Sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp “chui” ở Phù Cát: Nhiều hệ lụy
Do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở cây giống lâm nghiệp (CGLN) chưa đủ điều kiện sản xuất kinh doanh CGLN hoặc chưa thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý CGLN theo quy định của Bộ NN-PTNT vẫn đưa sản phẩm ồ ạt ra thị trường. Trong khi đó, công tác quản lý của ngành chức năng và địa phương lại lỏng lẻo, bất cập.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, trên địa bàn hiện có 20 cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh CGLN, chủ yếu tập trung ở 2 xã Cát Hanh và Cát Trinh. Trong số này, chỉ có 6 đơn vị, cơ sở được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Nhiều CGLN có chất lượng không rõ ràng
Dọc quốc lộ 1, đoạn đi qua thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, trên cung đường dài gần 1 km, đã có đến 10 hộ gia đình tổ chức ươm CGLN; mỗi năm họ đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống. Điều đáng nói ở đây là nhiều hộ sản xuất cây bằng hạt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở xã Cát Hanh và cũng nóng không kém. Một số hộ còn sản xuất cây giống không có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.
“Tình trạng tổ chức sản xuất cây giống lâm nghiệp không rõ ràng về chất lượng diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn bình chân như vại ”
Điều kỳ lạ là tình trạng tổ chức sản xuất CGLN không rõ ràng về chất lượng trên diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn bình chân như vại. Hệ quả là nhiều người trồng rừng mua phải giống kém chất lượng, mất nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp.
Tháng 9.2012, được bạn bè giới thiệu, lại tham rẻ, anh Nguyễn Dũng, ở thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, mua 2.000 cây bạch đàn của một cơ sở ươm cây giống ở thôn Phú Kim về trồng. Gặp phải giống kém chất lượng, lớp chết yểu lớp kém phát triển, sau gần 2 năm chăm sóc anh Dũng coi như mất trắng. Anh Dũng than thở: “Ban đầu, tôi thấy cây giống xanh mướt, nghĩ trồng sẽ nhanh phát triển. Ai dè, trồng hơn năm rồi mà cây không phát triển. Nhổ đi thì tiếc công, tiếc của, còn để thì thấy nó èo uột, tốn công tốn của. Thiệt tức không chịu được!”.
Cần siết chặt quản lý
Theo ông Võ Đình Trí, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, từ đầu năm 2014 đến nay, mặc dù chính quyền địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu dừng sản xuất, nhưng các hộ này vẫn không chấp hành. Để bảo vệ người trồng rừng, trong tháng 9 này, Phòng NN-PTNT huyện sẽ phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh các cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh CGLN trên địa bàn huyện. Đồng thời thông báo các hộ không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh CGLN để mọi người biết và tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có huyện Phù Cát), tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất kinh doanh CGLN thực hiện đúng các quy định của Bộ NN-PTNT. Đối với các đơn vị, hộ gia đình cố tình vi phạm, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị chính quyền các địa phương công bố các cơ sở sản xuất CGLN kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, nhằm tránh thiệt hại cho người trồng rừng.
“Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các sai phạm trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh CGLN. Đối với các đơn vị, hộ gia đình cố tình vi phạm cần có biện pháp xử lý cương quyết theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN-PTNT nhấn mạnh.
Toàn huyện Phù Cát, hiện có 6 cơ sở sản xuất kinh doanh CGLN được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động: Công ty TNHH tư vấn Nông lâm AHB Miền Trung, cơ sở Lâm Tứ 2, Công ty TNHH lâm nghiệp Miền Trung, Công ty TNHH Giống cây trồng Anh Vũ, Công ty TNHH Kết nối B.2.C và Cơ sở SXKD và DV giống cây trồng Năm Chung.
NHÃ LÂM