnh. Trung tâm xây dựng hoàn thành nhằm mục tiêu nâng tầm chất lượng, sớm ứng dụng, sử dụng các kỹ thuật cao trong ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc.
Trung tâm có hệ thống phòng mổ hiện đại cùng khu ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc, với trang thiết bị được đầu tư đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người dân.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng (bìa phải) giới thiệu trang thiết bị y tế tại hai trung tâm.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, hai trung tâm này sau khi đưa vào sử dụng sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác khám chữa bệnh cùng với việc đầu tư hệ thống kỹ thuật đồng bộ, trang thiết bị y tế hiện đại, giúp bệnh viện giữ vững và phát huy vị thế là một Trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố và khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Từ đó tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến mà không phải điều trị xa ở hai đầu đất nước, sẽ giảm chi phí, thời gian di chuyển.
Theo Thanh Trần (TPO)