Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống
Theo đánh giá của Sở KH&CN, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố trong năm qua giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy KT-XH ở các địa phương phát triển.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết năm 2023 có 8/11 nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN được triển khai ở các địa phương đem lại kết quả nổi bật, như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ bền vững tại huyện An Lão; ứng dụng KH&CN về hỗ trợ nâng cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát); ứng dụng KH&CN trong thâm canh cây dừa xiêm ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đạt tiêu chuẩn VietGAP hay xây dựng mô hình sản xuất trà túi lọc từ cây sâm Bố Chính tại TX An Nhơn…
Mô hình ứng dụng KH&CN về hỗ trợ nâng cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi được UBND huyện Phù Cát và Sở KH&CN triển khai ở 4 thôn thuộc xã Cát Trinh, với 2.000 hộ tham gia, đến nay đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua mô hình, mỗi hộ dân được trang bị 3 thùng rác riêng biệt, chế phẩm vi sinh để thực hiện cách phân loại rác và xử lý tại nhà. Nhờ vậy, bà con ở địa phương đã nắm bắt, vận dụng đúng phương pháp phân loại rác thải theo từng loại, gồm: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và tái sử dụng, rác nguy hại.
Mô hình ứng dụng KH&CN trong thâm canh cây dừa xiêm ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đạt tiêu chuẩn VietGAP có khả năng nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho hay: Mô hình thực hiện từ tháng 8 - 12.2023, với kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Sau khi kết thúc, chính quyền tiếp tục vận động bà con duy trì, đồng thời nhân rộng ra nhiều hộ khác. Nhờ thực hiện tốt hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, nên môi trường cảnh quan ở địa phương đã xanh, sạch hơn, đây là điều kiện để xã sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 và đang chờ Hội đồng thẩm định xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh đánh giá, công nhận.
Tương tự, mô hình ứng dụng KH&CN trong thâm canh cây dừa xiêm ở xã Ân Tín đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm. Ông Trương Quang Thắng, công chức Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Hoài Ân, thông tin: Huyện và Sở KH&CN thực hiện mô hình trong 1 ha, với 5 hộ ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín tham gia. Kết quả cho thấy các vườn dừa xiêm thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP sinh trưởng tốt, trong đó chiều cao cây tăng từ 5,5 - 5,8 m, số mo/cây dao động từ 12,1 - 12,6 mo (yếu tố cho năng suất thu hoạch quả tăng qua các năm).
Ông Võ Văn Dung, 59 tuổi, ở thôn Vạn Hội 1 - hộ tham gia mô hình chia sẻ: Sau khi tham gia mô hình, tôi nắm bắt thêm các kỹ thuật chăm sóc cây dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, cây dừa xiêm cho trái nhiều hơn. Trước đây, tôi trồng, chăm sóc kiểu truyền thống thì một cây có khoảng 7 - 8 buồng (buồng 7 - 8 quả nhưng chất lượng không đều). Sau khi áp dụng quy chuẩn chăm sóc VietGAP, một cây dừa đạt từ 10 - 11 buồng (buồng 10 - 12 quả, chất lượng quả đồng đều). Đặc biệt, tỷ lệ sâu, bệnh gây hại, như bọ dừa, kiến gương, đuông dừa, thối đọt và bệnh rụng nứt quả non giảm rõ rệt. Nhờ chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, dừa xiêm của tôi bán cũng cao giá hơn so với dừa chăm sóc theo cách thông thường.
“Nhận thấy mô hình thực hiện đem lại hiệu quả, huyện tiếp tục thực hiện thêm 2 ha khác. Kết quả, toàn bộ 3 ha/19 hộ tham gia ở thôn Vạn Hội 1 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, huyện tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình này đến nhiều xã khác của huyện, góp phần nâng cao chất lượng nông sản ở địa phương. Ngoài ra, năm 2024, huyện sẽ ưu tiên lựa chọn các mô hình ứng dụng KH&CN về chăn nuôi gà đẻ trứng đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình trồng dứa MD2 và nuôi cá bống tượng trong ao nước ngọt để triển khai, nhân rộng cho bà con”, ông Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ ứng dụng KH&CN khác thực hiện chuyển tiếp từ năm 2023 đến năm 2024, trong đó có mô hình trồng cây chuối mốc nuôi cấy mô ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), hay ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn, nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong nuôi tôm thương phẩm bền vững tại huyện Tuy Phước, hứa hẹn sẽ tạo thêm cây, con giống mới để người dân phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các mô hình ứng dụng KH&CN từ nguồn đầu tư phát triển, khuyến nông, khuyến công… trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghệ ứng dụng các tiến bộ mới được thực hiện trong năm 2023 cũng mang lại nhiều hiệu quả. Có thể kể đến, mô hình trồng súp lơ vàng chịu nhiệt theo hướng VietGAP ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), với quy mô 1.000 m2, hiệu quả đạt 621 kg/sào (500 m2), chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận. Hay, mô hình ứng dụng thiết bị không người lái (drone) để phòng trừ sâu bệnh được triển khai trong diện tích gần 236 ha ở HTX Nông nghiệp Phước Quang (huyện Tuy Phước), cũng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, kinh phí, đặc biệt là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe…
TS Lê Công Nhường cho biết thêm: “Năm 2024, đơn vị bố trí khoảng 1,5 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN cấp huyện, tăng hơn 500 triệu đồng so với năm 2023. Các địa phương sẽ lựa chọn các tiến bộ KH&CN, kết quả nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất… để ứng dụng tại địa phương”.
TRỌNG LỢI