Hiệu Phú và duyên nghiệp bài chòi
Với lối hô hát gần gũi, mộc mạc, tương tác với khán giả có duyên, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú được người mộ điệu bài chòi yêu thích. Sự đam mê, cầu thị tiếp thêm năng lượng để anh góp nhặt, ghi chép lại và sáng tác được gần 1.000 câu thai bài chòi, là nơi tin cậy để các hiệu trong và ngoài tỉnh tham khảo.
Miệt mài góp nhặt
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phú (SN 1971, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; hiện ở thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) lớn lên trong gia đình không có truyền thống bài chòi, nhưng thời gian hoạt động phong trào đã giúp anh thanh niên Nguyễn Phú bén duyên và gắn bó với loại hình nghệ thuật này cho đến nay. Được tham gia các lớp tập huấn của Sở VH&TT, chủ động học hỏi từ Nghệ nhân nhân dân Minh Đức, học từ dân gian, hiệu Phú được đánh giá có năng khiếu và nền tảng tốt. Từ sự miệt mài cống hiến, năm 2019, anh được phong tặng NNƯT; đồng thời trở thành anh hiệu được đón đợi tại nhiều hội đánh bài chòi dân gian.
NNƯT Nguyễn Phú được đánh giá là nghệ nhân bài chòi có nét duyên thu hút khán giả. Ảnh: NVCC
● Cơ duyên nào đã đưa anh đến với bài chòi dân gian?
- Thật ra không phải khi bài chòi bắt đầu được chú ý, phục dựng tôi mới biết đến loại hình nghệ thuật này. Khoảng năm 1995, khi đang công tác tại Xã đoàn Phước Lộc và sau đó là Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, tôi đã biết đến bài chòi qua những vở kịch tuyên truyền.
Năm 2010, bài chòi được quan tâm, phục dựng, với niềm mến mộ vốn có, tôi tham dự lớp tập huấn Chương trình bảo tồn hội đánh bài chòi dân gian Bình Định do Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH&TT) tổ chức cho những nghệ nhân, người yêu thích bài chòi trên địa bàn tỉnh. Qua những chia sẻ của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Minh Đức, lớp tập huấn làm tôi thấy rõ hơn nét đẹp của bài chòi. Từ đó, tôi càng yêu thích loại hình nghệ thuật này.
● Được biết, lần đầu “chạy hiệu”, anh được biểu diễn ở “quê hương thứ 2” của mình. Đó có phải là điều đặc biệt đối với anh trong hành trình đến với bài chòi?
- Đó là điều tôi cảm thấy nhớ nhất cho đến bây giờ. Năm 2011, sau khi Dự án Bảo tồn hội đánh bài chòi cổ dân gian được triển khai, Sở VH&TT tổ chức hội đánh bài chòi dân gian ở Lễ hội Chợ Gò huyện Tuy Phước và tôi đã biểu diễn lần đầu ở ngay mảnh đất mình lớn lên. Vui hơn là nhiều người khen, trong đó có nhiều cô chú lớn tuổi. Đó là động lực cho tôi mãi đến bây giờ.
● Còn việc anh sưu tầm, sáng tác, biên soạn câu thai bài chòi...
- Về câu thai bài chòi, nếu chúng ta quên lãng, không ghi chép, lưu truyền chỉ 1 năm đã có rất nhiều câu thai mất đi. Và cứ dần như thế, qua nhiều năm, nhiều câu thai hay sẽ không còn. Có lần biểu diễn tại hội đánh bài chòi dân gian ở thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), một lão bà đưa cho tôi 1 bìa carton có viết câu thai “nhì nghèo”. Lúc đó tôi như vỡ òa, vì câu thai quá hay. Tôi ghi chép lại, bây giờ câu thai này vẫn được hô hát và là câu mẫu ở các hội bài chòi tại Bình Định. Từ đó, tôi nghĩ tại sao mình không thực hiện sưu tầm và ghi lại. Do vậy, trong quá trình giao lưu, khi thấy các cô chú, anh chị hô bài chòi, câu thai nào hay tôi sẽ ghi lại. Tôi sẽ tiếp tục hoạt động này.
● Những câu thai sưu tầm, sáng tác được anh sử dụng như thế nào?
- Tôi đã sưu tầm, sáng tác được khoảng 1.000 câu thai. Tôi in các câu thai thành tập và chia sẻ cho các CLB bài chòi của huyện, các xã, thị trấn, các trường học. Cùng với đó, một số nghệ nhân ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa ngỏ ý và tôi cũng sẵn sàng chia sẻ.
Trong hệ thống câu thai đó, ai thích câu nào thì học câu đó, từ câu thai ngắn tới câu thai dài, câu thai đối đáp... Tôi hy vọng điều này sẽ góp phần làm phong phú hệ thống câu thai. Điểm đặc biệt của các câu thai do ông bà ta để lại là nhiều câu có ý than thân trách phận nhưng không hề ai oán, bi lụy, mà vẫn toát lên hy vọng về tương lai. Tôi muốn góp nhặt, gìn giữ những nét ý vị này.
Nặng lòng với công tác bảo tồn
Không chỉ miệt mài trau dồi để trở thành “anh hiệu” được nhiều người quý mến, NNƯT Nguyễn Phú còn nặng lòng với công tác bảo tồn, trao truyền cho thế hệ trẻ.
● Là nghệ nhân tích cực hoạt động phong trào tại huyện Tuy Phước, anh nghĩ thế nào về đội ngũ kế cận của nghệ thuật bài chòi hiện nay tại địa phương?
- Có dịp tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu bài chòi với nhiều nghệ nhân ở các địa phương trong cũng như ngoài tỉnh, tôi nhận thấy Tuy Phước đang thiếu lực lượng kế cận, lực lượng hiệu trẻ. Do đó, tôi đã tham mưu với Trung tâm VH-TT-TT cũng như UBND huyện Tuy Phước tổ chức tập huấn cho các nghệ nhân của các CLB và thanh niên ở huyện.
Gần đây nhất, cuối năm 2023, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho lực lượng ĐVTN của các xã, thị trấn. Đợt tập huấn rất kỹ lưỡng, chỉn chu; sau tập huấn lý thuyết là phần thực hành có chòi hẳn hoi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu, tập huấn bài chòi cho nhiều đối tượng để loại hình nghệ thuật này tiếp tục được lan tỏa.
● Anh có nghĩ đến việc sẽ góp phần lan tỏa bài chòi đến trường học sâu, rộng hơn?
- Ở các hội diễn bài chòi, khán giả không chỉ là người trung niên, những người lớn tuổi mà còn có cả thanh niên, học sinh. Tôi thấy đó là một thành công. Và để đáp lại sự ái mộ ấy, tôi sẽ cố gắng truyền lại nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Trước tiên sẽ là thanh niên, lực lượng chúng tôi nhắm đến để trở thành các anh chị hiệu kế cận. Còn học sinh sẽ được giới thiệu ở góc độ tiếp cận. Qua đó, giúp các cháu biết rõ hơn về loại hình nghệ thuật này, hình thành đội ngũ khán giả bài chòi. Biết đâu qua những lần giới thiệu có thể gieo cho các cháu một niềm yêu thích với bài chòi. Tôi thấy TP Quy Nhơn có kế hoạch bảo tồn, trao truyền bài chòi rất tốt. Khi tập huấn bài chòi họ mở rộng ra đối tượng học sinh, đồng thời tổ chức hội thi cho các trường chứ không chỉ ở các CLB, tạo sức lan tỏa rất lớn.
● Anh có mong muốn gì cho sự phát triển của bài chòi thời gian tới?
- Tôi rất may mắn được đi nhiều và tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Ở miền Nam, nghệ thuật đờn ca tài tử có sức lan tỏa rất lớn, nhà nhà người người đều biết hát. Cứ đi du lịch đến một địa phương nào đó, chắc chắn ít nhiều cũng có một nhóm đờn ca tài tử biểu diễn phục vụ tại nơi họ sống. Qua đó, họ có thu nhập và cũng có cơ sở để bảo tồn. Hy vọng tỉnh ta sẽ tính đến cách làm này với bài chòi, nghệ nhân chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống cha ông để lại.
Cùng với đó, cũng là bài chòi nhưng ở Quảng Nam lại phát triển rất tốt. Dù Bình Định là cái nôi của loại hình nghệ thuật này, nhưng bài chòi Quảng Nam được đánh giá là gần gũi và được biết đến nhiều hơn. Qua thăm hỏi và theo dõi, tôi được biết Quảng Nam chủ động làm mới bài chòi để thích ứng với yêu cầu của du khách, thậm chí là khách nước ngoài. Họ còn giới thiệu bài chòi bằng tiếng Anh để du khách hiểu và cảm nhận tốt hơn. Bình Định mình thiếu phần này. Bài chòi Bình Định vẫn còn rất cổ, tôi nghĩ làm thế nào để giữ bản sắc mà vẫn tạo được sự hấp dẫn, thu hút du khách thì bài chòi mới thật sự lan tỏa.
● Xin cảm ơn anh!
Một số thành tích tiêu biểu của NNƯT Nguyễn Phú:
● Năm 2013: Giải nhất cá nhân tại Liên hoan dân ca bài chòi do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
● Năm 2015: HCV đơn ca bài chòi tại Liên hoan dân ca 3 miền.
● Năm 2017: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định.
● Năm 2018: Giải A cá nhân Liên hoan các CLB bài chòi tiêu biểu Bình Định; HCV tiết mục liên khúc dân ca bài chòi “Về miền di sản” tại Hội diễn đàn, hát, dân ca 3 miền.
● Năm 2023: HCV tiết mục biểu diễn dân ca bài chòi cổ “Bá nghệ” tại Hội diễn đàn, hát, dân ca 3 miền.
THẢO KHUY (Thực hiện)