Ðảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Ðó là ấn tượng nổi bật từ đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh được Ðoàn ÐBQH tỉnh thực hiện trong 2 ngày 27 và 28.2.
Theo đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trên địa bàn tỉnh đã góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy tại các đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Giảm 153 đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, UBND tỉnh đã đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế tại các đơn vị SNCL bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ. Gắn công tác đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách hành chính. Trên cơ sở đó đã cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, bố trí đủ nguồn lực cần thiết, đảm bảo cho các đơn vị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Qua thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL, đến ngày 30.11.2023, toàn tỉnh còn 720 đơn vị, giảm 153 đơn vị so với năm 2015 (tỷ lệ giảm 17,5%). Trong đó, đơn vị SNCL thuộc UBND tỉnh còn 7 (giảm 2); đơn vị SNCL thuộc các sở, ban, ngành còn 122 (giảm 92); đơn vị SNCL thuộc UBND cấp huyện còn 591 (giảm 59).
Công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nhân lực được thực hiện đảm bảo theo quy định. Việc tinh giản biên chế được thực hiện đúng đối tượng, bảo đảm tỷ lệ tinh giản theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt. “Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giảm 4.090 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị. Đến ngày 30.11.2023, 100% đơn vị SNCL được giao tự chủ tài chính”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường nhìn nhận: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL từ năm 2018 đến nay tại Sở mang lại nhiều kết quả tích cực. Bộ máy tổ chức của các đơn vị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được rà soát, điều chỉnh đảm bảo hợp lý, khắc phục được tình trạng chồng chéo, hiệu quả hoạt động nâng lên.
“Từ 7 đơn vị SNCL trực thuộc năm 2015, đến nay, Sở đã sắp xếp, sáp nhập chỉ còn 5 đơn vị, với tổng số biên chế 57 người. Nhờ bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả hoạt động tại các đơn vị được nâng lên, từng bước thực hiện có hiệu quả tự chủ về tài chính”, ông Nhường cho hay.
Việc đổi mới tổchức vàquản lý bộmáy đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL ở Sở KH&CN.
- Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm khoa học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (đơn vị SNCL trực thuộc Sở KH&CN). Ảnh: M.LÂM
Còn tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, ông Đặng Văn Phụng, Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, đến cuối năm 2023, Trường đã sắp xếp tinh giản 4 đơn vị đầu mối trực thuộc và giảm 74 biên chế. Trường hiện còn 9 phòng chức năng và đơn vị nghiệp vụ, 8 khoa chuyên môn với 270 người.
“Đội ngũ cán bộ, viên chức giảng viên và nhân viên từng bước được tinh gọn, chất lượng chuyên môn, năng lực công tác ngày càng được nâng cao. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại Trường đã bước đầu giúp chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả”, ông Phụng khẳng định.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Qua giám sát trực tiếp tại Sở KH&CN, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn và UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL.
Đoàn giám sát làm việc với Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn. Ảnh: N.H
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay: Các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật đối với đơn vị SNCL chưa được đồng bộ, đầy đủ. Cụ thể như: việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị theo ngành, lĩnh vực; định mức kinh tế - kỹ thuật; khung giá đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công chưa được ban hành kịp thời, gây khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các đơn vị.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn xác định, xây dựng danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành, định mức số lượng người làm việc, tiêu chuẩn chức danh trong đơn vị SNCL chưa kịp thời, gây ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, viên chức, người lao động.
Từ thực tế khó khăn trên, tỉnh đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức theo hướng bảo đảm sự liên thông giữa viên chức và công chức. Đề xuất Bộ Nội vụ cần trình Chính phủ ban hành Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị SNCL; trong đó, cần xây dựng cụ thể danh mục các đơn vị SNCL thống nhất trong cả nước để thực hiện đồng bộ. Cần quan tâm, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút, đãi ngộ, phát triển nhân lực trình độ cao tại các đơn vị SNCL.
Qua các buổi giám sát, bà Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh - Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh và các đơn vị. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ xem xét, kịp thời tháo gỡ, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Bà Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị SNCL đến cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo sự thông suốt, thống nhất, hiệu quả.
NGUYỄN HÂN