Thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp: Cần thực hiện nghiêm các quy định
Luật Lý lịch tư pháp (2009) đã tạo bước ngoặt trong công tác quản lý, cấp phiếu và khai thác thông tin lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng như người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy còn nhiều bất cập trong cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), có 2 loại phiếu LLTP do các cơ quan Tư pháp cấp, gồm phiếu LLTP số 1 và phiếu LLTP số 2.
Phiếu LLTP số 1 cấp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 7 của Luật LLTP (phiếu này cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị có nhu cầu cấp phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý DN, HTX). Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật LLTP và cấp theo yêu cầu của cá nhân để biết được nội dung về LLTP. Cũng theo quy định của Luật LLTP, phiếu LLTP số 1 sẽ không hiển thị án tích đối với những trường hợp được xóa án tích, phiếu LLTP số 2 sẽ hiển thị đầy đủ dù được xóa hay chưa.
Mặc dù được quy định rõ ràng về đối tượng được cấp và trường hợp được cấp, nhưng trên thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động yêu cầu nộp phiếu LLTP để làm cơ sở tuyển dụng. Có nơi còn lạm dụng yêu cầu phiếu LLTP số 2. Những bất cập trên phần nào đã dẫn đến tình trạng tăng đột biến hồ sơ đăng ký cấp phiếu LLTP, gây ùn ứ, khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục này.
Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP tại quầy của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: X.Q
Chị M.T.T. (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) từng có nguyện vọng xin làm việc ở nước ngoài. Trong số các thủ tục phải làm, công ty yêu cầu chị phải nộp phiếu LLTP số 2. Năm 2008, chị có xảy ra ẩu đả với em họ và bị phạt án tù treo. Phiếu LLTP số 2 thể hiện đầy đủ thông tin này, chị T. không muốn nhắc tới chuyện cũ, không làm phiếu LLTP nên cũng mất đi cơ hội làm việc.
Lượng phiếu LLTP được cấp đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2022, Sở Tư pháp đã thực hiện cấp 8.528 phiếu LLTP; trong đó có 6.751 phiếu LLTP số 1, 1.777 phiếu LLTP số 2. Năm 2023, đã thực hiện cấp 11.216 phiếu LLTP; trong đó có 9.076 phiếu LLTP số 1, 2.104 phiếu LLTP số 2.
Ngay cả một số nghề lao động chân tay đơn giản, đơn vị tuyển dụng cũng yêu cầu nộp phiếu LLTP. Bà Mai Thị Oanh (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) cho biết, trước kia bà làm nghề giúp việc tại TP Hồ Chí Minh. Vì công việc vất vả, lương thấp nên bà nộp đơn vào một công ty ở lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng ở TP Hồ Chí Minh, công ty lại yêu cầu bà nộp phiếu LLTP.
“Trước giờ tôi chưa từng được nghe qua về thủ tục cấp phiếu LLTP. Vì vậy, tôi phải tìm hiểu thêm về thủ tục này, rồi bắt xe về quê để kịp thời nộp hồ sơ. Vòng đi, vòng về mất khá nhiều thời gian”, bà Oanh nói.
Ở chiều ngược lại, để đảm bảo quyền lợi, một số chủ DN cho rằng không thể làm gì khác vì phiếu LLTP chính là “giấy bảo đảm” người lao động là “trong sạch”, không tiềm ẩn nguy cơ đối với công ty.
Ông T.H.P. (chủ một DN chuyên về ngành hàng ăn uống ở TP Quy Nhơn) cho biết, công ty của ông có quy mô nhỏ nên khi tuyển người thường ưu tiên cho người quen biết, họ hàng. Đối với người lạ, công ty thường yêu cầu có phiếu LLTP để biết thêm về lý lịch, có thể yên tâm dùng người khi giao việc. “Chúng tôi chưa từng yêu cầu người lao động phải cấp phiếu LLTP số 2 vì trái với quy định. Tuy nhiên, tôi có biết tình trạng một số DN khác lạm dụng phiếu LLTP số 2”, ông P. nói.
Theo bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, việc một số công ty, DN lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động xuất phát từ việc nhận thức của họ về LLTP chưa đầy đủ. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP theo quy định của pháp luật mà chủ yếu yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp cũng đã gây ra những bất cập cho công tác cấp phiếu LLTP.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy định về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật LLTP. Các cơ quan, đơn vị không được yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nộp phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, chúng tôi sẽ kịp thời kiến nghị để Bộ Tư pháp giải quyết”, bà Lan nói.
XUÂN QUỲNH