Vấn nạn bằng giả, bằng rởm
Một đường dây môi giới, làm và sử dụng bằng giả ở Tuy Phước vừa bị phát hiện. 2 đối tượng Phạm Thị Xuân Mai (ở xã Phước Lộc, nguyên nhân viên y tế Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp) và Trình Thị Ngọc Hậu (ở xã Phước Hiệp, nguyên nhân viên y tế Trường THCS Phước Hiệp) đã bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo kết luận của cơ quan tố tụng, từ năm 2006 đến 2010, Mai và Hậu đã mua 32 bằng giả, trong đó có 27 bằng trung cấp điều dưỡng làm giả với tổng số tiền gần 330 triệu đồng. Trong đó, Mai trực tiếp nhận của người khác mua 17 bằng giả, hưởng chênh lệch gần 18 triệu đồng; Hậu nhận mua 15 bằng, hưởng chênh lệch gần 20 triệu đồng. Bản thân Mai và Hậu cũng đều đã mua và sử dụng bằng tốt nghiệp THPT và bằng Trung cấp điều dưỡng giả để đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ xét tuyển công chức.
Trong những người mua và nhận bằng Trung cấp điều dưỡng giả có người chưa được học ngày nào. Nếu không được phát hiện, sức khỏe, tính mệnh của các em học sinh sẽ ra sao khi giao phó vào tay những con người không có chút kiến thức nào về y tế? 3 trong số 23 người sử dụng bằng giả hiện đã bị tạm đình chỉ công tác. Vụ việc này hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Vụ việc lùm xùm trên chưa lắng thì lại xảy ra vụ nâng điểm tốt nghiệp cho sinh viên của Trường Đại học Quy Nhơn. Điều tra ban đầu cho thấy một chuyên viên của Phòng Đào tạo nhà trường đã nhận 132 triệu đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho 71 sinh viên, biến 42 SV từ chưa đủ điều kiện tốt nghiệp thành tốt nghiệp, 14 SV tốt nghiệp từ loại trung bình thành loại khá. Những tấm bằng đại học này có thể gọi là bằng rởm vì nó không phản ánh đúng thực chất của người học.
Bằng giả, bằng rởm không còn là chuyện hiếm nếu không muốn nói là khá phổ biến hiện nay. Nó có ở nhiều cấp học, từ học vị cao nhất là tiến sĩ cho đến các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Dư luận đã từng bàn tán nhiều về một số các quan chức sử dụng bằng giả: Một quan chức cấp cao dùng bằng tiến sĩ chỉ sau 6 tháng “đào tạo”; một vị lấy bằng thạc sĩ chỉ sau… 40 ngày học; một trường đại học quốc gia liên kết với trường ngoại dỏm để cho ra lò 300 bằng thạc sĩ, tiến sĩ v.v…
Vấn nạn bằng giả, bằng rởm đang làm xói mòn niềm tin đạo đức, băng hoại các giá trị, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Đối với ngành giáo dục, nó làm vẩn đục môi trường, tạo sự bất bình đẳng giữa người yếu kém và người thực tài. Nó còn được xem là một dạng tham nhũng - tham nhũng về chức tước, địa vị khi những tấm bằng giả, bằng rởm lại tạo nên cơ hội thăng quan tiến chức cho những người sở hữu nó.
Nguyên nhân sâu xa của sự dối trá này là nạn sính bằng cấp đang ngự trị trong bộ máy tổ chức của chúng ta. Nhiều nơi, nhất là trong các cơ quan nhà nước quá đặt nặng tiêu chuẩn bằng cấp trong việc xét tuyển dụng, tăng lương, thăng chức, nhưng lại thiếu biện pháp kiểm tra, đánh giá thực chất. Bằng cấp và thực tài không phải lúc nào cũng đồng nhất tỉ lệ thuận. Nhiều địa phương vừa qua đã tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài nhưng vì quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp học vị, học hàm nên nhiều khi không đạt được mục đích là thu hút nhân tài đích thực! Do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp, nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp này nọ không qua thực học, thực tài.
Nguyên nhân còn là do việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả, bằng rởm chưa kiên quyết. Với các cơ quan, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là thôi việc. Nếu không kiên quyết hoặc “nhẹ trên nặng dưới” trong những trường hợp cụ thể mà dư luận đã lên tiếng thì khó mà triệt đất sống của bằng giả, bằng rởm.
Ngọc Minh