An Nhơn nỗ lực hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp
UBND TX An Nhơn đang tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào hoạt động, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ðồng thời, phát triển công nghiệp gắn với đô thị hóa theo hướng bền vững, để An Nhơn trở thành đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn, tạo động lực phát triển vùng phía Nam của tỉnh.
Hiện nay, UBND TX An Nhơn đang triển khai các hồ sơ, thủ tục theo quy định để đầu tư xây dựng mở rộng Cụm công nghiệp (CCN) Tân Đức (xã Nhơn Mỹ) từ 31,5 ha lên gần 50 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 104 tỷ đồng. Phần mở rộng được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (HTKT), gồm các hạng mục: San nền; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ; cấp, thoát nước; xử lý nước thải; cấp điện và cây xanh.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Hoàng Hoa - DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu hoạt động tại Cụm công nghiệp Đồi Hỏa Sơn, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn). Ảnh: N.HÂN
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TX An Nhơn - đơn vị được giao quản lý các CCN do UBND TX An Nhơn đầu tư xây dựng hạ tầng, cho biết: Việc đầu tư mở rộng CCN Tân Đức nhằm tạo quỹ đất để di dời các DN, cơ sở sản xuất tại CCN Gò Đá Trắng (phường Đập Đá) vào hoạt động theo chủ trương của tỉnh. Bên cạnh đó, đảm bảo điều kiện về HTKT an toàn, thuận lợi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện tổ chức hoạt động tốt nhất cho các DN, HTX và cơ sở sản xuất; giải quyết việc làm, đào tạo nghề nâng cao thu nhập cho lao động địa phương; tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Cùng với đó, TX An Nhơn đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp HTKT dùng chung tại các CCN Bình Định (phường Bình Định), Nhơn Hòa (phường Nhơn Hòa) và Thanh Liêm (xã Nhơn An) như: Hệ thống giao thông nội bộ, vỉa hè; cây xanh; chiếu sáng công cộng; thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn. Theo dự kiến, các công trình sẽ hoàn thành trong quý IV/2024 và năm 2025; riêng hệ thống xử lý nước thải tại CCN Nhơn Hòa thuộc giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TX An Nhơn, về quy hoạch phát triển CCN được cấp thẩm quyền phê duyệt, địa bàn TX An Nhơn có 12 CCN, với tổng diện tích 323 ha. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, CCN Nhơn Phong (xã Nhơn Phong) và Thắng Công (xã Nhơn Phúc) đã được UBND TX An Nhơn đề nghị tỉnh đưa ra khỏi phương án phát triển.
Hiện trên địa bàn TX An Nhơn có 9/10 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 109 DN, cơ sở sản xuất vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 4.060 lao động. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất trực tiếp quản lý 5 CCN gồm: Bình Định, Gò Đá Trắng, Thanh Liêm, Nhơn Hòa, Tân Đức. Các CCN còn lại gồm Đồi Hỏa Sơn, An Mơ, An Trường, Nhơn Tân 1 và Nhơn Tân (chưa đi vào hoạt động) do DN làm chủ đầu tư quản lý.
“Số lượng CCN đi vào hoạt động nhiều nhưng hệ thống HTKT còn thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thứ cấp và công tác bảo vệ môi trường. Do đó, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện HTKT tại các CCN để thu hút DN thứ cấp vào hoạt động, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bền vững là rất cấp thiết”, ông Hồng nhìn nhận.
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, UBND thị xã đưa ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023 - 2025 là tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh HTKT các CCN đã đi vào hoạt động. Đến năm 2025, số lượng CCN đã đi vào hoạt động có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định đạt 100%. Tỷ lệ lấp đầy các CCN do UBND TX An Nhơn quản lý đạt trên 90%; các CCN do DN làm chủ đầu tư, quản lý đạt trên 60%.
“Thời gian tới, UBND TX An Nhơn tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút DN, nhà đầu tư có tiềm năng vào lĩnh vực CCN. Công khai, minh bạch các chính sách liên quan thu hút đầu tư vào CCN như giá thuê đất; phí hạ tầng dùng chung; vốn ứng trước để DN xây dựng hạ tầng của từng CCN; chính sách miễn giảm thuế. Đồng thời, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo vệ môi trường và kiểm soát các cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; tiến tới thực hiện quan trắc tự động để kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các CCN”, ông Cư cho hay.
VĂN LỰC