Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách tại 111 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 4.552 tỷ đồng với 76.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang là nguồn lực quan trọng, góp phần giúp các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để chuyển tải nhanh nguồn vốn ưu đãi đến với người dân, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể tại địa phương thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chủ động hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn hoàn thành các thủ tục cần thiết để giải ngân, không để người dân chờ đợi lâu.
Nhiều hộ dân đến điểm giao dịch xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh để vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: T.SỸ
Chính quyền các địa phương xem việc đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nên đã trích ngân sách ủy thác cho ngân hàng để giải quyết vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng, hội, đoàn thể tích cực tư vấn người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm giữa các đơn vị đã giúp bà con phát huy được hiệu quả vốn vay, có tiền trả nợ vay đúng hạn và tích lũy được vốn để tái đầu tư. Đến nay, vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã “phủ sóng” đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho vay ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao và 111 xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Sáng 27.2, nhiều hộ dân đã đến điểm giao dịch xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh vay vốn TDCS từ Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh để đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Được cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn, ông Điền Văn Thái, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp sớm hoàn tất thủ tục vay 50 triệu đồng. Ông Thái chia sẻ: Đợt trước, ngân hàng đã cho tôi vay 50 triệu đồng để đầu tư mua 2 con bò giống sinh sản, đợt này tôi vay 50 triệu đồng nữa để mua thêm bò giống về thả nuôi. Chăn nuôi đã và đang là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi.
Ông Huỳnh Đức Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, hoạt động TDCS đã lan tỏa đến 59 thôn, làng và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tổng dư nợ TDCS tại địa phương tính đến ngày 31.12.2023 đạt 450,33 tỷ đồng, tăng 58,402 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Nguồn vốn nói trên đã đến tay 5.642 hộ dân, giúp bà con đầu tư phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh… Nhờ nguồn vốn TDCS, xã Vĩnh Quang đã đạt chuẩn NTM, xã Vĩnh Hảo hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động TDCS tại các địa phương, trong đó có 2 xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hiệp đang nỗ lực về đích NTM trong năm 2025.
Hoạt động TDCS cũng đang phát huy hiệu quả tích cực tại các huyện: Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân… Ông Phan Phương Trình, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, cho hay: Doanh số cho vay TDCS năm 2023 đạt 225,324 tỷ đồng, tăng 32,346 tỷ đồng so với năm 2022. Có 4.811 lượt hộ dân được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh; vay vốn đầu tư cho con em học tập; mua nhà ở xã hội, xây mới và sửa chữa nhà ở… Qua đó, giúp người dân có điều kiện vươn lên, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí XDNTM.
“Hiện Phù Mỹ có 17/17 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động TDCS”, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, khẳng định.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện tổng dư nợ tại các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh đạt 4.552 tỷ đồng, với hơn 76.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn TDCS góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân tại các địa phương hoàn thành các tiêu chí XDNTM về thu nhập bình quân đầu người, lao động có việc làm, giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...
Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Chúng tôi bám sát chương trình XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và ưu tiên nguồn vốn TDCS cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã XDNTM. Ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả các điểm giao dịch ở cơ sở và các tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm giải quyết vốn vay cho người dân một cách nhanh nhất; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng, hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn bà con đầu tư phát triển kinh tế, phát huy nguồn vốn hiệu quả.
PHẠM TIẾN SỸ