Tiếp nối truyền thống võ học cha ông
Tại một số võ đường tiêu biểu trong tỉnh, hiện có những gương mặt võ sinh trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ và phát huy nét đẹp võ cổ truyền Bình Định. Với sự đam mê khổ luyện, các võ sinh trẻ này đã đạt nhiều thành tích tại các hội thi, giải đấu.
1. Sống cùng ông ngoại là lão võ sư Phan Thọ, ngay từ khi còn nhỏ Phan Minh Hải đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với võ cổ truyền, nên được ông ngoại yêu thương truyền dạy. Minh Hải tâm sự: “Khi dìu dắt tôi và các thế hệ học trò bước chân vào con đường võ cổ truyền, ông đã dạy rằng học võ thời này không phải là dùng nắm đấm để gây chuyện bạo lực, mà còn là để học võ đạo, học cách đối nhân xử thế để từ từ hoàn thiện con người mình…”. Sau hơn 15 năm luyện tập võ cổ truyền, Minh Hải (năm nay 22 tuổi) đã được võ sư Phan Thọ truyền dạy hết thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định.
“Thế hệ tôi và các con hiện vẫn đang cố gắng truyền dạy võ đơn thuần chỉ là để gìn giữ truyền thống, nguồn thu học phí để cải thiện kinh tế cũng chẳng bao nhiêu. Tuy nhiên, để lớp trẻ các cháu có thể toàn tâm toàn ý khổ luyện và gắn bó với việc truyền dạy sau này, thiết nghĩ cũng cần có sự hỗ trợ cụ thể từ phía nhà nước để góp phần động viên…”.
Võ sư HỒ SỪNG
Tham gia nhiều giải võ cổ truyền của tỉnh từ khi còn nhỏ đến nay, Minh Hải đã gây ấn tượng mạnh với những bài biểu diễn với binh khí như xích, bồ cào, xà mâu, đại đao, thương… mang những nét độc đáo riêng của võ phái để đoạt được gần chục huy chương các loại tại các giải võ cổ truyền của tỉnh. “Muốn vươn đến thành công trong võ thuật, năng khiếu chỉ là thuận lợi nhỏ ban đầu, còn lại thì bản thân người luyện võ phải thực sự đam mê khổ luyện. Đó là lời dạy của ông ngoại mà tôi luôn ghi nhớ..”, Minh Hải chia sẻ.
Võ đường Hồ Sừng (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) hiện đã có thế hệ thứ năm tiếp nối truyền thống của một gia đình võ học vang danh. Tiêu biểu là Hồ Đức Hạnh (17 tuổi), cháu nội võ sư Hồ Sừng. “Trong số các cháu của tôi thì Đức Hạnh bộc lộ năng khiếu tốt nhất. Được sự kèm cặp của các thành viên trong gia đình, Đức Hạnh đã có nền tảng phát triển tốt, có nhiều thành tích tại các cuộc thi võ cổ truyền của tỉnh. Mới đây tại Giải võ cổ truyền các CLB tỉnh năm 2014, cháu đã đoạt huy chương Bạc…”, võ sư Hồ Sừng tự hào.
Gương mặt tài năng ở võ đường Phi Long Vinh (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) là Thái Thị Nhật Lệ (16 tuổi), con gái út của võ sư Phi Long Vinh (tên thật Thái Hùng Vinh). Từ năm 2007 đến nay, Nhật Lệ đoạt nhiều huy chương Vàng khi biểu diễn các bài quyền, binh khí trong nội dung hội thi ở các giải võ cổ truyền toàn tỉnh. Đặc biệt, Nhật Lệ đã thể hiện xuất sắc bài roi Thái Sơn để đoạt huy chương Vàng Giải võ cổ truyền trẻ toàn quốc năm 2010. Nhật Lệ tâm sự: “Để đền đáp công truyền dạy của ba trong 10 năm qua, tôi đã miệt mài rèn luyện để có thể biểu diễn tốt những bài võ được học. Sau những thành công gặt hái được ở nội dung hội thi, tôi cũng hứng thú khi được ba cho luyện tập và thi đấu đối kháng được hơn chục trận…”. Một học trò khác của võ sư Phi Long Vinh là Thái Hùng Linh (19 tuổi) còn xuất sắc hơn, hiện đang là kiện tướng quốc gia và VĐV của đội tuyển võ cổ truyền. Chỉ riêng trong năm 2013, Thái Hùng Linh đã đoạt được 8 huy chương các loại ở các giải cấp tỉnh và quốc gia…
2. Một trong những yếu tố giúp võ cổ truyền Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là sự tiếp nối truyền thống qua nhiều thế hệ. Có nền tảng tốt và ý thức gìn giữ đó chính là điểm đáng ghi nhận của các hạt nhân trẻ tuổi là con cháu các võ sư.
Sau khi lão võ sư Phan Thọ mất đi, hiện chịu trách nhiệm chính trong việc truyền dạy võ thuật cho học trò và ngoài tỉnh tại nhà võ sư Phan Thọ chính là Minh Hải. Thỉnh thoảng các võ sư là cậu ruột của Minh Hải mới về kiểm tra, góp ý chỉnh sửa thêm những gì còn hạn chế. Minh Hải bày tỏ: “Tôi sẽ cố gắng để thực hiện lời căn dặn của ông là phải theo đuổi lâu dài nghiệp võ. Điều tôi mong muốn là nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến võ cổ truyền, phải làm sao để thế hệ trẻ ở Bình Định có thêm nhiều người luyện tập võ cổ truyền. Bởi luyện võ sẽ rất hữu dụng để mình bảo vệ được bản thân, tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước khi cần, đồng thời cũng là để gìn giữ và phát huy truyền thống ông cha...”.
Hiện số lượng người trẻ tuổi “con nhà tông” chịu gắn bó khổ luyện để khẳng định được tài năng ở các võ đường trong tỉnh cũng không phải là nhiều. Các hạt nhân trẻ này cần được tiếp tục quan tâm bồi đắp, hỗ trợ thêm để có thể gầy dựng được lực lượng kế thừa có chất lượng giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định trong tương lai.
HOÀI THU